Theo Công an thành phố Hà Nội, sau 1 năm triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Hà Nội đã cơ bản triển khai 24/25 dịch vụ công thiết yếu (đạt 96%), bảo đảm hoàn thành 25/25 dịch vụ công thiết yếu trong năm 2022.
Hiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố (thử nghiệm) đã kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc giải quyết thủ tục hành chính.
Về thực hiện điểm 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông, Thành phố đã tiếp nhận đạt tỷ lệ 37,1% liên thông khai sinh/tổng số (3.067/9.653) và 10,1 % liên thông khai tử/tổng số (291/2.858), tiếp tục tích cực cùng các Bộ, ngành tháo gỡ các vướng mắc trên thực tế.
Thực hiện làm sạch dữ liệu, phát triển công dân số đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống" và khai thác các tiện ích từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: 6.018.769 thẻ Căn cước công dân, 4.026.354 hồ sơ cấp định danh điện tử, đạt 64,7%; kích hoạt 15.121 định danh mức 1 và 528.785 định danh mức 2.
Thành phố cũng đã thí điểm rà soát, đối chiếu, cập nhật dữ liệu hộ tịch với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xác định dữ liệu đồng nhất/không đồng nhất; đánh giá, chuẩn bị triển khai mở rộng; Bước đầu hình thành và xây dựng kho dữ liệu tập trung phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và các DVC trực tuyến.
Để có được kết quả trên, UBND thành phố Hà Nội đã quán triệt, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Đề án quyết liệt, có trọng tâm.
Tuy nhiên, theo Công an Thành phố, hiện nay, việc tham gia của người dân với các tiện ích do cơ quan hành chính Nhà nước cung cấp đặc biệt tham gia giải quyết các thủ tục hành chính theo phương thức điện tử còn hạn chế, chưa tương xứng với số lượng công dân có thể thực hiện dịch vụ công tốt trên môi trường mạng. Nguyên nhân do chất lượng các dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa cao, các quy định pháp luật chuyên ngành chưa kịp thời điểu chỉnh song hành cùng với các ứng dụng công nghệ thông tin có thể đáp ứng gây tâm lý "khó chịu" khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Đáng chú ý, một trong những rào cản khiến người dân chưa mặn mà sử dụng dịch vụ công trực tuyến là việc có và sử dụng các thiết bị công nghệ hỗ trợ và các dịch vụ trên mạng Internet của người dân còn hạn chế. Không phải người dân nào cũng có máy in, máy scan… và thao tác trên thiết bị di động chưa thực sự đơn giản.
Cùng với đó là rào cản về thói quen, tâm lý. Thói quen và tâm lý truyền thống của người dân khi làm thủ tục hành chính với suy nghĩ "chắc chắn", và để được hỏi, hướng dẫn cụ thể các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan và thường đến thẳng cơ quan hành chính để làm, và cảm thấy an tâm hơn khi đến trực tiếp. Ngoài ra, quy trình phức tạp sẽ khiến người dân ngại thao tác online. Những thủ tục với nhiều quy trình phức tạp sẽ khiến người dân bị rối, từ đó hạn chế sử dụng.
Ví dụ, hiện nay Thành phố đang làm điểm về triển khai liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính nhưng thực tế việc vận động và tỷ lệ công dân sử dụng dịch vụ thực chất chỉ có khoảng 10% người dân tự thực hiện được, còn lại hầu hết đang là công chức bộ phận Một cửa trực tiếp hỗ trợ và nhiều trường hợp sau 2-3 lần nhập đi nhập lại không được, công dân chuyển không dùng và thực hiện thủ tục đơn trên Cổng Thành phố.
Trên cơ sở xác định được nguyên nhân và kinh nghiệm từ năm 2016 khi Hà Nội triển khai các dịch vụ công trực tuyến liên thông, Thành phố đã tập trung xác định mục tiêu với phương châm "Người dân biết - Người dân sử dụng - Người dân tuyên truyền". Đây là phương thức "lan tỏa" hữu hiệu nhất để tăng hiệu quả sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt đối với 2 nhóm dịch vụ công liên thông như hiện nay. Khi người dân đã trực tiếp trải nghiệm và nhận được các giá trị mà dịch vụ công trực tuyến mang lại như tiết kiệm thời gian, chi phí, thuận lợi… thì chính người dân sẽ là "tuyên truyền viên" hữu hiệu nhất, sự chia sẻ và truyền đạt qua kết quả trải nghiệm của người dân với bạn bè, người thân.
Cũng theo Công an Thành phố, cùng với giải pháp trên, Hà Nội triển khai tập trung vào truyền thông cơ sở và hướng dẫn "cầm tay chỉ việc". Trong đó, việc thông tin truyền thông cơ sở được tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thông qua thông tin báo chí, tài liệu tuyên truyền, phát thanh, chuyên mục, video clip hướng dẫn, các kênh thông tin mạng (Zalo, Facebook, Tiktok... ). Đặc biệt các thông điệp truyền thông trên nền tảng mạng xã hội Ban Chỉ đạo 06 Thành phố xây dựng 1 chương trình "Chúng tôi là công dân số" với phương thức đơn giản, dễ hiểu.
Về hướng dẫn "cầm tay chỉ việc" với vai trò nòng cốt là đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa cấp - đây là đội ngũ sẽ trực tiếp thông tin đến công dân về các tính năng, tiện ích, các dịch vụ công hiện đang cung cấp đồng thời hướng dẫn công dân cách thức thực hiện và hoàn tất 1 hồ sơ nộp trực tuyến khi lần đầu công dân tiếp cận…
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến với chất lượng tương xứng và quy trình thuận lợi, đơn giản; chỉ dạo các đơn vị tăng cường và rà soát, xây dựng Hệ thống thông tin dữ liệu theo đúng quy định và hướng dẫn, bảo đảm chuẩn kết nối; giao các đơn vị nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền việc ưu tiên hỗ trợ chữ ký số miễn phí cho công dân khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; miễn hoặc hỗ trợ, ưu tiên một phần phí, lệ phí đối với công dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.