Trấn Yên (Yên Bái) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính

Thứ ba, 13/12/2022 16:07
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Những năm gần đây, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử, góp phần tích cực trong công tác cải cách hành chính.

Nhờ đẩy mạnh ứng dựng CNTT, bộ phận một cửa tại Thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên giải quyết nhanh gọn thủ tục hành chính khi người dân đến giao dịch. (Ảnh: Thanh Hùng)

Theo đó, các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn huyện đã chủ động triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý và điều hành, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành và thực thi nhiệm vụ được giao.

Để đảm bảo ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính (CCHC), góp phần xây dựng chính quyền điện tử, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện đã quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật CNTT, như máy tính, máy in, máy scan, đường truyền Internet để triển khai kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản với huyện, tỉnh và tổ chức tập huấn ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, xử lý văn bản trên môi trường mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số của huyện; Chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số và kế hoạch thực hiện chuyển đổi số tại 100% các xã, thị trấn. Lựa chọn 8/21 xã, thị trấn thực hiện chuyển đổi số năm 2022 (ưu tiên các xã đã và đang xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu), trong đó chọn thị trấn Cổ Phúc làm mô hình điểm.

Chỉ đạo thành lập 209 Tổ chuyển đổi số cộng đồng với tổng số 1.463 người tham gia. Trong đó, có 21/21 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, 188/188 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp thôn; UBND huyện đã triển khai áp dụng có hiệu quả hệ thống phần mềm “một cửa điện tử”, “một cửa điện tử liên thông” và dịch vụ công trực tuyến; áp dụng dịch vụ bưu chính công ích trong giải quyết thủ tục hành chính. 100% cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã thường xuyên sử dụng, khai thác hiệu quả hệ thống phần mềm Quản lý văn bản điều hành; có tài khoản thư điện tử công vụ để trao đổi, xử lý thông tin trong thực hiện công tác chuyên môn.

Cán bộ Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự (Công an Huyện Trấn Yên) hướng dẫn người dân quy trình làm thủ tục đăng ký xe ô tô thông qua các phần mềm ứng dụng CNTT. (Ảnh: Thanh Hùng)

Tỷ lệ phát hành văn bản điện tử của UBND huyện đạt gần 100% (trừ một số văn bản mật theo quy định) trong đó trên 90% văn bản được ký số. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện đã được quan tâm; thực hiện kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh đạt 100%. Duy trì hoạt động ổn định và hiệu quả đối với 17 phòng họp Hội nghị truyền hình trực tuyến 2 phòng họp tại Trung tâm huyện, 15 phòng họp tại các xã xa trung tâm huyện.

Tính đến hết tháng 9/2022, UBND huyện Trấn Yên đã đề nghị Ban cơ yếu Chính phủ cấp trên 150 chữ ký số chuyên dùng cho cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn, cán bộ, công chức trên địa bàn huyện; Triển khai Hệ thống phần mềm điểm danh thông minh tại Hội trường của UBND huyện; lắp đặt thêm 1 phòng họp trực tuyến tại phòng họp số 1; triển khai phòng họp không giấy tại các cuộc họp của UBND huyện.

Triển khai tới bộ phận Hành chính công huyện và bộ phận Hành chính công 21 xã, thị trấn thực hiện nền tảng thu phí, lệ phí sử dụng Biên lai điện tử; Triển khai ứng dụng nền tảng Google-meet phục vụ cho Hội nghị UBND huyện trực tuyến từ huyện đến cơ sở. Triển khai tới các xã, thị trấn xây dựng Trang thông tin điện tử tổng hợp…

Đến nay, đã có 42 cán bộ, công chức cấp xã được tập huấn trực tiếp tại tỉnh; đến hết tháng 10/2022 có trên 120 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, xã được tập huấn bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số. Tổ chức thành công Lễ phát động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia và Hội thi “Truyền thông nâng cao nhận thức về Ngày chuyển đổi số Quốc gia” huyện Trấn Yên năm 2022, với 5 cụm xã và vòng chung kết tại huyện.

Đồng thời, phối hợp với Viettel Yên Bái hoàn thiện các điều kiện đã đưa 24/24 sản phẩm OCOP đã có xác thực số lên sàn thương mại điện tử Voso; đối với sàn giao dịch PostMart, giao phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bưu điện tỉnh Yên Bái hoàn thiện các điều kiện.

Triển khai sử dụng hoá đơn điện tử, các nền tảng ứng dụng thanh toán điện tử: thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông … Trên địa bàn huyện hiện có tổng số 27.526 người sử dụng dịch vụ thanh toán Ebanking (riêng 8 tháng đầu năm 2022 là 3.584 người); trên 5000 người sử dụng ví điện tử: VNPT Money, Viettel Money, Zalopay, Momo, … để giao dịch thanh toán điện tử.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, các giao dịch ở bộ phận phục vụ hành chính công huyện Trấn Yên luôn diễn ra thuận lợi nhanh gọn. (Ảnh: Kim Chiến)

Cạnh đó, 100% các trường học trên địa bàn huyện đã triển khai, thực hiện việc quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả phần mềm quản lý sổ điểm, học bạ điện tử đối với giáo dục phổ thông. Sử dụng nền tảng hỗ trợ dạy học từ xa, dạy học trực tuyến qua mạng Internet để người học có thể học mọi lúc, mọi nơi, chủ động học tập; làm điểm 2 trường đó là Tiểu học, THCS Thị trấn Cổ Phúc là mô hình điểm về chuyển đổi số trong trường học.

Ứng dụng CNTT còn được triển khai ngày càng sâu rộng và có nền nếp tại bộ phận một cửa của huyện và các xã, thị trấn. Theo đó, hầu hết phần mềm hệ thống triển khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện đều có khả năng kết nối liên thông theo chiều dọc và theo chiều ngang, cho phép tra cứu thông tin hiển thị trạng thái tiến độ giải quyết hồ sơ điện tử huyện...

Điều này đã góp phần làm tăng tính minh bạch trong hoạt động của UBND huyện, tạo sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với UBND huyện. Một số ứng dụng chuyên ngành phát huy được hiệu quả rõ rệt, phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp, như ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế, công tác giải quyết mọi thủ tục hành chính lĩnh vực bảo hiểm xã hội, đăng ký kinh doanh, xây dựng... Các ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp từng bước được triển khai đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống đảm bảo kết nối, liên thông cung cấp trực tuyến toàn bộ thủ tục hành chính, 100% các thủ tục hành chính được cung cấp các dịch vụ công và dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Đông, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: Trong quá trình thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử, UBND huyện đã chỉ đạo đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống một cửa điện tử và thường xuyên quan tâm, đầu tư các thiết bị đảm bảo an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động của các đơn vị trên địa bàn huyện.

“Việc đẩy mạnh CNTT trong các cơ quan quản lý Nhà nước và xây dựng chính quyền điện tử của huyện đã và đang phát huy hiệu quả và trở thành phương tiện không thế thiếu, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công việc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện”, đồng chí Trần Đông, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết thêm./.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)