Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2443/QĐ-BTC về kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 131/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết TTHC
Quan điểm của Bộ Tài chính là tiếp tục cải cách hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực tài chính mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa; kế thừa, phát huy kết quả đạt được, bài học hay, kinh nghiệm quý; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nỗ lực đột phá vượt lên.
Cùng với đó, phát huy tinh thần chủ động, tính sáng tạo, loại bỏ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia xây dựng và phát triển của cả hệ thống ngành tài chính và cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Xây dựng nhiều mô hình, sáng kiến mới triển khai, áp dụng vào thực tiễn, tạo dấu ấn nổi bật trong thời gian tới với phương châm "lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả".
Theo Bộ Tài chính, cải cách TTHC phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiền, lấy thực tiễn làm thước đo; nói phải đi đôi với làm và phải có kết quả cụ thể, thực chất, không hình thức. Hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành phải bảo đảm tính chính xác, kịp thời, không bị động, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho chính quyền các cấp trong quá trình ra quyết định, nhất là phản ứng chính sách nhanh, kịp thời.
Bộ Tài chính đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để giảm tầng nấc, khâu trung gian, đơn giản hóa quy trình, TTHC nội bộ trong hệ thống các cơ quan, đơn vị ngành tài chính, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC của cơ quan, đơn vị ngành Tài chính phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm kỷ luật kỷ cương hành chính, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao vai trò người đứng đầu, càng "áp lực" thì càng phải "nỗ lực", chuyển từ trạng thái "bị động" sang "chủ động"; tạo sự thân thiện, cải thiện quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Khen thưởng, động viên và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời. Khuyến khích bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện môi trường đầu tư
Để đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, phấn đấu đạt được mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 6/10/2022 của Chính phủ, tại kế hoạch này, lãnh đạo Bộ yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tập trung triển khai một loạt nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, về cải cách TTHC, cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Lãnh đạo Bộ cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trong đó, tiếp tục thúc đẩy cải cách các quy định trong lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính.
Các đơn vị tổ chức thực thi ngay các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phương án phân cấp trong giải quyết TTHC tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên áp dụng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ được phê duyệt đối với các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính
Về nâng cao hiệu quả thực thi TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, bảo đảm 100% TTHC được công bố, công khai đầy đủ, đúng hạn và 100% các hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết tại các cơ quan, đơn vị được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin Một cửa điện tử Bộ Tài chính, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện.