Đầu tư lớn cho miền Trung

Thứ sáu, 06/06/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đầu tháng 5.2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội dải ven biển miền Trung đến năm 2020. Một nguồn lực cực lớn 2.333 ngàn tỉ đồng sẽ được đầu tư cho dải ven biển miền Trung, trong đó giai đoạn 2006 - 2010 đầu tư 411 ngàn tỉ đồng; giai đoạn 2011 - 2015 là 608 ngàn tỉ và thời kỳ 2016 - 2020 là 1.314 ngàn tỉ đồng.

Với số vốn đầu tư này, dải ven biển miền Trung gồm các tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận sẽ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển; các khu, điểm du lịch; các khu kinh tế, khu công nghiệp; hệ thống giao thông, thủy lợi, bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin; phát triển lưới điện, cơ sở hạ tầng nông thôn, kết cấu hạ tầng đô thị; công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp đóng tàu...

Mục tiêu của việc đầu tư này, theo Chính phủ, nhằm xây dựng dải ven biển miền Trung trở thành vùng kinh tế phát triển, cửa ngõ phía Đông và là một trong các hành lang kinh tế Bắc - Nam quan trọng của cả nước. Đồng thời nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa cho cư dân, giảm tỷ lệ đói nghèo cho các tỉnh miền Trung, qua đó giảm chênh lệch vùng miền... Để hoàn thành mục tiêu trên, hàng loạt nhiệm vụ đã được đề ra, trong đó tập trung ưu tiên phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng biển. Hình thành đường giao thông ven biển qua dải ven biển miền Trung dài 1.314 km nối liền ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa - Bình Thuận; xây dựng hầm Đèo Cả.

Đến năm 2020 hoàn thành đường cao tốc Bắc - Nam; cải tạo và mở rộng các tuyến quốc lộ 7, 8A, 9, 12A, 14B, 14D, 19, 24, 25, 26, 27, 28, 47, 49A và 55. Về đường sắt, xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435 mm đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang và một số đoạn đường sắt cao tốc  Bắc - Nam. Về cảng biển, xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong Khánh Hòa đạt tầm vóc quốc tế; xây dựng cảng Liên Chiểu Đà Nẵng làm cảng cửa ngõ và nâng cấp các cảng tại các khu kinh tế Nghi Sơn, Cửa Lò, Vũng Áng, Hòn La, Chân Mây, Kỳ Hà, Dung Quất, Nhơn Hội, Vũng Rô, Phú Quý.

Theo Bộ Xây dựng, từ 2008 - 2010 sẽ tiến hành quy hoạch, sắp xếp và tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình nhà ở cho hàng chục ngàn hộ dân từ Thanh Hóa - Phú Yên thường xuyên bị ngập lụt đủ sức chống chọi với bão, lũ. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề xuất kế hoạch nâng cấp hạ tầng kỹ thuật như thủy lợi, hồ chứa, đê kè bảo vệ chống sạt lở tại khu dân cư ở miền núi, ven sông; nạo vét chỉnh trị các dòng sông, cửa sông bị bồi lấp... Tổng vốn đầu tư là 18.592 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 1 2008 - 2010 đầu tư 10.204 tỉ đồng; giai đoạn tiếp theo là 8.388 tỉ đồng.

Giữa tháng 4.2008, Bộ GT-VT và UBND TP Đà Nẵng đã làm lễ khánh thành và thông xe đường phía nam hầm Hải Vân nối QL 1A và QL 14B. Tuyến đường này, ngoài nhiệm vụ tránh ngập lụt cho các đoạn QL 1A đi qua quận Liên Chiểu, sẽ làm giảm mật độ giao thông trên tuyến đường qua nội thành Đà Nẵng. Theo thiết kế, đường rộng 12m, tải trọng H30-XB80, dài 18,23 km trong đó có 1 cầu lớn và 7 cầu nhỏ có tổng vốn đầu tư 239 tỉ đồng. Con đường này trong tương lai chính là một mắt xích quan trọng của tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng - Thừa Thiên-Huế - Quảng Trị...

Một tín hiệu mới, lạc quan hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung.

Theo Báo Thanhnienonline

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)