Ảnh minh họa: Minh Nghĩa/TTXVN
Đáng chú ý, có tới 1,27 tỷ USD vốn FDI rót vào lĩnh vực bất động sản, chiếm 53,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp đôi so với tháng 1/2023.
Như vậy, sau thời gian dài chỉ đứng ở vị trí thứ 2 trong số các lĩnh vực, ngành nghề (sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) thì đến tháng 1/2024 thu hút FDI bất động sản đã bứt phá ngoạn mục, vươn lên vị trí dẫn đầu.
Tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong tháng 1 tăng mạnh so với cùng kỳ do tăng số lượng dự án mới (tăng 24,2%) và có dự án có quy mô vốn đầu tư lớn (hơn 600 triệu USD). Các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 15 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.
Trong số đó, hoạt động kinh doanh bất động sản được cấp phép mới đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 1,24 tỷ USD, chiếm 61,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 715,9 triệu USD, chiếm 35,6%; các ngành còn lại đạt 51,6 triệu USD, chiếm 2,6%.
Đáng chú ý, vốn đầu tư của Hà Nội tiếp tục tăng mạnh do có dự án đầu tư mới với số vốn lớn, khoảng hơn 662 triệu USD nhằm mục tiêu đầu tư dự án khu đô thị mới ở Thủ đô.
Bất động sản không chỉ tăng mạnh trong thu hút vốn FDI mà ngay cả người nước ngoài hiện cũng có nhu cầu mua bất động sản tại Việt Nam rất cao. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam thực hiện với 500 nhà đầu tư lớn đến từ 10 tổ chức xã hội nghề nghiệp của doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản các quốc gia có thị trường bất động sản phát triển trên thế giới như Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ, Hiệp hội Bất động sản Hàn Quốc, Hiệp hội Bất động sản Singapore… cho kết quả nhu cầu mua bất động sản tại Việt Nam của người nước ngoài khá cao.
Lý do đầu tiên mà nhà đầu tư muốn bỏ tiền vào bất động sản Việt Nam xuất phát từ mức giá hấp dẫn. Tuy bất động sản Việt Nam rất hấp dẫn các nhà đầu tư đến từ nước ngoài nhưng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng, vẫn cần tiếp tục cải thiện thêm các điều kiện về pháp lý, thông tin, dữ liệu… để tạo thuận lợi nhất cho người nước ngoài đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Khảo sát của đơn vị này ghi nhận, có 10,5% nhà đầu đánh giá thị trường bất động sản và giá bất động sản ở Việt Nam ở mức rất hấp dẫn; 47,4% đánh giá ở mức rất hấp dẫn nhưng cần cải thiện thêm các điều kiện về pháp lý, thông tin, dữ liệu…; 21,1% đánh giá ở mức khá hấp dẫn; 15,8% đánh giá ở mức tương đối hấp dẫn. Chỉ có 5,3% nhà đầu tư đánh giá ở mức chưa thực sự hấp dẫn
Trong các phân khúc của thị trường bất động sản, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất đến mua chung cư trung cấp và cao cấp và bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Cụ thể, có khoảng 57,9% nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến mua chung cư trung và cao cấp; nhu cầu thuê sản phẩm của phân khúc này chiếm 36,8%.
Nhu cầu mua bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và thuê bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng ở mức tương đối cao, lần lượt là 26,3% và 31,6%. Nhu cầu thuê bất động sản khu công nghiệp, mua bất động sản khu công nghiệp và thuê văn phòng thương mại nhu cầu chỉ chiếm khoảng 5,3%.
Về thời điểm và phương thức đầu tư, có 63,2% nhà đầu tư khẳng định sẽ đầu tư nhiều nếu có thêm các điều kiện về pháp lý, tài chính, thông tin…; tiếp đó, ở phương thức đầu tư ở mức độ vừa phải chiếm 15,8%; có 10,5% nhà đầu tư sẽ đầu tư nhiều trong dài hạn.
Đánh giá riêng về thị trường Hà Nội - một trong những địa phương thuộc tốp đầu về thu hút FDI, các chuyên gia của Công ty Savills Việt Nam cho rằng, thu hút FDI gia tăng sẽ tạo tiền đề phát triển cho phân khúc bất động sản văn phòng ở Thủ đô.
Ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam phân tích, trong khi FDI đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất, khu vực Gia Lâm của Hà Nội được định hướng trở thành cửa ngõ kết nối Thủ đô với tam giác kinh tế vùng Đông Bắc sau khi lên quận. Nhờ sự phát triển vượt bậc của các cụm công nghiệp mới, kết hợp trung tâm công nghiệp, sản xuất trọng điểm lân cận như Bắc Ninh hay Hưng Yên sẽ tạo đòn bẩy cho nhu cầu văn phòng tăng cao tại khu vực này.
Nhận định về xu hướng khách thuê, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho thuê thương mại - Savills Hà Nội cho biết, Gia Lâm là khu vực đặc thù về ngành nghề kinh doanh, bởi vậy cơ cấu khách thuê khác biệt tương đối nếu so với khu vực Hoàn Kiếm - nơi tập trung các doanh nghiệp về tài chính, ngân hàng, tổ chức chính phủ và cũng khác so với khu Tây Hà Nội - nơi có mật độ lớn các công ty thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, bảo hiểm, bất động sản.
Với lợi thế riêng của khu vực, Gia Lâm sẽ thu hút các doanh nghiệp FDI hay các công ty đa quốc gia có nhà máy đặt tại khu công nghiệp lân cận. Nhất là khi kết nối liên tỉnh thuận tiện và hạ tầng giao thông, kỹ thuật được đầu tư phát triển đồng bộ, Gia Lâm sẽ sớm trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất – kinh doanh giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Thủ đô và các tỉnh thành tại cửa ngõ kinh tế Thủ đô - bà Hoàng Nguyệt Minh nhận xét.
Có thể nó, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam gia tăng và bứt phá trong lĩnh vực bất động sản ngay từ đầu năm 2024 đang mở ra nhiều cơ hội hứa hẹn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Những cải thiện về phát triển hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính và đầu tư vào trung tâm sáng tạo tại Việt Nam cũng đang góp phần giúp thị trường trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế.