Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các Hội, Hiệp hội chuyên ngành, các chuyên gia và doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Lê Quang Hùng bày tỏ sự ủng hộ hoan nghênh Hội thảo “Khoa học công nghệ - Động lực phát triển bền vững ngành Công nghiệp Vật liệu xây dựng Việt Nam”. Đồng thời mong muốn qua cuộc Hội thảo này, các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ chia sẻ những thông tin cập nhật về các nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) có các tính năng kỹ thuật cao, thân thiện và bền vững với môi trường và đồng thời cũng giới thiệu các thiết bị và công nghệ tiên tiến trong khai thác và sản xuất VLXD đạt hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Hội VLXD Trần Văn Huynh báo cáo tham luận tại Hội thảo
Thứ trưởng Lê Quang Hùng cũng bày tỏ hy vọng, các thông tin được chia sẻ trong Hội thảo sẽ bổ ích và thiết thực cho các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp sản xuất VLXD của Việt Nam, góp phần phát triển ngành công nghiệp VLXD đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với chiến lược phát triển KHCN tới năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Phát biểu khái quát về ngành VLXD Việt Nam hiện nay, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam – TS. Trần Văn Huynh nhận định, trong 30 năm qua, ngành VLXD đã được nhiều thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư phát triển, tạo ra diện mạo mới: VLXD đa dạng về chủng loại, tốt về chất lượng, giá cả cạnh tranh, nhiều về số lượng, không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, với kim ngạch xuất khầu đạt 1,35 tỷ USD năm 2013. Các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu như xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng được sản xuất trên các dây chuyền công nghệ tiên tiến của thế giới.
Toàn cảnh Hội thảo
Ngành sản xuất VLXD là ngành tiêu thụ nhiều tài nguyên tự nhiên, năng lượng. Trong bối cảnh hiện nay, theo xu thế phát triển bền vững, vấn đề tái chế, tái sử dụng phế thải, tăng cường hiệu suất và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, cải thiện các đặc tính kỹ thuật, nâng cao độ bền sản phẩm VLXD, tạo ra các sản phẩm VLXD xanh… được sự quan tâm rất lớn của các nhà quản lý và các doanh nghiệp sản xuất VLXD, đồng thời cho thấy vai trò hết sức quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực VLXD.
Tại Hội thảo này, các chuyên gia và các doanh nghiệp quốc tế đã chia sẻ những kinh nghiệm và thông tin về giải pháp máy nghiền clinker tiết kiệm năng lượng; tận dụng nhiệt thừa để phát điện trong nhà máy xi măng; sử dụng vật liệu xây không nung ACC; kỹ thuật thi công tường nhẹ; sản xuất gạch ốp lát ceramic tấm lớn; hệ thống xử lý chất thải sinh hoạt đô thị để phát điện; kính low-e tiết kiệm năng lượng…
Minh Tuấn