PV: Thưa Bộ trưởng, là một người dân quê, cơn lũ mùa trước cuốn trôi hết cả nhà cửa. Cả đời tích góp mới có được một chỗ tránh mưa, trú nắng, cũng trôi mất rồi… liệu Bộ trưởng có quan tâm đến nhà ở cho người dân vùng bão lũ như chúng tôi không? (Câu hỏi của một người dân vùng lũ ở huyện Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Trước hết, tôi xin khẳng định Đảng và Nhà nước luôn dành nhiều chính sách ưu tiên về nhà ở cho người dân, đặc biệt là người nghèo không phân biệt ở nông thôn hay thành thị.
Trong chiến lược nhà ở quốc gia 2011-2020 được Chính phủ phê duyệt tháng 11/2011 khẳng định quan điểm mới về phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và người dân.
Thực tế nhiều năm qua, Nhà nước luôn dành một nguồn ngân sách đáng kể để hỗ trợ các chương trình nhà ở nông thôn, gần đây là Chương trình nhà ở 167 hỗ trợ nhà ở cho hơn 500.000 hộ nghèo đã kết thúc và đang làm giai đoạn 2 với 500.000 hộ nữa.
Chúng ta đang triển khai các chương trình nhà ở cho chương trình ngập lũ ĐBSCL, bão lũ miền Trung, ở ĐBSCL đã giải quyết khoảng 200.000 hộ có thể tránh lũ.
Đối với vùng biển ở nước ta có 28 tỉnh ở vùng Duyên hải từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, trong đó có 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận khu vực luôn gánh chịu cơn bão lũ lớn. Do đó, Chính phủ đã Quyết định thực hiện chương trình thí điểm nhà ở tránh bão lũ với 700 hộ và bước đầu đã thành công.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định 48 để thực hiện đại trà với 40.000 hộ dân nghèo được hỗ trợ để xây nhà tránh lũ. Bộ Xây dựng đã phối hợp với các tỉnh miền Trung quyết liệt thực hiện, cố gắng hoàn thành vào năm 2016. Như vậy, chắc chắn những hộ gia đình cá nhân thuộc đối tượng hỗ trợ sẽ được hỗ trợ có nhà đảm bảo tránh bão lũ an toàn.
PV: Thưa Bộ trưởng những người công nhân nghèo này có lẽ suốt đời không bao giờ dám mơ sở hữu một căn nhà tử tế. Vậy Bộ Xây dựng đã có giải pháp nào cho họ hay không? (Câu hỏi của một nữ công nhân ở khu công nghiệp trên địa bàn Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Khi ở địa phương cũng như khi về làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, tôi đã dành nhiều thời gian để tới thăm nơi ở của người dân lao động ở nông thôn, thành thị, thăm nhiều khu ở trọ của công nhân tại các khu công nghiệp, tôi rất hiểu khó khăn của họ - những người tạo ra sản phẩm chính, tạo ra tăng trưởng của đất nước lại phải chịu nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về nhà ở.
Với trách nhiệm là cơ quan của Chính phủ phụ trách về lĩnh vực phát triển nhà ở, chúng tôi đã phối hợp với các Bộ, ngành chức năng xây dựng chính sách và đề xuất Chính phủ ban hành nhiều chính sách quan trọng, tiêu biểu là Chiến lược nhà ở giai đoạn 2011-2020. Trong đó khẳng định chúng ta không chỉ phát triển nhà ở thị trường mà còn phát triển cả nhà ở xã hội, để đáp ứng nhu cầu của những người không có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường.
Và cụ thể hóa chiến lược này, Nghị định 188 của Chính phủ đã và đang thực hiện. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở trình Quốc hội thông qua Kỳ họp thứ 8, trong đó có một chương riêng về phát triển nhà ở xã hội.
Như vậy, thay vì xóa bỏ bao cấp về nhà ở như trong Luật nhà ở 2003, đến nay chúng ta đã phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường đồng thời phát triển nhà ở xã hội.
Trong đó, quy định rõ những chính sách hỗ trợ đối với những người khó khăn về nhà ở và quy định cụ thể những đối tượng được hỗ trợ như hộ dân nghèo ở nông thôn, người có công, lực lượng vũ trang, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, sinh viên, công nhân ở khu công nghiệp, người dân tái định cư đều là đối tượng được thụ hưởng trong chính sách nhà ở xã hội.
Tôi tin rằng, khi Chính sách và Luật được ban hành, cộng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các địa phương, chúng ta sẽ từng bước giải quyết nhu cầu nhà ở của những người có thu nhập thấp.
PV: Như Bộ trưởng vừa cho biết hiện nay Đảng và Nhà nước đã và đang triển khai nhiều chính sách nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhưng liệu chúng ta có đang quay về thời bao cấp và tạo tâm lý ỷ lại cho người dân không?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy. Người dân Việt Nam cần cù, chịu khó, không cam chịu đói nghèo, luôn muốn vươn lên để làm giàu và đóng góp cho Đất nước, nhưng không có nghĩa là họ không cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Hiện nay, với trình độ của nền kinh tế đang ở mức thu nhập trung bình thấp. Với thu nhập của người lao động hiện nay, nếu không có sự hỗ trợ của gia đình, người thân và Nhà nước thì người dân khó có thể mua nhà ở đô thị theo giá thị trường. Vì vậy, Nhà nước phải chủ động đề ra các chính sách hỗ trợ, thực tế hiện nay có trên 80% người có nhu cầu về nhà ở cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Nhưng sự hỗ trợ của Nhà nước ở đây không phải hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, mà bằng tiền sử dụng đất, bằng chính sách tín dụng cho người dân vay với lãi suất thấp, và bằng chính sách giảm thuế VAT đầu ra…
Như vậy, giá nhà ở sẽ giảm xuống, tăng cầu, sẽ có nhiều người mua nhà và làm nhà. Cùng một lúc chúng ta vừa giải quyết được nhu cầu nhà ở của người dân nhưng đồng thời góp phần giải quyết khó khăn của nền kinh tế. Khi đó, kinh tế của nước ta sẽ tăng trưởng trở lại, và các nhu cầu về xã hội sẽ từng bước giải quyết.
PV: Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng.
Theo : chinhphu.vn