Tiếp đoàn công tác Bộ Xây dựng có Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Nghị.
Phú Quốc bước đầu chuyển mình
Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số1197/QĐ-TTg ngày 09/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2010, Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030 đã được lập và được phê duyệt tại Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định: Đồ án quy hoạch được điều chỉnh là nhân tố để thúc đẩy, tạo môi trường thu hút đầu tư và là một công cụ, một cơ sở đặc biệt quan trọng để chúng ta kế hoạch hóa đầu tư. Từ khi có quy hoạch này, các dự án đầu tư trên đảo Phú Quốc nhanh và bài bản hơn.
Quy hoạch một mặt tạo ra môi trường quảng bá đầu tư, huy động đầu tư, mặt khác các nhà đầu tư cũng yên tâm vào để đầu tư theo đúng quy hoạch, tạo ra sản phẩm mới, chất lượng. Đây cũng là động lực chính để tăng nguồn thu, nâng cao đời sống của người dân.
Trước đó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là sân bay, hệ thống đường giao thông, trục chính của đảo. Các đường giao thông ven biển từng bước được đầu tư xây dựng. Bước đầu Phú Quốc đã chuyển mình.
Cần xác định quỹ dự trữ phát triển
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, quy hoạch chung là định hướng. Trên thực tế có những dự báo chưa hoàn toàn chính xác, chưa lường hết được nhân tố mới xuất hiện cho nên những sản phẩm dự kiến trong quy hoạch vẫn chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu để khai thác tiềm năng của Phú Quốc một cách có hiệu quả nhất.
Phú Quốc phát triển chủ yếu phải là du lịch, dịch vụ nhưng cũng không hạn chế phát triển công nghiệp với công nghệ cao, chất lượng cao, hiệu quả cao, sử dụng ít lao động và ảnh hưởng tối thiểu đến môi trường. Phú Quốc chưa quy hoạch quỹ đất cho các dự án đầu tư này.
Trong quy hoạch hiện nay, Phú Quốc vẫn chủ yếu khai thác lợi thế ven biển, nhưng chưa lường hết được những tổ hợp dịch vụ lớn, du lịch lớn, để có thể tạo ra nhiều sản phẩm du lịch. Những sản phẩm này, ở những vị trí khác nhau thì có sức hút và hiệu quả khác nhau...
Phú Quốc đã quan tâm đến phân khu chức năng, đến yếu tố xanh, xây dựng một hòn đảo xanh ứng phó với biến đổi khí hậu nhưng sự quan tâm này chưa gắn với phát triển kinh tế mà vẫn còn rất hình thức.
“Cho nên Phú Quốc cần thiết có sự điều chỉnh quy hoạch để hiệu quả hơn, phục vụ con người ngày càng tốt hơn” - Bộ trưởng nhấn mạnh. Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là rất quyết liệt trong việc làm quy hoạch và yêu cầu điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thực tế.
Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch huyện đảo Phú Quốc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Cần điều chỉnh lại phân khu chức năng cho rõ, cho rành mạch hơn; điều chỉnh lại cơ cấu sử dụng đất cho hợp lý; xác định khu dự trữ phát triển trong tương lai và bố trí quỹ đất cho các công trình hạ tầng, đặc biệt là xử lý chất thải, nước thải… “Việc xác định khu dự trữ rất cần thiết vì Phú Quốc là một hòn đảo nhỏ, diện tích có giới hạn”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý: Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, Phú Quốc cần đặc biệt chú trọng bảo tồn giá trị khu dự trữ sinh quyển của thế giới cũng như phong cách kiến trúc, bản sắc của đảo ngọc này.
"Phải đưa ra được một quan điểm ý tưởng để người ta nhớ đến Phú Quốc là nhớ đến địa danh đặc biệt. Để làm được điều đó, chúng ta phải đưa ra được những tính đặc sắc riêng về kiến trúc Phú Quốc để khách du lịch tới đây sẽ có nhiều ấn tượng đẹp, tránh tình trạng chỗ nào cũng như chỗ nào" - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.
Bộ trưởng yêu cầu: Đơn vị tư vấn tập trung phối hợp với Sở Xây dựng Kiên Giang, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh sớm hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch, trình thẩm định và phê duyệt.
Đảo ngọc phương Nam
Huyện đảo Phú Quốc có diện tích 589,23km2, thuộc tỉnh Kiên Giang và vùng ĐBSCL, nằm tại vùng biển Tây của Việt Nam, ở khu vực trung tâm của vùng Đông Nam Á, trong khu vực vịnh Thái Lan nên có vị trí đặc biệt quan trọng.
Hiếm có một hòn đảo nào được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu đãi như Phú Quốc. Đảo có chu vi bờ biển hơn 150km, trong đó có nhiều bãi biển đẹp có thể khai thác tốt du lịch.
Phú Quốc có rừng nguyên sinh chiếm 65% diện tích đảo, là điều kiện quan trọng tạo cảnh quan, môi trường và cũng là nơi trữ nước ngọt cho đảo. Ngoài ra, Phú Quốc còn có sông, suối, hồ rất đẹp để khai thác du lịch. Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có diện tích hơn 900 ha được TCty Cảng hàng không Việt Nam triển khai xây dựng từ năm 2008, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Huyện đảo này là khu kinh tế - hành chính đặc biệt, là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế, trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực.
Phú Quốc cũng là đầu mối giao thông quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế, trung tâm nghiên cứu KHCN chuyên ngành, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học rừng, biển và có vị trí đặc biệt về an ninh - quốc phòng.
Phú Quốc hiện đang xây dựng quy chế quản lý kiến trúc toàn đô thị theo quy hoạch được duyệt và quy chế quản lý kiến trúc từng khu vực của đô thị. Đặc biệt, Phú Quốc có 1 khu đô thị mới quy mô 67,5ha đang được xây dựng.
Với việc được công nhận là đô thị loại II (vào tháng 9/2014), huyện đảo Phú Quốc đã tiến một bước dài trong việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ về chủ trương hình thành Đặc khu hành chính - kinh tế đặc thù của cả nước, đáp ứng yêu cầu nâng cao vai trò, vị thế và phát huy tiềm năng lợi thế của Phú Quốc trong mối quan hệ vùng của quốc gia và quốc tế.
"Phú Quốc là một địa danh đặc biệt, nằm ở cực Nam của Tổ quốc, với rất nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, đây là một điều kiện đặc biệt để có thể phát triển dịch vụ du lịch. Trong tương lai, Phú Quốc sẽ trở thành một đặc khu với kỳ vọng không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh Kiên Giang nói riêng, mà còn tạo động lực phát triển kinh tế cả nước..." - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định.
Theo : Báo Xây dựng điện tử