Thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày trước Hội đồng, TS Lê Quân cho biết, quá trình hội nhập quốc tế tác động mạnh mẽ và toàn diện đến hệ thống giáo dục đại học. Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập tạo điều kiện cho các nước khai thác vốn tri thức chung của toàn thế giới.
Thách thức lớn nhất đối với giáo dục đại học ở nước ta hiện nay chính là yêu cầu phải đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập quốc tế để đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội.
Ngành kiến trúc là một ngành học gắn bó chặt chẽ với điều kiện xã hội trên các phương diện khoa học công nghệ và môi trường văn hóa. Việc đào tạo ngành kiến trúc mang nhiều nét đặc thù do bản chất chuyên môn vừa mang tính kỹ thuật, vừa mang tính nghệ thuật.
Việc xây dựng đổi mới chương trình đào tạo kiến trúc sư theo hướng hội nhập quốc tế nhằm từng bước tạo dựng những thế hệ kiến trúc sư tương lai có tầm nhìn, có trình độ khoa học công nghệ và phương pháp tư duy.
Việc nghiên cứu đề tài dựa trên cơ sở chương trình đào tạo kiến trúc của trường Đại học Nottingham (Vương quốc Anh), gồm 247 tín chỉ, trong đó 189 tín chỉ bắt buộc và 58 tín chỉ tự chọn. Các khối kiến thức từ kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức cơ sở chung, kiến thức cơ sở ngành, kiến thức chuyên ngành...
Tại buổi nghiệm thu đề tài, nhiều chuyên gia cũng đồng tình với những quan điểm của nhóm tác giả đối với việc chia chương trình thành 2 giai đoạn cụ thể; Ứng dụng để đào tạo theo chương trình tiên tiến ngành kiến trúc tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và ứng dụng đào tạo mở rộng.
Ngay từ năm 2009, chuơng trình đào tạo kiến trúc sư theo hướng hội nhập quốc tế của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép tuyển sinh thực. Qua quá trình đào tạo ứng dụng cho thấy khả thi của đề tài nghiên cứu khi đưa vào thực tiễn.
Các thành viên trong Hội đồng đều đánh giá đây là đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ngành kiến trúc sư theo hướng hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, nhóm đề tài cần lưu ý: Với khối lượng kiến trúc tương đối lớn được chia làm 2 giai đoạn, tương thích với 2 trình độ so với chương trình gốc, khi triển khai ở Việt Nam, người học chỉ được cấp duy nhất 1 văn bằng (kiến trúc sư).
Nếu tách làm 2 văn bằng là cử nhân kiến trúc và kiến trúc sư thì sẽ có lợi hơn cho người học trong việc chủ động về thời gian học, cũng như có thể học tiếp giai đoạn 2 ở một số cơ sở đào tạo khác.
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của nhóm đề tài, đồng thời lưu ý nhóm nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Hội đồng.
Việc đào tạo 6 năm như đề tài đề ra là cần phải xem xét lại, nếu đào tạo 5 năm thì hợp lý hơn.
Đề tài được Hội đồng nhất trí nghiệm thu với xếp loại xuất sắc.
Theo : Báo Xây dựng điện tử