Hướng đến xây dựng thành phố lành mạnh, thành phố hạnh phúc
Ngày Kiến trúc Thế giới do Liên hiệp Hội KTS quốc tế (UIA) đề xướng tổ chức hàng năm vào ngày thứ hai đầu tiên của tháng 10, nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm xã hội của giới KTS với những vấn đề mang tính toàn cầu của ngành xây dựng.
Đây cũng là dịp để UIA gửi thông điệp chính thức của giới KTS toàn cầu tới các nhà lãnh đạo quốc gia, các tổ chức quốc tế về một chủ đề được chọn hàng năm.
Chủ đề của Ngày Kiến trúc Thế giới 2014 là “Đô thị Lành mạnh, Đô thị Hạnh phúc”. Nhân chủ đề này, UIA kêu gọi Hội KTS các quốc gia thành viên tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh vai trò của KTS và nghề kiến trúc trong việc tạo nên sức sống của quá trình hình thành đô thị cũng như trong việc mang lại sức khỏe, hạnh phúc cho các cư đân ở đó thông qua các thiết kế có trách nhiệm của mình.
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn cho biết: Thời gian qua, hưởng ứng “Chiến lược Phát triển bền vững”, “Chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu”, Hội KTS Việt Nam đã đề ra “Tuyên ngôn Kiến trúc Xanh Việt Nam” cùng 5 tiêu chí kiến trúc xanh. Hội cam kết đi tiên phong thực hiện “Chiến lược Phát triển vền vững” của Chính phủ.
Theo Chủ tịch Nguyễn Tấn Vạn, ngày nay, kiến trúc xanh không còn là một xu hướng mà đã trở thành một chiến lược hành động vừa cấp bách vừa lâu dài. Các KTS có vai trò và trách nhiệm rất lớn trong quy hoạch và thiết kế môi trường xây dựng, trong việc giảm thải carbon hoàn toàn vào năm 2050 cũng như việc mang lại quyền bình đẳng về nơi ở cho người dân.
“Chúng ta có trách nhiệm làm cho cộng đồng hiểu rõ bản chất của kiến trúc xanh, của môi trường bền vững. Quan trọng hơn nữa là tạo dựng sự bền vững thông qua hành nghề kiến trúc, thông qua cuộc sống hàng ngày của mỗi người, mỗi gia đình để kiến trúc xanh không còn là một xu thế thời thượng, là kiến trúc dành cho người có tiền mà là kiến trúc cho mọi người, là trách nhiệm toàn xã hội”- KTS Nguyễn Tấn Vạn nói.
Để ngày càng có thêm nhiều công trình kiến trúc xanh, nhiều đô thị lành mạnh, đô thị hạnh phúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cam kết cùng với toàn xã hội thực hiện thúc đẩy công tác quy hoạch và phát triển các đô thị cũng như công trình mới theo hướng không phát thải carbon; cải tạo và nâng cấp các đô thị và công trình hiện hữu không phát thải carbon trong khi vẫn tôn trọng các giá trị văn hóa và di sản; tiến hành nghiên cứu, phổ biến, ứng dụng các chỉ tiêu, giải pháp giảm thải carbon để thực hiện mục tiêu 2050.
Hội KTS Việt Nam vận động và đề cao kiến trúc có trách nhiệm xã hội vì cộng đồng, phát triển và chuyển giao rộng khắp những thông tin và công cụ cần thiết cho quy hoạch và thiết kế theo tiêu chí bền vững, giàu sức sống, toàn diện và phát thải carbon thấp hoặc bằng 0.
Hội KTS Việt Nam đồng thời tuyên truyền, vận động và tư vấn miễn phí cho cộng đồng về các hệ thống năng lượng tự nhiên và tái tạo, hướng cộng đồng chung tay xây dựng môi trường sống lành mạnh, hạnh phúc.
Sống trong đô thị hạnh phúc, người dân hạnh phúc
Đến dự và phát biểu tại Ngày Kiến trúc Thế giới 2014, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình ghi nhận sự đóng góp của đội ngũ KTS, KS thông qua những công trình xây dựng đã làm đẹp cho đất nước.
Bộ trưởng cho biết: Tại Việt Nam, đô thị hóa đạt trên 34%. Mỗi năm tiếp tục có hơn 1 triệu người chuyển dịch từ nông thông ra đô thị. Các đô thị Việt Nam không chỉ tăng về quy mô, số lượng mà cũng được nâng cao về chất lượng. Đô thị thực sự đóng vai trò đầu tàu phát triển kinh tế trong khu vực và là hạt nhân thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao…
Bên cạnh những thành quả đạt được, Bộ trưởng cũng nhận định, đô thị Việt Nam còn nhiều thách thức. Những thách thức này cần được các nhà quản lý, nhà chuyên môn, nhà khoa học…, trong đó KTS, kỹ sư là nòng cốt, tạo ra sự thay đổi căn bản.
Hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị lành mạnh, đô thị hạnh phúc, Bộ trưởng nhận định: Xã hội chuyển dịch từ nông thôn ra đô thị rất cao, tạo ra áp lực lớn lên hạ tầng của đô thị trong khi nguồn lực phát triển còn hạn chế.
Do vậy, giới làm nghề cần tạo ra những khu đô thị mới có chất lượng, đảm bảo phục vụ cho người dân, bao gồm cả người có thu nhập trung bình và thấp, để đón đầu dòng dịch cư, tránh lặp lại sai lầm của nhiều đô thị trên thế giới về sự hình thành các khu ổ chuột tại ngoại ô.
Bộ Xây dựng với chức năng quản của mình, những năm qua đã tập trung hoàn thiện thể chế pháp lý. Đây là những cơ sở pháp lý để cho các nhà đầu tư, những người làm nghề trong và ngoài nước huy động nguồn lực cho phát triển đô thị và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, tạo nên nhưng đô thị mới, diện mạo mới cho đô thị Việt Nam.
Bộ Xây dựng cũng đã xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đô thị thân thiện, đô thị xanh…
Bộ trưởng đề nghị những người làm nghề, các địa phương tập trung thực hiện Chiến lược Phát triển đô thị quốc gia, trong đó chú trọng phân bổ hợp lý hệ thống đô thị của mỗi địa phương, mỗi vùng…; làm tốt công tác quy hoạch, phát triển đô thị gắn với kinh tế.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Các KTS, KS phải vừa có kiến thức về xây dựng, thiết kế, phải vừa có kiến thức về kinh tế để tạo ra những đô thị có chất lượng cao nhất, hiệu quả nhất; chú trọng hoàn thiện các đô thị dịch vụ, đô thị di sản… đồng thời phát triển các đô thị vừa và nhỏ phân bố trên các địa bàn nhằm giảm áp lực cho các đô thị lớn, tránh hình thành các khu vực đô thị nghèo đói, nhà ổ chuột.
Bộ trưởng lưu ý giới làm nghề quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập trung bình, xây dựng những đô thị mà người dân sống ở đó hạnh phúc hơn. Người dân được hưởng các tiện ích đô thị nhiều nhất nhưng chi phí không nhiều.
Bộ trưởng đề nghị các KTS, KS, người quản lý đô thị cần nhận thức rõ hơn và bằng chuyên môn tiếp tục đóng góp cho việc tạo ra các đô thị lành mạnh - đô thị hạnh phúc.
Theo : Báo Xây dựng điện tử