Nghiên cứu đề xuất giải pháp cho thành phố Tam Kỳ nhằm phát triển hướng đến xây dựng mô hình thành phố carbon thấp

Thứ năm, 12/10/2023 15:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Tóm tắt: Nội dung  nghiên cứu này đã đề xuất gợi mở các giải pháp về mặt quy hoạch và kiến trúc cho Thành phố Tam Kỳ nhằm phát triển hướng đến xây dựng mô hình “thành phố Carbon thấp, giảm thải khí CO2” trong tương lai.

1. Giới thiệu chung

Quảng Nam là tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam, nằm trong tuyến hành lang kinh tế ven biển, là nơi giao thoa những sắc thái văn hóa giữa hai miền Nam Bắc và giao lưu văn hóa mạnh mẽ với các nước bên ngoài. Thời gian qua, hệ thống đô thị, hạ tầng cơ sở đã được đầu tư xây dựng, nhờ vậy, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh cơ bản đã phát triển nhanh theo hướng hiện đại, quy mô đô thị được mở rộng, số lượng đô thị gia tăng, chất lượng đô thị được cải thiện, bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng khởi sắc. Mặc dù số lượng đô thị tăng ít, nhưng quy mô, cấp loại đô thị đã tăng đáng kể. Kinh tế khu vực đô thị là nguồn đóng góp chính cho phát triển kinh tế của tỉnh.

Tam Kỳ hình thành và phát triển gắn liền với vùng đất Quảng Nam. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông lập thành huyện Hà Đông, cùng với sự ra đời của Thừa tuyên Quảng Nam. Năm 1841, dưới thời Thiệu trị, huyện Hà Đông trực thuộc phủ Thăng Hoa (sau đổi tên thành phủ Thăng Bình), có diện tích bao gồm Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành, cả huyện Tiên Phước và một số xã phía Nam huyện Thăng Bình ngày nay. Năm 1906, huyện Hà Đông tách khỏi phủ Thăng Bình, đổi thành phủ Tam Kỳ. Tỉnh Quảng Nam xác định nâng cao vai trò vị thế của thành phố Tam Kỳ có đủ sức cạnh tranh với các đô thị lớn trong vùng; tạo ra sự bứt phá trong chuỗi đô thị của vùng duyên hải miền Trung với các đô thị động lực cho toàn vùng bằng Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt: QH3500) (UBND tỉnh Quảng Nam, 2014).

Chính phủ xác định “Tam Kỳ cùng với Quảng Ngãi cần trở thành một trọng điểm quan trọng trong quá trình phân bố chức năng của toàn vùng, cống hiến cho sự hình thành và phát triển một cấu trúc vùng cân bằng và hợp lý. Để tránh mô hình phát triển vùng theo cấu trúc đơn cực xoay quanh chỉ một thành phố lớn Đà Nẵng” đòi hỏi đô thị Tam Kỳ cần được xây dựng và phát triển không gian đô thị đạt tầm đô thị loại I nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có và tận dụng thời cơ, cơ hội phát triển. Năm 2015, Tổ chức Định cư con người Liên Hiệp Quốc tại Châu Á (UN Habitat Châu Á) đã trao tặng cho thành phố Tam Kỳ giải thưởng “Phong cảnh thành phố Châu Á năm 2015” (Công Bính, 2015), Tam Kỳ được công nhận là đô thị loại II vào năm 2016. Và xác định Tam Kỳ sẽ sáp nhập thêm huyện Núi Thành và huyện Phú Ninh để phát triển trở thành đô thị loại I vào năm 2024 (Bính, 2022).

Tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26 - Ngày 01/11/2021), Chính phủ Việt Nam công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp cho nỗ lực chung nhằm giữ nhiệt độ Trái Đất tăng lên không quá 1,5 độ và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu với mục tiêu “Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” (HNV,2021).

Có thể thấy, thành phố Tam Kỳ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam. Và bối cảnh biến đổi khí hậu sẽ gây ra những tác động, khủng hoảng đến các đô thị là điều không thể tránh khỏi. Cùng với xu hướng phát triển đô thị bền vững trên thế giới, xây dựng đô thị thành phố Tam Kỳ hướng đến thành phố Carbon thấp là tầm nhìn, định hướng chiến lược trong tương lai, nhằm góp phần vào thực hiện hóa cam kết của Việt Nam về môi trường đối với thế giới. Bài viết căn cứ vào quy hoạch chung QH3500 đã được phê duyệt để đối sánh với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến môi trường và phát triển bền vững để đề xuất các giải pháp chính về mặt quy hoạch và kiến trúc liên quan đến định hướng xây dựng “Thành phố carbon thấp, giảm phát thải khí CO2” cho thành phố Tam Kỳ.

2. Nội dung định hướng phát triển trong Đồ án QH 3500

Thành phố Tam Kỳ có cơ hội lớn để thay đổi chiến lược quy hoạch phù hợp với xu hướng phát triển trở thành đô thị môi trường kiểu mẫu. Với mục đích đề ra các giải pháp mới để định hướng xây dựng phát triển thành phố carbon thấp, hướng đến tăng trưởng phát triển bền vững cho thành phố, là tiền đề để gợi ý tham khảo cho Thành phố Tam Kỳ nghiên cứu áp dụng lồng ghép vào nội dung điều chỉnh quy hoạch chung trong thời gian tới.

2.1. Thực trạng đô thị thành phố Tam Kỳ

Thành phố Tam Kỳ có những thuận lợi: (1) Quỹ đất đô thị còn lớn, là cơ sở để xây dựng và phát triển các khu chức năng đô thị đồng bộ, hiệu quả, (ii) Giao thông thuận lợi, kết nối đồng bộ cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không; (iii) Cảnh quan thiên nhiên phong phú, điều kiện địa hình, khoáng chất, sản vật địa phương dồi dào… có tiềm năng rất lớn trong phát triển du lịch dịch vụ; (iv) Nguồn lực con người, lực lượng lao động trẻ, dồi dào, có ý chí cầu tiến và mong muốn được phát triển…Ngoài ra, còn có những thuận lợi khác như về vị trí địa lý, quá trình phát triển kinh tế xã hội, là thủ phủ của tỉnh Quảng Nam, được sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền từ trung ương đến địa phương, của các doanh nghiệp trong và ngoài nước và người dân địa phương…

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: (i) Đô thị có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị còn chưa đồng bộ; (ii) Điều kiện địa hình trong bối cảnh biến đổi khí hậu dễ chịu các rủi ro, thiên tai và điều kiện thời tiết cực đoan; (iii) Các ngành sản xuất còn nhỏ do môi trường tiêu thụ trong khu vực còn thấp.

Việc xác định các cơ hội của thành phố là rất cần thiết, có thể kể đến như: (i) Phát triển thành phố Tam Kỳ trở thành hệ sinh thái trong nền kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông Tây, (ii) Có nhiều thuận lợi trong mở rộng các dự án đầu tư và phát triển tại địa phương, phát huy tiềm năng vốn có. Đòi hỏi các nghiên cứu và chính sách phát triển đô thị, phát triển kinh tế và bảo vệ cảnh quan tự nhiên, đảm bảo là một đô thị xanh…đảm bảo cân bằng, phát huy được vai trò lợi thế của hệ thống cảnh quan và nhất là (ii) Có các giải pháp phù hợp ứng phó với biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan với khu vực ven biển.

2.2. Đô thị Tam Kỳ với định hướng theo Quy hoạch QH3500

Qua nghiên cứu đặc điểm quá trình đô thị hóa của thành phố Tam Kỳ (Nguyễn Văn Hợi, 2021) và nội dung Đồ án quy hoạch chung QH3500 đã được phê duyệt. Các định hướng phát triển đô thị thành phố Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt như sau:

- Về cấu trúc đô thị và mô hình phát triển: (i) Là cấu trúc đa trung tâm được kết nối bằng các trục giao thông chính đô thị và hệ thống các không gian xanh của thành phố; (ii) Mở rộng không gian đô thị trên cơ sở khu trung tâm đô thị hiện hữu gắn với không gian phát triển ven sông Tam Kỳ.

- Về phân vùng phát triển gồm 4 vùng chức năng (i) Công nghiệp và nông nghiệp sinh thái; (ii) Vùng đô thị hiện hữu; (iii) Khu đô thị mới và (iv) Du lịch, dịch vụ; chia làm 12 phân khu chức năng để quản lý, phát triển.

- Về quy hoạch giao thông: (i) Mạng lưới đường giao thông theo hướng Đông tây kết nối vùng trung tâm hiện hữu với khu vực ven biển; (ii) Duy trì hệ thống đường sắt, đường cao tốc, quốc lộ để kết nối với các đô thị lân cận.

- Về phát triển hệ sinh thái: Phát triển cộng sinh với môi trường - cây xanh và mặt nước, phát huy tối đa điều kiện tự nhiên, bảo tồn giữ vững diện tích đất nông nghiệp với khoảng 50% tổng diện tích tự nhiên. Quy hoạch và sử dụng tài nguyên đất đai hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, phát triển các làng xã, nhà vườn sinh thái. Đảm bảo diện tích đô thị 40%, làng quê 60%.

- Về mặt nước và cây xanh: Bảo tồn đất cây xanh, đất nông nghiệp, bảo tồn hồ Sông Đầm, hồ Phú Ninh và vùng phụ cận. Xây dựng mạng lưới cây xanh (các con đường có dải cây xanh) để kết nối các trọng điểm cây xanh kể trên. Xây dựng không gian thân thiện mặt nước ở hai bên sông, đảm bảo tính liên kết với mạng lưới cây xanh chung, từ đó hình thành không gian tươi mát, trong lành.

- Về phát triển cơ sở hạ tầng, có các định hướng phát triển nhà ở, công trình phục vụ công cộng, du lịch và nghỉ dưỡng.

2.3. Phân tích và bàn luận

Qua phân tích, Đồ án QH3500 định hướng các nội dung nhằm (1) Quản lý đô thị phát triển có trật tự (phân chia thành 4 vùng, 12 phân khu), quy hoạch sử dụng đất, định hướng cơ sở hạ tầng để giải quyết những vấn đề chung của một đô thị mới và đang phát triển như (i) Hạn chế tối đa sự phát triển tự phát, (ii) Bảo vệ tốt môi trường tự nhiên, (iii) Giữ gìn các di sản lịch sử văn hóa và cảnh quan thiên nhiên; (2) Phát triển đô thị xanh (Green Capital City) trên nền tảng của một thành phố đô thị hóa chưa quá mức, với điều kiện không gian xanh, hệ sinh thái tự nhiên có sẵn và (3) Quy hoạch giao thông trên nền tảng các trục giao thông có sẵn.

Tuy nhiên, các định hướng trong Đồ án QH3500 được phê duyệt năm 2014, chưa theo kịp sự vận động và phát triển cũng như tư duy quy hoạch mới hiện nay như phát triển đô thị carbon thấp, đô thị nén, mô hình phát triển TOD, đô thị thông minh, về quy hoạch giao thông công cộng với những tư tưởng tiến bộ…

3. Chính sách pháp luật liên quan định hướng phát triển đô thị carbon thấp

3.1. Xu hướng đô thị carbon thấp trên thế giới và ở Việt Nam

Tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP) với mục tiêu nâng cao nhận thức về mối nguy hiểm từ biến đổi khí hậu cùng nhau hành động bảo vệ trái đất, bảo vệ chính mình với chiến lược: giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,50C; giúp các nước đang phát triển giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với các tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu; giảm thiểu lượng rác thải tại các đô thị; bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng… đang là vấn đề mà các đô thị ở Việt Nam quan tâm, nhất là đô thị của các tỉnh duyên hải trung bộ trong đó có Quảng Nam với địa hình đồi nối dốc, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng “tức thời” bởi các hiện tượng cực đoan về thời tiết do biến đổi khí hậu…

Xu hướng đô thị carbon thấp (low-carbon urbanization) đang được các chính quyền đô thị, các quốc gia quan tâm nhằm tìm kiếm các giải pháp để giảm lượng khí nhà kính và tác động đến môi trường. Trong đó nhấn mạnh đến (i) Việc xây dựng các chính sách và thực hiện cam kết quốc tế để thúc đẩy phát triển đô thị bền vững; (ii) Ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông công cộng nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí, (iii) Khuyến khích sử dụng công nghệ xây dựng và vật liệu thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu. Trước tình hình đó, chính phủ Việt Nam xây dựng nhiều chính sách và chủ trương liên quan đến bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng và phát triển đô thị thông minh, hướng đô thị phát triển theo hướng bền vững.

3.2. Phát triển thành phố carbon thấp đối với đô thị Tam Kỳ trong các quy định

Phát triển thành phố carbon thấp là một biện pháp quan trọng để ngăn chặn lượng khí thải CO2, hướng đến tăng trưởng phát triển bền vững đô thị. Để thực hiện hóa cam kết của Việt Nam tại COP26, Chính phủ ban hành các văn bản pháp lý làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện như: quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam; thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bảo vệ môi trường quốc gia; tăng trưởng xanh; quy chế quản lý kiến trúc…

Qua đối sánh các nội dung được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật với phát triển đô thị thành phố Tam Kỳ cho thấy: (i) Chương trình phát triển đô thị Tam Kỳ giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị thì các nội dung liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu nhằm phát triển đô thị vẫn chưa được chú trọng. Cụ thể như: định hướng Thành phố đô thị carbon thấp, giảm phát thải khí CO2, và các tiêu chuẩn kỹ thuật quy trình chứng nhận Công trình xanh…chưa được đề xuất. Lý do là cơ sở pháp lý này được phê duyệt trong khoảng thời gian năm 2015, trước các cơ sở pháp lý nhà nước cấp trên được ban hành. Nên không có cơ sở để tuân thủ theo quy định và chưa được đề xuất, áp dụng những tư duy xu hướng mới như hiện nay.

4. Đề xuất các giải pháp

Để có thể bắt kịp và đóng góp chung vào thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, trong thời gian tới Thành phố Tam Kỳ cần phải rà soát lại hệ thống văn bản pháp lý, làm cơ sở nền tảng để điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với xu thế phát triển chung trong tình hình phát triển mới. Cụ thể là cần rà soát, đánh giá và lồng ghép các nội dung về giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm hướng đến xây dựng “Thành phố Carbon thấp, giảm phát thải khí CO2”, trong việc điều chỉnh quy hoạch, chính sách phát triển đô thị.

Để thực hiện các nội dung trên, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp mang tính tổng thể như sau:

4.1. Đối với lĩnh vực quy hoạch

Trên cơ sở “cấu trúc đa trung tâm, được kết nối bằng các trục giao thông chính đô thị và hệ thống các không gian xanh của thành phố” của đồ án QH3500, cần điều chỉnh (i) Định hướng mô hình phát triển đô thị nén, kiểm soát xảy ra tình trạng lan rộng của đô thị với sự phát triển nhảy cóc, mất trật tự; gắn kết và (ii) Đề xuất xây dựng hệ thống giao thông công cộng, lấy các khu vực nhà ga, các giao lộ lớn trục giao thông làm trung tâm phát triển định hướng theo mô hình TOD; phát triển khu vực lõi trung tâm có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu sinh hoạt của người dân nhằm rút ngắn khoảng cách di chuyển, giảm nhu cầu sự phụ thuộc vào giao thông.

(i) Với cấu trúc đô thị nén thì mục đích sử dụng đất phức hợp, đa mục đích, mật độ cao, và thông qua các khu nhà ở tập trung sẽ cải thiện và cân bằng nhu cầu năng lượng dẫn đến việc tiết kiệm và hiệu quả sử dụng năng lượng. Việc chuyển đổi sang cấu trúc đô thị nén, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư, chuyển đổi các hệ thống năng lượng đô thị sang các hệ thống ít thải khí carbon mang lại hiệu quả cao. Xem xét ứng dụng đưa các dòng không khí, gió mát từ các dòng sông, biển thông qua bố trí theo hệ độ cao công trình và các tuyến đường giao thông vào đô thị theo tư tưởng “Con đường của gió” để làm mát đô thị, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Đề xuất chiến lược, giải pháp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu trong đồ án QH3500, nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của thành phố.

(ii) Đối với định hướng phát triển giao thông, cần phát triển hệ thống giao thông công cộng trong nội đô và đường cao tốc kết nối giữa các thành phố; thúc đẩy sự chuyển đổi từ phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô) sang phương tiện giao thông công cộng, xe đạp và đi bộ, phương tiện carbon thấp như xe điện…nhằm, giảm thiểu phát thải carbon trong các khu dân cư; nâng cao dịch vụ phục vụ giao thông công cộng hướng đến sử dụng hiệu quả mức đầu tư… Như vậy, nhìn từ góc độ tiêu thụ năng lượng sẽ giảm đáng kể trong quá trình phát triển đô thị, đáp ứng nhu cầu chung của xã hội.

Trong đô thị những cơ sở chưa sử dụng hiệu quả năng lượng như nhà máy, công xưởng cần cải thiện, tái sử dụng thực hiện di dời các nhà xưởng sản xuất, xí nghiệp gây ô nhiễm trong các khu dân cư và điều chỉnh chức năng thành đất công cộng, công viên cây xanh để phục vụ cộng đồng. Mảng xanh là khởi nguồn cung cấp O2 cho đô thị, thúc đẩy xây dựng thành phố carbon thấp, thông qua việc điều hòa khí hậu, gián tiếp làm giảm sử dụng máy điều hòa, giảm lượng khí thải CO2, sử dụng hiệu quả năng lượng sinh khối là rất quan trọng. Vì vậy, cần chú trọng triển khai, thực hiện, quản lý hiệu quả theo định hướng phát triển hệ sinh thái, hệ thống cây xanh mặt nước theo đồ án QH3500.

4.2. Đối với lĩnh vực kiến trúc

Bên cạnh việc kịp thời cập nhật, bổ sung các quy định mới, tư duy về môi trường, về thích ứng biến đổi khí hậu và hướng đến xây dựng phát triển “Thành phố carbon thấp, giảm phát thải khí CO2” cho Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị của Thành phố Tam Kỳ…nhóm nghiên cứu đề xuất một số nội dung gợi mở cần xem xét điều chỉnh quy chế trong tương lai:

- Khuyến khích các phương án thiết kế, xây dựng công trình thân thiện với môi trường như cải tạo phủ xanh mái, tường đứng, tiết kiệm (kiểm soát hiệu quả) năng lượng, sử dụng vật liệu thân thiện…

- Quy định và khuyến khích phát triển mô hình các tòa nhà đô thị carbon thấp, bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị…

- Khuyến khích thiết kế xây dựng công trình nhà ở cộng sinh môi trường

- Đặt ra nghĩa vụ bắt buộc đối với công trình được phê duyệt và xây dựng phải ít tác động môi trường, và đạt quy chuẩn liên quan đến thiết kế xanh, kiến trúc sinh thái tương tự tiêu chuẩn LOTUS, LEED, EDGE… và đối với công trình quy mô lớn phải có các biện pháp bắt buộc về giải pháp tiết kiệm năng lượng, có khả năng cung cấp năng lượng độc lập, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng tuần hoàn có hiệu quả.

- Quy định phương án thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình có tổng diện tích sàn từ 2500m2 trở lên (văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, thương mại - dịch vụ, chung cư…) bắt buộc tuân thủ quy định những yêu cầu kỹ thuật theo QCVN 09:2017/BXD “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả”

5. Kết luận

Bằng việc nghiên cứu, phân tích các nội dung Đồ án quy hoạch chung QH3500 đã được phê duyệt đối sánh với hệ thống pháp lý hiện nay liên quan đến vấn đề môi trường, phát triển bền vững, nhóm nghiên cứu nhận thấy một số vấn đề cần được quan tâm điều chỉnh về quy hoạch và kiến trúc liên quan đến định hướng xây dựng “Thành phố carbon thấp, giảm phát thải khí CO2” cho thành phố Tam Kỳ. Trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước cần triển khai các đề tài chuyên sâu và quy mô lớn hơn nhằm làm rõ các cơ chế tài chính, kỹ thuật, áp dụng, kiến nghị điều chỉnh nội dung cụ thể, chi tiết đối với 4 phân vùng và 12 phân khu trong đồ án QH3500 cũng như Quy chế quản lý kiến trúc của Thành phố Tam Kỳ.

 

TS.KTS. Nguyễn Lâm - Sở Quy hoạch TP.HCM

TS.KTS. Phan Bảo An - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng

ThS. Nguyễn Minh Nam - Ủy ban Nhân dân Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam

KTS. Nguyến Khánh Chi - Đại học Sheffield, Vương Quốc Anh

(Nguồn: Tạp chí Người Xây dựng, Số 377, Tháng 9/2023)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)