Nhìn vào những khu tập thể (KTT) xuống cấp, mất an toàn và thẩm mỹ ở các TP lớn của miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng…hay TP Vinh ở miền Trung hiện nay, có lẽ nhiều người dân và lãnh đạo, quản lý TP sẽ có ý nghĩa rằng: Nó đã hết thời rồi (ngôn từ đẹp hơn: Nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình) đã đến lúc phải phá bỏ, để trên khu đất đó, xây lên những tòa chung cư cao tầng, hiện đại, tiện nghi, vừa cải thiện điều kiện sống cho người dân, vừa làm đẹp hình ảnh TP và các nhóm cư dân có liên quan sẽ phải làm gì và làm như thế nào với các KTT vang bóng một thời này?
Trong khi đó, nếu nhìn nhận sâu hơn, ta sẽ thấy bên trong cái vẻ ngoài cũ kỹ, xấu xí của các KTT, vẫn đang ẩn chứa những giá trị gắn liền với lịch sử hơn nửa thế kỷ thăng trầm của TP, của các thế hệ cư dân, với những chiều kích vật chất, văn hóa, tinh thần một thời, cùng những giá trị thực tế đương đại của nó.
Bài viết sẽ nhìn lại bối cảnh lịch sử và ghi nhận những giá trị như vậy đối với các KTT (còn được gọi là mô hình nhà ở XHCN) - đã trải qua hơn nửa thế kỷ và vẫn còn hiện hữu ở các TP lớn của miền Bắc, đặc biệt tập trung nhiều nhất ở thủ đô Hà Nội.
Khu tập thể là kết quả của những chính sách, những quyết tâm chính trị, nhằm phục vụ con người lao động, mang giá trị xã hội - nhân văn trong bối cảnh lịch sử cụ thể
Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến giành độc lập, từ năm 1955 miền Bắc và Thủ đô Hà Nội bắt đầu công cuộc khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất cho thời kỳ quá độ lên CNXH. Bên cạnh các nhà máy, xi nghiệp, cầu cống, đường xá… được khôi phục và xây dựng mới, Đảng và Chính phủ, đứng dầu là Hồ Chủ tịch đã luôn quan tâm cải thiện điều kiện sống cơ bản của người dân, đặc biệt là vấn đề nhà ở. Nhà nước và chính quyền TP đã ban hành các chính sách nhằm cung cấp nhà ở cho người làm việc trong khu vực nhà nước, vốn chiếm đa số trong cư dân Hà Nội và các đô thị lớn ở miền Bắc lúc này. Vào đầu những năm 1960, những KTT bao gồm hàng chục tòa nhà cao từ hai đến năm tầng, đã được xây dựng theo mô hình tiểu khu nhà ở khép kín của Liên Xô.
Có thể gọi các KTT này là nhà ở XHCN vì chúng đều do nhà nước trung ương hay chính quyền TP đầu tư xây dựng và cấp cho cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước. Có những KTT lớn như Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Trung Tự…và nhiều KTT nhỏ hơn, do các cơ quan, bộ, ngành, nhà máy, xí nghiệp đóng tại Hà Nội xây dựng và quản lý. Các căn hộ được cấp gần như miễn phí, vì người ở chỉ phải trả khoản tiền thuê nhà mang tính tượng trưng, bằng 1% tiền lương của họ.
Sự quan tâm và quyết tâm chính trị - Tất cả vì con người
Trong điều kiện kinh tế khó khăn của thời kỳ này, nếu không có sự trợ giúp của nhà nước, người dân TP sẽ khó có được một chỗ ở khả dĩ. Ngay cả trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất ở cả 2 miền (1965-1975), nhà nước vẫn theo đuổi chính sách chăm lo nhà ở cho người lao động. Nhà ở XHCN, dù còn chật hẹp và thiếu tiện nghi, vẫn là kết quả và hiện thân của những quyết tâm chính trị lớn, của lý tưởng, nguyên tắc XHCN và hành động nhân văn vì con người trong giai đoạn lịch sử này.
Một cư dân đã sống ở KTT Kim Liên, Hà Nội từ ngày đầu xây dựng đã kể lại: “Những ngày đầu sau khi tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đã đến thăm nhiều cơ quan, xí nghiệp, thăm nơi ở, chốn ở của cán bộ công nhân viên. Thấy đời sống của cán bộ công nhân viên còn nhiều khó khăn, Bác trao đổi với các cán bộ cùng đi cần phải xây dựng ngay một khu nhà tập thể để bảo đảm đời sống cho cán bộ yên tâm chiến đấu, công tác. Bác nhấn mạnh, việc xây dựng nhà tập thể phải có quy hoạch đồng bộ, phải có nhiều cây xanh, đường trục và khu trung tâm buôn bán; hệ thống cống ngầm phải bảo đảm vệ sinh…”. Ngay sau đó, theo chỉ đạo của Người, năm 1960, khu tập thể Kim Liên được khởi công xây dựng.
Tính đến năm 1990, trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng khoảng 40 KTT lớn với gần 5 triệu m2 nhà ở, chiếm 7,5% quỹ nhà ở toàn quốc và gần 50% quỹ nhà ở của TP khi đó. Diện tích nhà ở mới được xây dựng thời kỳ này đã đóng góp phần đáng kể vào quỹ nhà các đô thị lớn ở phía Bắc như Hải Phòng - 43,4%, Hà Nội - 37,1%.
Khi xây dựng các KTT, các KTS, kỹ sư đã quán triệt tinh thần của chính sách nhà ở XHCN của Đảng và Nhà nước - vừa đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, vừa phải làm sao cung cấp nhà ở cho càng nhiều người lao động càng tốt trong điều kiện kinh tế đất nước còn rất khó khăn. Hai trường hợp sau sẽ minh chứng cho nhận định này.
Năm 1970, KTT Kim Liên được các chuyên gia Triều Tiên hỗ trợ thiết kế xây dựng. Lúc đầu bạn thiết kế những căn hộ rộng 50m2 gồm 2 phòng. Các KTS Việt Nam sau đó đã chia đôi thành 2 căn hộ 25m2, với khu phụ dùng chung. “Căn hộ của gia đình tôi 25m2 vốn được chia đôi với hộ bên cạnh như vậy” - ông Đỗ Văn Yên, 76 tuổi, Phường Kim Liên nói về nơi sinh sống của gia đình hơn nửa thế kỷ qua.
Tương tự, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, khu chung cư (KCC) Quang Trung được CHDC Đức (Đông Đức) giúp thiết kế và xây dựng từ năm 1975. Ban đầu, các KTS Đông Đức, dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong di chúc của Người - muốn Vinh phải trở nên “to đẹp hơn trước” - đã thiết kế các căn hộ theo tiêu chuẩn Đức - rộng (khoảng 50m2), khép kín, đa chức năng, bảo đảm sự riêng tư và tách biệt theo giới tính. Xuất hiện câu hỏi: liệu các căn hộ như vậy có “…tạo ra một đời sống văn minh cho càng nhiều người dân càng tốt, theo quan điểm của phía Việt Nam, hay là tạo ra những điều kiện sống tốt hơn chỉ cho một số ít người, theo quan điểm của phía Đức?”. Phía Việt Nam không muốn lãng phí, khi nhu cầu nhà ở rất cấp bách cho đông đảo người dân lúc này, đã chọn phương án “cải tiến” - thu hẹp diện tích các căn hộ (khoảng 30m2), khu phụ theo hoặc dùng chung một số tiện tích, dù chất lượng thiết kế căn hộ bị ảnh hưởng, nhưng để đảm bảo nhiều nhất các gia đình và người dân có được chỗ ở mới.
Đánh giá của những người ngoài cuộc
Hãy xem tiếp những đánh giá về chính sách nhà ở XHCN của Việt Nam thời kỳ này của các nhà nghiên cứu nước ngoài và Việt Nam sau này.
Hans Schenk ghi nhận: “Đó là một quyết định táo bạo vào đầu những năm 1960 để bắt đầu một chương trình nhà ở lớn như vậy. Những tòa chung cư mới hiện đại, từ 2-5 tầng được xây dựng cùng với những tiện nghi như nhà ăn tập thể, trường học và nhà trẻ, cửa hàng. Và cả những không gian mở, rộng thoáng giữa các khối nhà, nhằm tạo ra bầu không khí trong lành, chỗ cho trẻ em vui chơi và người cao tuổi nghỉ ngơi. Các KTT có thể coi là những viên ngọc quý trên chặng đường XHCN đối với sự phát triển của Việt Nam và của Hà Nội”.
KTS Trần Hoài Anh cho rằng: “Các KTT do Chính phủ Việt Nam đề xướng, nhân danh sự phát triển XHCN của đất nước và vì lợi ích của phần lớn nhân dân đã phản ánh sự quan tâm về nhà ở đại chúng cho người dân, và cũng là quyết tâm chính trị”.
Nguyễn Đức Nhuận và Kosta Mathey thừa nhận: “Miền Bắc Việt Nam, bất chấp chiến tranh kéo dài, và không phải như ở nhiều quốc gia khác, đã giữ lời hứa ghi trong hiến pháp là sẽ cung cấp nơi ở cho công dân của mình…mặc dù ở tiêu chuẩn thấp”.
Một nhà nghiên cứu người Ấn Độ khi đến thăm các KTT ở Hà Nội đã so sánh với điều kiện nhà ở của người dân quê hương anh thời bấy giờ: “Ở đất nước (Việt Nam) nghèo này, bao nhiêu tiền của đều phải bỏ ra để chiến đấu chống lại người Mỹ,… Thật xấu hổ khi cho rằng đây là những căn hộ nhỏ, nghèo nàn. Tôi đến từ Bombay, ở đó người dân địa phương sống trong những túp lều, ngay gần sân bay Santa Cruz, dọc con đường vào trung tâm. Thật khủng khiếp khi thấy họ sống trong những doanh trại bỏ hoang (barracks) cũ kỹ và đông nghẹt, với giá thuê cao ngất ngưởng. So với quê hương tôi, đây đúng là thiên đường!”.
Christina Schwenkel - tác giả của một công trình lớn về KCC Quang Trung vừa nói ở trên, khi đề cập đến những phê phán đối với kiến trúc XHCN, đã gọi các microrayons như là “… Di sản vật chất của chính sách nhà ở có lẽ là nhân đạo nhất trong lịch sử hiện đại, nơi mà các KTS đã sử dụng kỹ năng của họ để cải thiện xã hội hơn là để đánh bóng tên tuổi…”
Rõ ràng các KTT là chứng tích lịch sử cho một giai đoạn phát triển của Hà Nội, cho thấy những cố gắng của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng một chế độ mới tốt đẹp, mọi người dân đều được chăm lo những điều kiện sống cơ bản, trong đó có nhà ở (dù còn thiếu thốn), một cách bình đẳng, bất kể họ ở địa vị xã hội nào.
Chỉ khi đặt sự vật vào đúng bối cảnh của nó, mới thấy hết giá trị đích thực của những chính sách nhà ở có tầm tư tưởng (XHCN), những quyết tâm chính trị mang tính nhân văn, vì phúc lợi của những con người lao động thời bấy giờ.
Nhà ở bao cấp XHCN đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó, và cho đến nay vẫn mang những giá trị vật chất và tinh thần đáng được ghi nhận trong một giai đoạn lịch sử phát triển của Hà Nội.
Khu tập thể và dấu ấn của trường phái kiến trúc hiện đại
Chính sách nhà ở của nhà nước Việt Nam và của TP Hà Nội những năm 1955-1975 nhằm cung cấp nhà ở cho công nhân, người lao động ở các đô thị trên nguyên tắc XHCN, bình đẳng, thống nhất và dễ tiếp cận. Vào thời kỳ này, Liên Xô và các nước XHCN khác đã tích cực hỗ trợ về vật chất và chuyên gia. Hàng ngàn thanh niên Việt Nam cũng được gửi sang Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu học theo trường đại học, trong đó có ngành kiến trúc, và sau đó họ “đã mang về nước một ngôn ngữ kiến trúc phù hợp với nhu cầu của nhà nước XHCN (W.Logan, 2000,tr.193)”
Mô hình về những mikrorayons (tiểu khu) do các KTS Việt Nam đem từ Liên Xô về nước, cùng lúc các chuyên gia kiến trúc và quy hoạch đô thị từ một số nước XHCN cũng đem các ý tưởng đó đến Hà Nội. Các khu ở khép kín kiểu microrayons này bắt đầu được xây dựng ở Hà Nội dưới tên gọi quen thuộc Khu tập thể, sau đó được viết tắt là “KTT” (mang tính biểu tượng cao mà ngay cả các tác giả nước ngoài viết về nhà ở XHCN ở Hà Nội cũng sử dụng).
Dõi theo lịch sử phát triển các mô hình nhà ở đô thị Hà Nội, các KTT của TP hiển ra thật mới lạ và tương phản với các tòa nhà công cộng, các villa theo phong cách kiến trúc tân cổ điển mà người Pháp xây dựng ở Hà Nội những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. (và sẽ càng khác lạ hơn khi so sánh với những dãy nhà ống ở Khu phố cổ đặc trưng của Hà Nội - Thăng Long thế kỷ 17,18).
Là loại hình kiến trúc mới trong mắt cư dân Hà Nội, nhưng với du khách châu Âu, chúng lại khá quen thuộc. H.Schenk dẫn lời một du khách châu Âu, khi lần đầu tiên trông thấy một KTT ở Hà Nội: “Tôi biết, đây là nhà ở công cộng, do chính phủ xây dựng, nhà ở XHCN. Nhưng cũng chỉ là những khu chung cư hiện đại, giống như những tòa nhà đang được xây dựng khắp nơi trên thế giới. Chúng được KTS người Thụy Sĩ, hình như là Le Corbusier thì phải, đề xướng từ trào lưu kiến trúc hiện đại và quy hoạch đô thị”. Và sau đó, ông đã cố gắng luận giải cho cái “hiện đại” trong kiến trúc nhà ở XHCN những năm 1960 ở Hà Nội.
“Hiện đại”, “tính hiện đại”, “chủ nghĩa hiện đại” là những từ có từ rất lâu, như một trường phái trong kiến trúc và quy hoạch nhà ở đô thị châu Âu vào cuối thế kỷ 19, đầu của thế kỷ 20. Nó mang tư tưởng “cấp tiến” muốn dùng tư duy khoa học và công nghệ cởi mở để xử lý mối quan hệ giữa con người và môi trường xung quanh. Bên cạnh việc đề cao tính công năng, sự đơn giản, tiện lợi, kết cấu phi đối xứng… nó cũng nhấn mạnh vấn đề sức khỏe và vệ sinh trong kiến trúc nhà ở. Nhà ở phải tiếp cận được với không khí trong lành, ánh sáng mặt trời và nước sạch, cùng với sự tách biệt không gian cho các chức năng cơ bản: Sống, làm việc, giải trí và sự hoán đổi các chức năng này, để có cuộc sống lành mạnh. Kiến trúc hiện đại cũng bao hàm cả việc tiêu chuẩn hóa thiết kế và các kỹ thuật xây dựng công nghiệp như là phần thiết yếu để xây dựng nhà ở hiệu quả.
Chủ nghĩa hiện đại đã đến với kiến trúc ở Liên Xô từ thập niên 1930. Hơn 20 năm sau, từ năm 1955, kiến trúc Nga đã bắt kịp phong cách chức năng phương Tây trong xây dựng các khu nhà ở sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Cùng với việc tiếp cận XHCN đối với cuộc sống thành thị ở Liên Xô đã đưa đến mô hình nhà ở mokrorayons, và rồi đến Việt Nam theo hành trình đã nói trên. Nó từng được xem “… Như một nơi chốn để tạo ra một trật tự xã hội mới, phục vụ cho sự phát triển toàn diện nhân cách trong một xã hội XHCN, bằng cách “cung cấp cho các nhu cầu khác nhau - nhà ở, công việc, tiêu dùng và giải trí - cũng như đáp ứng các nhu cầu của từng giới, người dân với các chu trình sống khác nhau, và cuối cùng là tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ giữa con người và nhà nước”. Tương tự, KTS.Trần Hoài Anh cũng nhận xét về các KTT ở Hà Nội: “Quy hoạch nhà ở và đô thị là công cụ trong dự án hiện đại hóa của thời kỳ kế hoạch tập trung. Các tòa nhà chung cư được phát triển như biểu tượng của một xã hội XHCN hiện đại: Kỹ thuật xây dựng hiện đại (công nghiệp hóa), phục vụ cho một lối sống “tập thể” phù hợp với con người XHCN hiện đại”.
Các KTT được thiết kế gồm các dãy nhà song song, với không gian mở, rộng rãi giữa các khối nhà, chú ý đến các tiêu chuẩn về tiếp cận ánh sáng mặt trời và không khí trong lành. Những tiện nghi như nhà vệ sinh, nước máy, điện - dù chưa hoàn hảo, cũng đã được trang bị trong các khối nhà của KKT, ngay từ những năm 1960.
Về kỹ thuật, các KTT của Hà Nội đã chuyển từ phương pháp xây dựng truyền thống (bằng gạch) sang các kỹ thuật xây dựng mới, theo kiểu công nghiệp với các cột được đổ bê tông tại chỗ, tường và sàn là các tấm bê tông cốt thép đúc sẵn (pre-fab) theo kích thước tiêu chuẩn. Vào đầu những năm 1970 chúng đã được sản xuất tại các nhà máy, và lắp đặt bằng cần trục tại hiện trường, tạo thành các khối nhà KTT. Kỹ thuật mới này về cơ bản không khác với cách làm của ngành công nghiệp nhà ở của châu Âu. Tất cả những đặc điểm này là minh chứng cho tính hiện đại trong kiến trúc các KTT ở Hà Nội thời kỳ đó.
Như William S.Logan đã nhận xét về các tòa nhà KTT Hà Nội: “Nhìn từ xa, những tòa nhà bê tông đúc sẵn này có thể ở Moscow, Bắc Kinh, hoặc thậm chí ở New York hay Melbourne;… Sự xuất hiện mang tính phổ quát này chắc chắn đã vươn tới các dự án nhà ở của Hà Nội từ những năm 1960, ít nhất là “từ xa”. Còn Cerise và Pandolfi thì nhìn thấy ở KTT Nguyễn Công Trứ, một trong những KTT sớm nhất ở Hà Nội, như là: “Sự thể hiện hoàn hảo ý tưởng về chủ nghĩa hiện đại kiểu Liên Xô”.
Một biến thể khác của các KTT ở Hà Nội là Khu chung cư (KCC) Quang Trung ở TP.Vinh, được xây dựng từ năm 1975 với sự hỗ trợ thiết kế và xây dựng của CHDC Đức (Đông Đức). Các KTS Đức và Việt Nam lúc đó đều đã chấp nhận quan điểm của chủ nghĩa hiện đại chức năng, vốn đã định hình quy hoạch đô thị ở Châu Âu tư bản và XHCN.
Như vậy, các KTT ở Hà Nội được thiết kế và xây dựng từ ý tưởng của trào lưu quốc tế phổ biến dành cho cuộc sống “hiện đại”. Có thể xem nó như một biến thể của kiến trúc hiện đại, XHCN, kiểu Liên Xô. Nhà ở XHCN - các KTT ở Hà Nội rõ ràng đã mang giá trị lịch sử như vậy, khi lần đầu tiên , kiến trúc hiện đại để lại dấu ấn trên mảnh đất Hà Nội vào những năm 1960. Mặc dù Hans Schenk, vẫn còn một chút thận trọng khoa học khi kết luận: Có lẽ “hiện đại” là một từ đáng tranh luận khi nói về các Khu tập thể ở Hà Nội. (“Modern” is an arguable word to denote the Khu Tap The in Ha Noi).
Khu tập thể và giá trị của tinh thần chủ nghĩa quốc tế XHCN
Các KTT - nhà ở XHCN luôn mang đậm dấu ấn của tình đoàn kết, hữu nghị, chủ nghĩa quốc tế giữa các nước XHCN với Việt Nam vào những thập niên 1960-1980. Nó được thể hiện ở những dự án, với sự hỗ trợ vô tư và hiệu quả về chuyên gia, tài chính, trang thiết bị vật chất cho xây dựng các khu nhà ở tại Hà Nội và nhiều TP khác của Việt Nam từ các nước như Liên Xô, Trung Quốc, CHDC Đức, Triều Tiên…
Các chuyên gia Liên Xô đã giúp xây dựng nhiều phiên bản quy hoạch Tổng thể cho TP Hà Nội. Để xây dựng các Khu nhà ở, các chuyên gia, KTS, quy hoạch đô thị Liên Xô đã giúp Việt Nam thiết kế xây dựng các khu nhà ở tập thể theo mô hình microrayon (tiểu khu) mà Hà Nội sau đó gọi là các KTT.
Khu tập thể Kim Liên đã ghi dấu ấn về sự hỗ trợ từ CHDCND Triều Tiên. Sống ở KTT Kim Liên từ những ngày đầu thành lập, ông Nguyễn Mạnh Hồng, 73 tuổi cho hay: “Ý định xây dựng tập thể Kim Liên năm 1957. Thấy nước bạn có những khu nhà khép kín với nhà ở, bách hóa, nhà trẻ, sân chơi, trạm y tế…Chủ tịch mong muốn Việt Nam cũng có một mô hình như vậy cho những cán bộ kháng chiến từ Việt Bắc trở về vẫn đang chưa có nhà ở, nên đề nghị Triều Tiên hỗ trợ xây dựng”.
Các KTS Triều Tiên cũng thiết kế KTT Kim Liên theo cấu trúc tiểu khu khép kín, có khoảng không gian mở, rất rộng giữa các tòa nhà, có đầy đủ các công năng gồm nhà ở, nhà ăn, bách hóa, trường học… Người dân đi bộ 3 phút ra đến bách hóa, 10 phút có thể đưa trẻ em đến nhà trẻ… Nhà trẻ Việt Kiều cũng có bố cục rộng rãi, thông thoáng. Bà Đinh Thị Thu, sau 60 năm sinh sống tại Tổ 8, KTT Kim Liên đã “…thầm cảm ơn các kỹ sư Triều Tiên khi thiết kế, xây dựng khu tập thể kiểu mẫu đã gắn bó với biết bao thế hệ của người Hà Nội”
Từ năm 1973, sự đoàn kết quốc tế giữa các nước XHCN với Việt Nam còn mạnh mẽ hơn sau khi chiến dịch ném bom miền Bắc của không quân Mỹ chấm dứt và miền Bắc Việt Nam cần nhanh chóng khôi phục các TP đã bị bom Mỹ tàn phá. Đến năm 1974, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, Trung Quốc, Triều Tiên, Cu Ba đã phê duyệt hơn 350 dự án trợ giúp Việt Nam, tập trung vào việc khôi phục và xây dựng mới các đô thị Việt Nam bị tàn phá trong chiến tranh.
Một điển hình của tình đoàn kết quốc tế XHCN thời kỳ này là Dự án của CHDC Đức hỗ trợ thiết kế quy hoạch và xây dựng lại TP.Vinh, Nghệ An. Trong giai đoạn từ 1970-1980, hơn 200 chuyên gia CHDC Đức đã cùng sống và làm việc với các chuyên gia Việt Nam tại Vinh, trong những điều kiện rất khó khăn. Họ đã xây dựng Quy hoạch Tổng thể phát triển TP và thiết kế xây dựng khu nhà ở đậm chất XHCN - Khu chung cư Quang Trung ở TP.Vinh. Đây là nhiệm vụ lớn và khó khăn do hoàn cảnh sau chiến tranh và thiếu thốn hầu hết các nguồn lực, ngoại trừ nguồn nhân lực địa phương. Hầu hết trang thiết bị phải nhập khẩu từ CHDC Đức. Đến cuối năm 1980 dự án đã hoàn thành với 22 khối nhà, bao gồm 1.500 căn hộ, cung cấp chỗ ở cho 9.000 người. Ngày nay tất cả các căn hộ này vẫn còn đang được sử dụng với hai phần ba cư dân ban đầu (nay đã về hữu).
Với Việt Nam và nhất là với TP.Vinh, KCC Quang Trung thời ấy là một công trình có giá trị lớn về kinh tế xã hội, với những nguồn lực to lớn, đã minh chứng cho tinh thần chủ nghĩa quốc tế XHCN mà nước CHDC Đức và nhân dân Đức đã dành cho Việt Nam, cho TP Vinh trong những năm tháng khó khăn nhất của thời kỳ sau chiến tranh, mở đường xây dựng Vinh thành một đô thị văn minh, hiện đại sau này.
Giá trị văn hóa xã hội và sự gắn kết cộng đồng một thời ở các KTT
Đặc điểm kiến trúc của các KTT là mô hình tiểu khu microraion khép kín điển hình, có sự kết hợp các căn hộ tiêu chuẩn với những tiêu chí về môi trường sống, không gian cây xanh, dịch vụ xã hội tiện ích trong tầm tiếp cận cho cư dân sinh sống ở đó. Chính môi trường không gian - vật chất này đã góp phần hình thành nên một lối sống có của cư dân nơi đây. Trong mỗi tòa nhà, tầng nhà của KTT các tiện nghi sinh hoạt được sử dụng chung: Vài gia đình cùng chung một khu bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh. Đặc điểm này cùng với những khó khăn, thiếu thốn về kinh tế đã khiến người dân sống ở các KTT phải gần gũi, đùm bọc, giúp đỡ nhau hơn. Lối sống cộng đồng, gắn kết xóm giềng, cộng đồng của những cư dân KTT, vốn xuất thân từ nông thôn không lâu trước đây lại có cơ sở để duy trì ngay trong lòng TP.
Đồng thời, giữa các tòa nhà KTT luôn có những không gian mở, khá rộng rãi (như ở KTT Kim Liên, rộng gấp hai lần chiều cao của các tòa nhà) được trồng cây xanh hoặc thảm cỏ. Đây là không gian chung, công cộng, giúp mở rộng phạm vi sinh hoạt chật hẹp bên trong các căn hộ. Và vì thế, nó cũng trở thành những địa điểm giao tiếp, nghỉ ngơi, sinh hoạt, vui chơi giải trí chung cho nhiều nhóm cư dân từ người già đến trẻ nhỏ. Các gia đình cũng sử dụng các dịch vụ công cộng khác nhau như nhà ăn, trường học, nhà trẻ, cửa hàng bách hóa, nhu yếu phẩm…được bố trí ngay trong khu ở và bán kính không quá 500m.
Những điều kiện sống như vậy đã hình thành nên một sự “quá độ” hoặc pha trộn nhiều đặc điểm của lối sống nông thôn, tinh thần cộng đồng, sự gắn kết mạnh mẽ trong điều kiện sống đô thị của các KTT.
Một nghiên cứu về KTT đã nhận xét: Các KTT đã tạo nên một nếp sống đô thị kiểu mới, dù vẫn có sự pha trộn với lối sống nông thôn truyền thống… góp phần xây dựng nên nếp sống mới mang đậm văn hóa xã hội chủ nghĩa - lối sống tập thể, mình vì mọi người, mọi người vì mình.
Thêm vào đó, nhiều KTT quy mô nhỏ lại do cơ quan nhà máy, xí nghiệp xây dựng và cấp cho cán bộ, công nhân, viên chức của cơ quan mình. Kết quả là tại các KTT loại này, cư dân và là hàng xóm vừa là đồng nghiệp thân quen hàng ngày. Điều này khiến cho tính chất cộng đồng trong lối sống, cuộc sống hàng ngày của cư dân KTT càng thêm rõ nét. Họ biết rõ về hoàn cảnh gia đình của nhau và không ngần ngại chia sẻ, giúp đỡ nhau, vay mượn những khi thiếu thốn từ tiền bạc đến các nhu yếu phẩm thường ngày, động viên nhau về tinh thần lúc khó khăn. Những đặc điểm này trong đời sống thường ngày của các KTT thời bao cấp đã để lại dấu ấn tích cực, khó phai mờ trong ký ức của nhiều thế hệ, như những giá trị tinh thần tốt đẹp, và trở thành hoài niệm của những cư dân “có thâm niên” ở các KTT. Câu nói cửa miệng hay được nghe từ họ là: thời bao cấp, sống ở KTT, nghèo khó, vất vả đấy, nhưng luôn “thấm đẫm tình người”.
Một cặp vợ chồng lớn tuổi, ông 85 tuổi, bà 75 tuổi, sống trong một căn phòng đơn giản ở KTT Nguyễn Công Trứ như nhiều người trong khu ở. Họ thấy hạnh phúc khi sống ở KTT này. Họ có các mối quan hệ tốt với xóm giềng, vui vẻ sống trên tầng ba và cảm thấy họ có một cuộc sống thực sự tốt và thoải mái, đặc biệt là so với những người sống ở nông thôn.
Hay hoài niệm về “một bầu trời tuổi thơ trong KTT”: “tôi nhớ là khi còn là một cô bé, tôi đã chơi trong cái sân chung của KTT . Chúng tôi sống ở tầng trên. Tôi đã rất hạnh phúc khi ở đó”.
Đối với hàng vạn gia đình cán bộ, công nhân, viên chức của TP ngày ấy, các KTT đã từng làm tổ ấm, tràn ngập những ký ức tốt đẹp của nhiều thế hệ từng sinh sống ở đây. Nó chính là “ký ức văn hóa, lối sống” của một mô hình cư trú đặc thù, với các giá trị tinh thần gắn liền với khái niệm về “nơi chốn”, như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” trong bài thơ “Tiếng hát con tàu” của ông.
Những hoài niệm như vậy phải chăng cũng là một giá trị văn hóa tinh thần đánh giá cần được ghi nhận. Bằng chứng là nó vẫn được lưu giữ trong lớp thế hệ cao tuổi - cư dân của các KTT một thời, hay trong các tác phẩm nghệ thuật, hội họa, phim ảnh. Và thảng hoặc, ngày nay vẫn có thể bắt gặp nhưng hoài niệm nay trong những sự kiện như: Triển lãm “Hà Nội thời bao cấp”; những nhà hàng “Mậu dịch quốc doanh”, những quán cafe KTT…vẫn được các thế hệ cư dân hiện tại đón chào và trải nghiệm.
Giá trị vật thể, giá trị sử dụng và giá trị trao đổi
Nhìn những khu nhà tập thể, với các căn hộ chật hẹp, cũ nát, mất an toàn với những “chuồng cọp” cơi nới đủ loại và kích cỡ, có lẽ ai cũng nghĩ rằng đó là những công trình “hết đát”, vô giá trị. Nhưng không hẳn thế! Chỉ riêng ở TP.Hà Nội, với hơn một ngàn các KTT lớn, nhỏ hiện vẫn còn tồn tại, ước tính có hàng vạn gia đình, hàng chục vạn người dân vẫn đang còn cư ngụ trong đó. Nếu không có các KTT này, họ sẽ cư ngụ ở đâu? Việc chuyển đổi các KTT này xây dựng lại sẽ cần hàng chục năm với số tiền đầu tư khổng lồ, kèm theo những vấn đề xã hội cực kỳ nan giải đối với chính quyền và giới đầu tư BĐS của TP.
Như vậy, giá trị sử dụng - “để ở” - của các KTT vẫn còn đó, cho dù chất lượng của những nơi ở như vậy là rất thấp so với những tiêu chuẩn hiện đại, nhưng lại là những chỗ ở “miễn phí” cho hàng chục vạn cư dân, không có đủ tiền để chuyển đến những chỗ ở mới, tiện nghi hơn.
Bên cạnh đó là giá trị trao đổi. Những căn hộ chật hẹp, cũ nát này hóa ra không phải là không thể bán. Về pháp lý, sau khi được nhà nước bán “hóa giá” vào đầu những năm 1990, chủ căn hộ KTT đã có quyền sở hữu hợp pháp căn hộ (có sổ hồng). Bên cạnh giá trị sử dụng như vừa nói trên, nó còn có giá trị trao đổi không hề rẻ, do vị trí đắc địa của chúng như gần hoặc ngay giữa trung tâm thương mại lớn…Các cơ sở dịch cũ, vốn có từ khi xây dựng như nhà trẻ, trường học hầu hết vẫn còn đó và ít nhiều đã được tu bổ nâng cấp theo các tiêu chuẩn ngày nay. Chợ dân sinh, các cửa hàng tiện ích, tiện lợi phục vụ đời sống thường ngày của cư dân KTT, trước đây là của nhà nước, giờ đây là của tư nhân, đang phục vụ cư dân KTT theo cơ chế thị trường, “có cầu ắt có cung”…
Theo dõi các trang mạng chuyên rao bán những căn hộ của các KTT cũ đủ loại với các tên gọi quen thuộc Kim Liên, Trung Tự, Yên Lãng, Trương Định, KTT Bưu điện, KTT Giao thông… có thể thấy ra 2 điều: Thứ nhất, diện tích căn hộ rao bán lớn hơn gấp rưỡi đến gấp đôi diện tích ghi trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sổ hồng). Lý do thì mọi người đều biết về quá trình cơi nới, lấn chiếm, mở rộng diện tích ở các KTT, nhất là các căn hộ ở tầng 1. Thứ hai, giá các căn hộ trung bình đều khoảng trên dưới 1 tỷ đồng. Cá biệt nhiều căn hộ ở tầng 1, ở đầu dãy nhà, thí giá rao bán là cao nhất, vì thường có diện tích rộng do cơi nới được nhiều, và khả năng sinh lời cao vì có thể sử dụng cho kinh doanh, buôn bán, làm dịch vụ hoặc cho thuê. Có thể nói, giá trị trung bình một căn hộ của các KTT cũ, với trên dưới 50 năm tồn tại, vẫn có giá tương đương một nửa giá của một căn hộ mới cấp trung bình ở thành phố hiện nay. Nếu so với các căn hộ loại nhà ở xã hội ở các vùng ngoại vi TP thì nhiều căn hộ KTT cũ còn có giá cao hơn.
Ngoài ra, còn có một loại giá trị phụ thêm tiềm năng, thường được gia chủ tính vào giá trị trao đổi của các căn hộ KTT cũ. Gần đây, TP Hà Nội đã có chương trình, dự án cải tạo trong KTT cũ thành các KCC hiện đại (mặc dù còn nhiều khó khăn, trở ngại khiến tiến độ triển khai khá chậm). Khi thực hiện các dự án này, chủ nhân các căn hộ KTT cũ có quyền thương thảo với chủ đầu tư để đổi lấy một căn hộ mới tronG KCC mới xây trên nền đất của KTT cũ của họ. Thế nên các căn hộ KTT cũ vẫn có cơ hội - giá trị trao đổi tiềm năng rất “đánh giá” để chờ đợi hoặc đầu tư, mua bán lại (hiện nay vẫn có một “phân khúc” thị trường mua bán các căn hộ KTT cũ với giá cả được tính toán trên cơ sở những yếu tố vừa phân tích ở trên).
Nói tóm lại, các căn hộ KTT cũ vẫn có giá trị vật chất, giá trị sử dụng và giá trị trao đổi không đáng kể. Dường như ở đây vẫn có bóng dáng của cuộc chiến “ai thắng ai?” giữa mô hình nhà ở bao cáp XHCN của nửa thế trước với vấn đề nhà ở trong nền kinh tế thị trường hiện nay ở các đô thị?
Kết luận
Với những giá trị lịch sử và đương đại như vậy, số phận các KTT nhà ở XHCN sẽ ra sao?
Một KTS CHDC Đức đã có một ẩn dụ rất hay khi được Christina Schwenkel phỏng vấn (2012): “Những căn nhà cũng giống như con người: Chúng không thể sống mãi, chúng có một vòng đời. Đến một ngày, chúng sẽ già đi và cần được làm trẻ lại hoặc được thay thế”.
Nhiều cư dân của các KTT ở Hà Nội và các TP khác hiện vẫn sống ở đó, hoặc vì khó khăn không thể tìm được nơi ở mới, hoặc quá gắn bó với mảng đất tâm hồn, đang mỏi mắt chờ đợi những chính sách và hành động của chính quyền thành phố để sớm được đoạn tuyệt hoàn toàn với các KTT cũ. Được “đổi đời” cho chỗ ở của mình.
Chính quyền TP đang gắng sức tìm ra các giải pháp tối ưu để có thể xây dựng lại, phát triển lại các khu nhà ở XHCN cũ nát này, vừa mang lại phúc lợi cho người dân, vừa làm đẹp cảnh quan của đô thị thủ đô hiện đại, huy động lực lượng tư nhân cùng cư dân đồng thuận tham gia thực hiện có hiệu quả các án chuyển đổi…
Các “lực lượng thị trường”, những Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty, các nhà đầu tư bất động sản, giới KTS, quy hoạch đang thiết kế các dự án đầu tư cải tạo, chỉnh trang đô thị, vừa đáp ứng đòi hỏi của chính quyền TP và nhu cầu của người dân, vừa đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, thuế cho ngân sách nhà nước…
Có lẽ trong 1-2 thập kỷ tới, mô hình nhà ở XHCN, các KTT - sẽ lần lượt biến mất khỏi tầm nhìn, cảnh quan đô thị. Ai, cái gì sẽ lưu giữ những giá trị lịch sử nói trên? Liệu có xảy ra việc, đến cuối thiên niên kỷ này, các nhà sử học, khảo cổ học sẽ lại phải “khai quật” ở đâu đó để tìm lại dấu vết của các KTT, mô hình nhà ở XHCN từ hơn một thế kỷ trước - Để không một ai, cái gì bị lãng quên?
Đã có nhiều tiếng nói, kêu gọi bảo tồn, giữ gìn bằng cách nào đó những giá trị mang tính di sản này.
“Ở một góc độ nào đó, nhà tập thể cũ không chỉ mang trong mình trọng trách về mô hình kiến trúc của một thời kỳ lịch sử, mà còn là nét đẹp văn hóa cộng đồng. Khi mô hình kiến trúc không còn phù hợp ta có thể cải tạo, nâng cấp, xây mới nhưng cũng cần thấu hiểu giá trị vật thể, giá trị văn hóa đang được lưu giữ trong mỗi cộng đồng tập thể cũ để từ đó có giải pháp giữ gìn, bảo vệ” - Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, một cư dân lão làng của KTT Trung Tự bày tỏ.
Lịch sử một TP, cả về môi trường xây dựng và đời sống tinh thần của nó đều mang tính liên tục và giàu bản sắc. Các KTT như một mô hình cư trú, mô hình nhà ở ngự trị suốt nửa thế kỷ phát triển đô thị Việt Nam, nếu bị lãng quên sẽ là một khoảng trống, một sự đứt đoạn trong dòng chảy lịch sử ấy.
Hy vọng những tiếng kêu này sẽ không bị bỏ qua, lãng quên bởi sự thờ ơ của những bên có trách nhiệm, bởi không chỉ tiếng ồn, cát bụi xây dựng, mà cỏ bởi sự gấp gáp, xô bồ, thực dụng của nhịp sống đô thị hiện đại và các lợi ích vật chất hấp dẫn, lợi ích nhóm từ các lực lượng thị trường và phi thị trường.
Trịnh Duy Luân - Hội Xã hội học Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, Số 1/2023