Người thợ có “đôi bàn tay vàng”

Thứ ba, 01/09/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong số hơn 35 nghìn lao động của TCty Lắp máy Việt Nam đang thi công ở hầu hết các công trình xây dựng trọng điểm trên cả nước thì có 62 người vừa được TCty này vinh danh lao động giỏi, trong đó có thợ hàn bậc 7/7 - Phạm Văn Nghị - được mọi  người trong đơn vị quý mến gọi là “Người thợ có đôi bàn tay vàng”. Hiện anh đang công tác tại Cty CP LILAMA 5.

Sinh ra từ vùng quê nghèo của tỉnh Thanh Hóa, ngay từ khi còn học trong Trường Công nhân kỹ thuật lắp máy, anh luôn ước mơ làm sao học giỏi để ra trường có nhiều cơ hội bay xa tới các công trình xây dựng trên mọi miền Tổ quốc. Tốt nghiệp ra trường, cầm trong tay Bằng chứng nhận với trình độ thợ hàn 2/7, anh được phân công về công trường xây dựng thủy điện Hòa Bình. Thời điểm những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, ở công trường này có hàng vạn lao động, hừng hực khí thế thi đua, với nhiệt huyết  tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc. Đã gần 30 năm rồi kể từ ngày ấy nhưng đến hôm nay trong sâu thẳm lòng mình Phạm Văn Nghị vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm của một thời làm thợ trên công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ. Công trường ầm ào tiếng xe cơ giới, sừng sững là những khối bê tông cốt thép, những hạng mục như đập tràn, cửa nhận nước, cống dẫn dòng, hầm gian máy, trạm phân phối điện ory, tổ hợp lắp máy tại bãi lắp ráp… bất cứ người thợ nào có mặt trên công trường thời điểm đó cũng đều biết, riêng đối với Nghị thì càng nhớ hơn bởi đúng ở thời điểm ấy anh mới ra trường. Anh vẫn nhớ như in những mối hàn cốt thép ở tổ hợp lắp ráp trên đồi Ba Vành; trời nắng nóng như rang, nhiệt độ luôn ở mức 40-420, trước mặt sau lưng đều là sắt thép, dưới là bê tông, không một bóng cây, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, hơn nữa mới vào nghề, hàn chưa quen đau mắt, mối hàn phải sửa đi sửa lại …

“Đó chỉ là những kỷ niệm, nhưng là kỷ niệm đẹp vẫn theo tôi đến tận bây giờ”, anh Nghị tâm sự. Rồi anh bộc bạch: “Điều quan trọng dẫn đến thành công của tôi hôm nay đó là lòng yêu nghề với ý chí không ngại khó, hầu hết công việc khi được phân công tôi đều phấn đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Cho đến nay, với Nghị đã có gần 30 năm trong nghề hàn điện. Anh đã được theo học nhiều lớp bồi dưỡng như hàn tự động, hàn trong môi trường có khí bảo vệ, hàn hợp cách (hàn tiêu chuẩn 6 G)… Trong cương vị là đội trưởng quản lý hơn 100 công nhân, mặt bằng thi công trải rộng từ Bắc vào Nam, đội hàn của anh đã hàn nhiều công trình quan trọng như dây chuyền công nghệ, hàn lò nung, hàn bồn bể, hàn kết cấu dầm chịu lực, hàn đường ống áp lực cao, đường ống dẫn dầu, dẫn khí… cho các nhà máy xi măng, bia, mía đường, thủy điện… Những vị trí hàn khó, chưa quen đều được anh Nghị hàn mẫu trước để anh em làm theo. Hàng năm lãnh đạo Cty đều chỉ định anh làm thầy cho các lớp tập huấn tay nghề công nhân. Với kinh nghiệm đúc rút từ quá trình thi công, anh đã tận tình hướng dẫn; nhờ đó trong nhiều năm qua, đội ngũ thợ hàn do anh phụ trách  luôn có  ý thức tinh thần làm việc tốt, tay nghề vững vàng, đạt năng suất lao động cao tại các công trình nhà máy lọc dầu Dung Quất, các nhà máy xi măng.

Anh Nghị tiết lộ: “Để trở thành thợ giỏi tiếp thu được công nghệ hàn hiện nay, tôi luôn tìm tòi học hỏi về kỹ thuật, mỗi mối hàn đòi hỏi kỹ thuật cao, khi hàn xong dù kết quả thành công hay thất bại tôi đều ghi chép cẩn thận, rút kinh nghiệm. Đặc biệt ở các mối hàn kẹt, tư thế hàn khó phải dùng  gương để hàn bảo đảm chất lượng quy trình hàn gia công dầm mà không biến dạng. Tôi luôn suy nghĩ và tự nhủ phải luôn nỗ lực cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn, xứng đáng với tên gọi mà mọi người quý mến đã tặng”.


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)