Họp Ban điều phối chung lần thứ nhất của Dự án tăng cường năng lực về quản lý tổng hợp chất thải rắn đô thị tại Việt Nam

Thứ tư, 09/07/2014 07:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 8/7/2014, tại Hà Nội, Cục Hạ tầng Kỹ thuật -Bộ Xây dựng đã tổ chức Họp Ban điều phối chung lần thứ nhất của Dự án tăng cường năng lực về quản lý tổng hợp chất thải rắn đô thị tại Việt Nam. TS. Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, BXD chủ trì và điều hành buổi Họp.

Tham dự buổi Họp còn có: đại diện của Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty môi trường Đô thị Hà Nội, JICA và đoàn chuyên gia JICA (JET).

Theo nội dung báo cáo tại buổi Họp, lượng chất thải rắn (CTR) tại Việt Nam đang tăng lên đáng kể và để tìm được địa điểm cho những bãi chôn lấp mới trong những thành phố lớn là rất khó khăn do tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa ngày càng tăng. Do đó, việc xây dựng các bãi chôn lấp được thiết kế và việc giảm thiểu lượng chất thải bằng các biện pháp phân loại tại nguồn, tái chế và xử lý trung gian là khá cấp bách trong thời điểm hiện nay. Bộ Xây dựng là một trong những cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý CTR, đang có kế hoạch xây dựng các khu liên hợp xử lý chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế… Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được những ý định này do thiếu công cụ pháp luật và thể chế cũng như kiến thức kỹ thuật. Để giải quyết những vấn đề bất cập trên, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ kỹ thuật nhằm mục đích tăng cường năng lực quản lý CTR của chính quyền cấp trung ương và địa phương, từ đó dự án đã được quyết định thực hiện dựa vào Biên bản Thảo luận và Biên bản Cuộc họp ký vào ngày 17/6/2013, trong đó Bộ Xây dựng phụ trách chính cùng với những cơ quan Việt Nam liên quan khác, với sự hỗ trợ kỹ thuật của JICA, đơn vị ủy quyền của Nhật Bản phụ trách mảng hợp tác quốc tế. Và mục đích của buổi Họp hôm nay nhằm thống nhất các mục tiêu, các đầu ra, các hoạt động, kế hoạch thực hiện của dự án thông qua các thảo luận; Thống nhất cơ cấu quản lý dự án để các bên chính thức bắt đầu thực hiện dự án hợp tác này.

Tại buổi Họp, ông Trần Anh Tuấn, Phó Cục trưởng, Cục Hạ tầng Kỹ thuật đã báo cáo nội dung Ma trận thiết kế dự án (PDM), kế hoạch hoạt động (OP) và kế hoạch thực hiện và cơ cấu quản lý của dự án. CTR trong dự án này được xác định bao gồm: CTR sinh hoạt phát sinh từ các hoạt động hàng ngày của hộ gia đình, cơ quan (trường học, cơ quan nhà nước…), khu vực công cộng (đường phố, công viên…) và các cơ sở thương mại/dịch vụ (cửa hàng, văn phòng, nhà hàng, chợ, khách sạn…); chất thải xây dựng và phân bùn bể phốt. Về chỉ tiêu đánh giá khách quan cho mục tiêu dự án, trong PDM đã nêu ra 4 chỉ tiêu nhằm đánh giá các kết quả đạt được, cụ thể: các kiến thức về quản lý CTR đô thị được tăng cường tại cấp trung ương và cấp địa phương; tăng cường chính sách và thể chế đối với việc thực hiện quản lý CTR đô thị; quy hoạch về quản lý CTR đô thị được chuẩn bị và thực hiện ở thành phố Hà Nội; quy hoạch quản lý tổng hợp CTR được chuẩn bị/ chỉnh sửa tại địa phương thí điểm.

Để lựa chọn Khu liên hợp mục tiêu cho Đầu ra 2, phát biểu tại buổi Họp, ông Đoàn Thuận Long, Phó Giám đốc Ban Duy tu các Công trình hạ tầng Kỹ thuật cho biết: Qua nghiên cứu, kiểm tra và rà soát, Ban đề xuất lựa chọn khu xử lý CTR mục tiêu theo thứ tự ưu tiên: Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn – Nhà máy xử lý chất thải Cầu Diễn – Khu xử lý rác Xuân Sơn. Ban đã thành lập Tổ công tác để phối hợp với đoàn chuyên gia thực hiện dự án, hiện Ban cũng đã lập văn kiện dự án thành phần trình UBND thành phố phê duyệt để có cơ sở bố trí vốn đối ứng, triển khai lập kế hoạch thực hiện dự án theo quy định.

Để lựa chọn địa phương thí điểm cho Đầu ra 3, Ban quản lý dự án và chuyên gia JICA đã thảo luận cùng nhau, thực hiện các chuyến khảo sát thực tế và so sánh 10 địa phương tiềm năng theo đề xuất của Bộ Xây dựng. Kết quả, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được lựa chọn là địa phương mục tiêu cho Đầu ra 3.

Theo ông Hideki Wada, Tư vấn trưởng, JET: Về chương trình tập huấn ở Nhật Bản, trong quá trình thực hiện dự án, hàng năm sẽ có 02 khóa tập huấn/tham quan học tập tại Nhật Bản, khóa tập huấn 1 sẽ diễn ra từ ngày 1-8 tháng 11 và khóa tập huấn 2 được tổ chức từ ngày 15-29 tháng 11. Mục đích của các buổi tập huấn nhằm giúp các học viên hiểu hơn về cơ chế, chính sách tổng quan tại Nhật Bản; Chia sẻ về hệ thống quản lý CTR sinh hoạt tại Nhật Bản; Chia sẻ hệ thống khu liên hợp xử lý CTR tại Nhật Bản; Giúp hiểu hơn về cách thức điều phối các hoạt động quản lý CTR liên vùng tại Nhật Bản; Giúp hiểu hơn về các yếu tố quan trọng đối với việc chế biến phân hữu cơ; Hiểu rõ hơn về cách thứ quản lý của chính quyền địa phương đối với các công ty tư nhân về quản lý CTR.

Phát biểu thảo luận tại buổi Họp, ông Mitsuo Yoshida, Cố vấn cao cấp của JICA cho rằng: Giữa chính sách và thể chế cũng cần có sự kết hợp chặt chẽ với nhau, ngoài ra cũng cần có sự hỗ trợ từ xã hội, nhận thức rõ ràng từ các cơ sở hoặc từ chính quyền địa phương. Ông Yoshida cũng đề xuất cần chỉnh sửa lại chỉ số đánh giá khách quan trong dự thảo của dự án và cần có những chỉ số thực tế hơn nữa.

Theo ông Vũ Cường – Phó Giám đốc Urenco, về việc xử lý rác, cần làm rõ hơn nữa về công tác xử ý rác thành phân hữu cơ hay là làm mùn? Vì khi sản xuất thành phân cữu cơ, sẽ có các yêu cầu phức tạp và cần có các tiêu chuẩn để thực hiện, còn nếu làm mùn thì mọi việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Phát biểu tại buổi họp, TS. Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật gửi lời cảm ơn tới các đại biểu đã tham dự, đánh giá sự chuẩn bị tài liệu tương đối cụ thể và rõ ràng của các chuyên gia, giúp các đại biểu thể đọc và trao đổi nội dung với nhau. Tuy nhiên, để hoàn thiện thêm biên bản họp lần thứ nhất và các tài liệu kèm theo, nhóm tư vấn cần phối hợp với Cục hạ tầng, Sở XD Hà Nội hoàn thiện Biên bản Họp và trình lãnh đạo 2 bên. Đối với những góp ý của các đại biểu, yêu cầu phía tư vấn tiếp thu, giải trình hoặc bổ sung để Biên bản được hoàn thiện hơn./.

Bích Ngọc
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)