Với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, sự đồng thuận của người dân, Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai nhiều giải pháp để đến năm 2030 cơ bản hoàn thiện chuyển đổi số và hình thành mô hình đô thị thông minh.
Các sản phẩm nông nghiệp của HTX NN-TM-DV Bầu Mây (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) được bán trên sàn TMĐT.
Đa dạng trên nhiều lĩnh vực
Tháng 11/2022, mô hình thí điểm chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt đầu tiên của tỉnh được Sở Công thương phối hợp với VNPT tỉnh triển khai tại các chợ loại 1 trên địa bàn TP. Bà Rịa. Tham gia mô hình này, tiểu thương được VNPT Bà Rịa-Vũng Tàu trang bị mã QR Code, hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNPT Money và tạo tài khoản ví điện tử Mobile Money để thanh toán trực tuyến trong các giao dịch mua bán qua ví điện tử hoặc tài khoản ngân hàng.
Tiểu thương Nguyễn Thị Hoa (chợ Bà Rịa, TP.Bà Rịa) cho biết, thay vì dùng tiền mặt thanh toán như trước đây, bà đã quét mã QR code hoặc chuyển tiền số qua điện thoại trên ứng dụng VNPT Money. Tiểu thương tránh được những rủi ro như tiền rách, tiền giả hay đổi tiền lẻ trả lại cho khách. Trong khi đó, khách hàng cũng rất hài lòng khi sử dụng phương thức thanh toán này để mua sắm.
“Thay vì mang theo tiền mặt thì đi chợ tôi chỉ mang theo điện thoại. Mua hàng xong chỉ cần quét mã QR Code, vừa nhanh chóng, vừa tiện lợi”, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, phường Phước Hiệp, TP.Bà Rịa cho hay.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, từ tháng 7/2021, Sở NN-PTNT đã phối hợp Sở TT-TT, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Đến nay 100% thông tin, hình ảnh của các sản phẩm được gắn sao OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, đồng thời tạo gần 24.600 tài khoản dữ liệu số và gian hàng thương mại điện tử cho nông dân, DN, cơ sở sản xuất.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám Sở NN-PTNT cho biết, ngành cũng đã phối hợp hỗ trợ nhiều đơn vị, nông dân triển khai ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh QR code nhằm minh bạch thông tin về nguồn gốc hàng hóa, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe của các thị trường.
Theo ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc), HTX đang có hơn 10 sản phẩm đã được chứng nhận GlobalGAP được đưa lên giao dịch, mua bán trên sàn thương mại điện tử postmart.vn như: tiêu một nắng, tiêu không hạt, tiêu sữa, củ hoài sơn, bột hoài sơn… Việc làm này giúp cho HTX không chỉ quảng bá sản phẩm rộng rãi mà còn giúp người tiêu dùng cả nước biết đến, đặt mua sản phẩm đặc trưng của Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong cải cách hành chính công của tỉnh, chuyển đổi số cũng đang được đẩy mạnh. Hiện nay, bộ phận một cửa các cấp đã thực hiện niêm yết công khai 100% thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền tiếp nhận bằng bản giấy hoặc trên hệ thống máy tính, thực hiện việc nhắn tin thông báo tình trạng hồ sơ, phối hợp với Bưu điện tỉnh công bố danh mục thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Trong khi đó, tại các kỳ họp HĐND tỉnh hoặc các địa phương cũng đã tổ chức “họp không giấy”...
Phấn đấu vào Top 15
Ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở TT-TT cho biết, thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính, Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai nhiều giải pháp dựa trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Đến cuối năm 2022, tỉnh đã hoàn thành 13/30 chỉ tiêu và 28/53 nhiệm vụ. Cụ thể đã có 53,6% hồ sơ TTHC xử lý trực tuyến; triển khai hệ thống thông tin báo cáo LRIS đến 20 sở; thực hiện chế độ báo cáo kinh tế-xã hội định kỳ hàng tháng, quý, năm; 100% hồ sơ phát sinh mới được số hóa; 100% DN trên địa bàn tỉnh sử dụng hóa đơn điện tử; 70,3% hộ nông dân sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; 21,32% người dân có định danh điện tử; 80% tỷ trọng thanh toán các khoản thu không dùng tiền mặt trong cơ sở giáo dục...
Tỉnh cũng đã hoàn thành việc xây dựng Kiến trúc công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) phát triển đô thị thông minh tỉnh và đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh; triển khai dự án “xây dựng hệ thống quản lý điều hành đô thị thông minh TP.Vũng Tàu”; dự án xây dựng, triển khai các dịch vụ, tiện ích thông minh phục vụ quản lý, đảm bảo an ninh trật tự đã được tổ chức thẩm định lần đầu. Một số sở, ngành đã đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án do đơn vị mình làm chủ đầu tư…
“Năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia vì dữ liệu số, kết nối số, chia sẻ dữ liệu số là huyết mạch của chuyển đổi số, tỉnh sẽ đưa ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số để cải tiến, thay đổi quy trình tác nghiệp của cơ quan nhà nước nhằm đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, DN làm trung tâm; đảm bảo công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC.
Đồng thời ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình, chiến lược của Quốc gia về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh; phấn đấu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thuộc Top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số…”, ông Đỗ Hữu Hiền thông tin thêm.