Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, khẳng định vai trò quan trọng của công tác đảng ngoài nước đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ảnh: VGP/Hải Minh
Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, sáng 16/12 đã diễn ra Hội nghị về công tác xây dựng Đảng và công tác đảng ngoài nước với chủ đề “Tăng cường xây dựng Đảng nâng cao chất lượng công tác đảng ngoài nước, triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội lần thứ XIII của Đảng”. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Đây là hội nghị ngoại giao đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng về công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển và công tác xây dựng ngành, trong đó có nội dung tăng cường xây dựng Đảng và nâng cao chất lượng công tác Đảng ngoài nước, nhằm kịp thời triển khai kết luận của Hội nghị đối ngoại toàn quốc và Hội nghị cán bộ toàn quốc về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cụ thể hóa các yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng và công tác Đảng ngoài nước thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, khẳng định vai trò quan trọng của công tác đảng ngoài nước đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đã có nhiều văn bản chỉ đạo công tác đảng ngoài nước, nhất là trước những thay đổi, biến động lớn của tình hình ngoài nước, đồng thời phân công các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư phụ trách công tác đảng ngoài nước, nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương được giao trách nhiệm là Bí thư Ban Cán sự Đảng ngoài nước.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, những năm qua Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác cán bộ sau khi hợp nhất Đảng bộ ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao bảo đảm ổn định, hệ thống tổ chức không bị gián đoạn hoạt động.
Đảng bộ luôn quan tâm đẩy mạnh công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, bồi dưỡng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, nâng cao chất lượng phát triển đảng viên ngoài nước. Việc nghiên cứu, học tập quán triệt về Đại hội XIII của Đảng trong cán bộ đảng viên và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều đổi mới; kịp thời chuyển tải thông điệp, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đến các đối tác quan trọng và bạn bè quốc tế.
Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Nổi bật là đã kịp thời nghiên cứu dự báo tình hình, cung cấp thông tin chiến lược, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng về đấu tranh ngoại giao và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhất là Biển Đông. Củng cố và phát triển quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng khác…
Các đại biểu dự Hội nghị về công tác xây dựng Đảng và công tác đảng ngoài nước. Ảnh: VGP/Hải Minh
Đạt được kết quả trên, theo đồng chí Võ Văn Thưởng, là do Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã quán triệt sâu sắc, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng sự đoàn kết, thống nhất của Ban Cán sự Đảng ủy Bộ, của các cấp ủy trong và ngoài nước, sự chủ động, sáng tạo của các đồng chí bí thư cấp ủy, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện, cùng sự nỗ lực, đồng lòng, phấn đấu không mệt mỏi của các cán bộ, đảng viên ngành ngoại giao.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng biểu dương và ghi nhận những thành tích mà Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã đạt được trong thời gian vừa qua, đồng thời gợi mở một số vấn đề trọng tâm về công tác đảng ngành ngoại giao cần tập trung trong thời gian tới.
Thứ nhất, cùng với việc tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các cấp ủy tổ chức Đảng của ngành ngoại giao phải sớm triển khai cho cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ nghiên cứu, học tập, quán triệt Kết luận 21 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm; mở rộng sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ về công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện tự chuyển biến, tự chuyển hóa.
Trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức, xác định quyết tâm, tập trung xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng ngành ngoại giao thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại vì khát vọng nâng cao vị thế đất nước.
Thứ hai, tăng cường đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu phát triển, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phục vụ cho công tác đối ngoại. Đồng thời, qua hoạt động này để tạo thêm đồng thuận, nhất trí, giữ vững bản lĩnh, niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhà ngoại giao và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào con đường đi lên CNXH của nước ta.
Đặc biệt, cán bộ, đảng viên hoạt động ở ngoài nước, xa Tổ quốc, hoạt động độc lập càng cần phải nhận thức đúng, kiên định lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng tự miễn dịch, tự đề kháng cao, luôn tỉnh táo, không bị tác động, lôi kéo bởi bất cứ âm mưu, thủ đoạn của tổ chức, cá nhân nào.
Không những thế, các đồng chí còn phải là những chiến sĩ tiên phong trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào ta ở nước ngoài thấy rõ những quan điểm sai trái, xuyên tạc của thế lực cơ hội, thù địch; tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, Bộ Ngoại giao thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới với cộng đồng quốc tế, góp phần lan tỏa tư tưởng Hồ Chí Minh. Tăng cường sự hiểu biết của Việt Nam với các đối tác, nhân dân, bạn bè quốc tế thì bản thân mỗi cán bộ, đảng viên ngành ngoại giao phải thấm nhuần và thực hiện tốt nhất việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ ba, tập trung xây dựng chỉnh đốn đảng về tổ chức, nhất là đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao. Cán bộ là cái gốc của công việc. Công tác cán bộ là then chốt của then chốt, có ý nghĩa quyết định mọi công việc toàn ngành, do đó phải chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, xây dựng được đội ngũ cán bộ ngoại giao trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc; có trình độ, năng lực và bản lĩnh chính trị vững vàng, uy tín, phong cách; hội đủ tố chất vừa hồng vừa chuyên, thể hiện được bản lĩnh, đạo đức, cốt cách ngoại giao Hồ Chí Minh; luôn tỉnh táo, chủ động phòng ngừa, không để tự diễn biến, tự chuyển hóa, tham nhũng, tiêu cực.
Dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, một nhà ngoại giao, một nhà hoạt động đối ngoại giỏi trước hết phải là một nhà chính trị giỏi, luôn lấy lợi ích của quốc gia, dân tộc, chế độ làm kim chỉ nam trong hành động, đồng thời phải có phong cách ứng xử văn hóa, bởi lẽ đối ngoại chính là văn hóa, là đại diện của văn hóa dân tộc trong giao lưu với các dân tộc khác, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động đối ngoại cần luôn ghi nhớ rằng phía sau mình là Đảng, là đất nước, là nhân dân, phải tự tin, vững vàng, kiên định, khôn khéo, mưu lược.
Ảnh: VGP/Hải Minh
Đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt của cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, bảo đảm nguyên tắc, quy định của Đảng, phù hợp với đặc thù của công tác đối ngoại, nhất là hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên ngoài nước. Công tác đảng ngoài nước là một bộ phận không thể tách rời trong hệ thống tổ chức của Đảng, phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt của Trung ương.
Không ngừng chăm lo, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng của Đảng bộ Bộ Ngoại giao, nhất là đội ngũ cấp ủy trên cơ sở bí thư cấp ủy có năng lực lãnh đạo, trình độ, khả năng đoàn kết, tập hợp, giáo dục đảng viên, quần chúng; phát huy và làm tốt vai trò, trách nhiệm của đảng bộ, chi bộ cơ sở hoạt động ở nước ngoài thực sự là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng trong và ngoài cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; tuyên truyền vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam, tuân thủ pháp luật và tôn trọng phong tục, tập quán của nước sở tại, tham gia xây dựng và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan đại diện, xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong ngành ngoại giao sâu sát cơ sở và từng đảng viên; kịp thời phát hiện thiếu sót, khuyết điểm để khắc phục.
Đối với hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng ngoài nước, đại sứ, trưởng đại diện trực tiếp làm bí thư đảng ủy để tạo điều kiện cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Song, mỗi đồng chí phải luôn chứng tỏ vai trò, trách nhiệm của mình, không ngừng sâu sát công tác, phải đúng vai, thuộc bài, tránh độc đoán, chuyên quyền, không nặng công tác chuyên môn, nhẹ công tác đảng và ngược lại.
Thực tiễn phát triển của tổ chức đảng, đảng viên ở ngoài nước cho thấy, vấn đề quản lý đảng viên là khó nhất, là công tác trọng tâm và phải thực hiện tốt phương châm không để đảng viên nào ra nước ngoài không được tổ chức bố trí sinh hoạt đảng, quản lý và giao nhiệm vụ.
Việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và quản lý đảng viên ở ngoài nước không chỉ là trách nhiệm của Đảng bộ Bộ Ngoại giao và các cấp ủy, tổ chức đảng ở ngoài nước, mà còn là trách nhiệm của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các cấp ủy địa phương có đảng viên đang công tác, lao động, học tập ở nước ngoài.
Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tiêu cực.
Trong môi trường hoạt động ở nước ngoài, xa cấp trên thì ý thức tự kiểm tra, tự giám sát, tự tu dưỡng, tự soi, tự sửa của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên là hết sức quan trọng để kịp thời phát hiện từ nội bộ, chấn chỉnh ngay những vi phạm từ khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn.
Cùng với đó, phải tăng cường công tác bảo vệ cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước; chủ đồng phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa.
Thứ năm, các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo xây dựng các đoàn thể chính trị-xã hội vững mạnh trong ngành ngoại giao và các cơ quan đại diện, đồng thời vận động, tập hợp các tổ chức quần chúng, hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài để triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo Kết luận 12 của Bộ Chính trị. Nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị, chăm lo cho đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Kiên trì vận động những kiều bào còn có định kiến để củng cố niềm tin, yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc.
Tăng cường mối quan hệ gắn bó, tình cảm, đoàn kết giữa đảng viên, quần chúng và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nắm chắc tình hình, tâm tư, nguyện vọng chính đáng; kịp thời giải đáp những băn khoăn, vướng mắc của kiều bào, khơi dậy và tập hợp mạnh mẽ tiềm năng, nguồn lực to lớn của đồng bào, tạo điều kiện tốt nhất để cộng đồng phát triển; tiếp tục là cầu nối vững chắc, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, đồng thời đóng góp trí tuệ, tài năng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ sáu, tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, tham mưu cho Đảng về công tác đảng ở ngoài nước. Đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và giải quyết những vấn đề mới đặt ra trong công tác đảng ngoài nước thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tổng kết, tham mưu sửa đổi bổ sung Chỉ thị 51 năm 2015 của Ban Bí thư về tăng cường công tác đảng ở ngoài nước trong tình hình mới và Quy định 228 năm 2014 của Ban Bí thư về nhiệm vụ đảng viên và công tác đảng ở nước ngoài; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản điều chỉnh công tác đảng ngoài nước, góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ở nước ngoài.
Ban Cán sự Đảng và Đảng bộ Bộ Ngoại giao tiếp tục nghiên cứu trao đổi thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương và các cơ quan liên quan đề xuất, giải quyết chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ đảng ủy ngoài nước nói riêng và đội ngũ chuyên trách công tác đảng ngoài nước nói chung, bảo đảm quyền lợi chính đáng, phù hợp với tình hình thực tế.