Trên công trường Thuỷ điện Sơn La: Sông Đà 5 tạo kỳ tích

Thứ năm, 24/09/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thuỷ điện Sơn La - dự án lớn nhất Đông Nam Á, có công suất 2.400 MW. Một câu chuyện thần kỳ đã diễn ra trên đại công trường này là việc thi công đập dâng nước ngăn Sông Đà, từ bờ phải sang bờ trái dài 947m, chiều rộng dưới chân đáy là 290m, độ cao là 138.1m. Với một con đập đồ sộ như thế các nhà tư vấn thiết kế và chủ đầu tư đã tính toán lập biện pháp bằng cách đắp đổ thân đập bằng công nghệ bê tông đầm lăn gọi tắt là RCC. Đây là phương án tiên tiến mới đưa vào áp dụng tại Thuỷ điện Sơn La đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Đơn vị chủ công chính là Cty CP Sông Đà 5 phối hợp với Cty Cơ giới 9.08 đều là thành viên thuộc Tổng thầu Sông Đà. Để triển khai đắp đập dâng theo phương án RCC với yêu cầu thi công cường độ bình quân đạt từ 90 đến 120 nghìn m3/tháng. Muốn vậy, Sông Đà 5 phải được đầu tư một dây chuyền sản  xuất bê tông đồng bộ gồm 1 hệ thống trạm trộn 720m3/h, một hệ thống thiết bị làm lạnh và hệ thống băng tải vận chuyển bê tông ra mặt đập để phục vụ thi công. Được sự bảo lãnh của TCty Sông Đà và vốn vay ngân hàng được Chính phủ cho phép, Sông Đà 5 đã đặt mua dàn thiết bị trên với giá trị 20,5 triệu USD từ hãng Lieb Heer (CHLB Đức). Thật không đơn giản chút nào, bởi đầu tư gần 400 tỷ đồng mua một dàn máy cho một công trình, đã vậy công tác lắp ráp, vận hành đang còn mới mẻ đối với đội ngũ thợ. Nhưng có lẽ không gì bằng sự kiên trì, dũng cảm và sự thông minh, những người thợ Sông Đà 5 đã vượt qua tất cả để sau một thời gian rất ngắn điều chỉnh, chạy thử và ngày 11/1/2008 những khối bê tông đầm lăn đầu tiên đạt chất lượng chính thức đưa vào sản xuất. Từ bước khởi đầu thành công đó, bê tông được sản xuất liên tục suốt 24/24h đưa lên băng tải chuyển lên mặt đập cho máy gạt, máy ủi và máy đầm làm việc. Kỳ lạ thay, những người thợ Sông Đà 5 càng làm càng thuần thục, càng sáng tạo từ cách pha trộn đến điều phối nhiệt độ, hàng nghìn công nhân đã nỗ lực vượt khó, lao động liên tục trong điều kiện thời tiết thất thường khắc nghiệt không chỉ cho con người mà còn phải bảo đảm giữ gìn nhiệt độ bê tông lúc nào cũng ở mức 20oC. Với mục tiêu đổ xong 1 triệu m3 bê tông đầm lăn trong 12 tháng nhằm đạt mục tiêu chống lũ 2008 và mở đầu cho công cuộc nạo vét lòng sông phía hạ lưu, tiến hành lắp thiết bị các tổ máy.

Kết quả, chỉ sau 8 tháng 5 ngày khối bê tông thứ 1 triệu đã hoàn thành, cả công trường náo nức mở tiệc mừng công. Với ta, 1 triệu m3 bê tông đổ trong 8 tháng chỉ cảm thấy vui phấn khởi, nhưng những chuyên gia chuyên ngành nước ngoài họ thấy thành quả này là lạ lùng đến kinh ngạc. Các hãng SMEC;  Nippon Koei và J Power là những chuyên gia được thuê giám sát đã không giấu nổi cảm xúc, họ nói: “Công tác RCC không chỉ là đổ bê tông đơn thuần bởi yêu cầu sự phối hợp vận hành phải rất đồng bộ từ mỏ khai thác vật liệu, trạm nghiền, trạm trộn, vận chuyển cốt liệu tro bay và Xi măng cùng với việc cấp điện, cấp nước... Chỉ cần một chi tiết tắc nghẽn là cả một hệ thống phải ngưng nghỉ vậy mà những người thợ vận hành dây chuyền này đã nỗ lực thực hiện một cách thuần thục, vượt qua các vấn đề kỹ thuật ngoài dự kiến mang lại thành quả thật tuyệt vời”.


Việc sản xuất 1 triệu m3 bê tông trong vòng hơn 8 tháng, những người thợ Sông Đà 5 đã vượt kỷ lục 1 cách phi thường, bởi vì so với nhiều nơi trên thế giới nếu đổ 1 triệu m3 bê tông thông thường phải mất hàng chục năm. Đó là lời nhận xét của chuyên gia cung cấp thiết bị Lieb Heer (Đức). Trung tuần tháng 9 vừa qua, khi đến thăm công trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khen ngợi và đánh giá cao tinh thần nỗ lực lao động vượt bậc của tập thể cán bộ, công nhân các lực lượng xây dựng trên công trình. Đặc biệt nói về công tác thi công, Thủ tướng vui mừng, nhấn mạnh hai điểm chính, đó là việc ngăn sông thắng lợi và hoàn thành đắp đập dâng bờ phải đến cao độ trên cùng bởi 1,9 triệu m3 bê tông đầm lăn. Kỹ sư Trần Văn Huyên, Tổng giám đốc Sông Đà 5 tự hào với truyền thống của đơn vị, ông cho biết: Việc vận hành dây chuyền công nghệ hiện đại mới được áp dụng với cường độ lớn, không tránh khỏi những áp lực lo lắng, bỡ ngỡ nhưng đối với Sông Đà 5 đã có một quá trình lao động xây dựng ở nhiều công trình trọng điểm lớn như TĐ Hoà Bình, Vĩnh Sơn, Sông Hinh và Ialy.

Thành công này, Sông Đà 5 đã giảm bớt 15 nhân công mỗi ca, công nhân đã giảm nhiều động tác lao động thủ công, đặc biệt là hoàn thành hạng mục chống lũ thắng lợi vượt trước thời hạn 1 tháng, làm lợi hàng chục tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Toàn cho biết, để phấn đấu đạt mức trên 1.200 tỷ đồng sản lượng năm 2009, ngoài nhiệm vụ chính là sản xuất bê tông RCC tại TĐ Sơn La, Sông Đà 5 còn nhận thi công các tổ máy số 1, 2, 3 và gian biến thế, khai thác và chế biến 230 nghìn m3 đá dăm và 65 nghìn m3 cát nhân tạo. Một số xí nghiệp trực thuộc hiện đang tham gia thi công tại công trình TĐ Bản Vẽ (Nghệ An) hoàn thiện Hố Sói cho TĐ Tuyên Quang; Đắp đập và làm bê tông cho TĐ Nậm Chiến 2. Hơn 100 công nhân khác nhận làm đường vành đai QL1 phía Tây Nghệ An...


Sông Đà 5 đang vinh danh là doanh nghiệp giỏi và thương hiệu vàng trên thị trường chứng khoán và thị trường xây dựng trong và ngoài nước
.


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)