1. Về căn cứ pháp lý và sự phù hợp với các quy định pháp luật:
a) Về căn cứ điều chỉnh quy hoạch:
- Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt QHC đô thị An Nhơn theo hướng đạt chuẩn đô thị loại IV tại Quyết định số 641/QĐ-UBND ngày 01/9/2009 với quy mô diện tích khoảng 24.264 ha. Năm 2019, để triển khai định hướng phát triển thị xã An Nhơn thành đô thị loại III theo Quy hoạch vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035 (tại Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ), UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Điều chỉnh QHC xây dựng đô thị An Nhơn, tỉnh Bình Định đến năm 2035 (gọi tắt là QHC 2019) với phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ ranh giới hành chính thị xã An Nhơn, có tổng diện tích khoảng 24.449,36 ha. Trong đó định hướng không gian nội thị gồm 10 đơn vị hành chính đạt tiêu chuẩn phường (05 phường hiện trạng và 05 xã đạt tiêu chuẩn phường là Nhơn An, Nhơn Hậu, Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ) và 05 xã ngoại thị.
- Tuy nhiên, căn cứ theo Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14/12/2023 (gọi tắt là QH tỉnh Bình Định); Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã định hướng thị xã An Nhơn đến năm 2025 phát triển thành thành phố An Nhơn trực thuộc tỉnh Bình Định và sau năm 2030 sẽ nâng cấp lên thành đô thị loại II.
- Bên cạnh đó, từ khi QHC 2019 được phê duyệt đến nay đã có một số dự án mang tầm quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh có ảnh hưởng đến định hướng phát triển của thị xã An Nhơn, như: Sự thay đổi hướng tuyến công trình đường bộ, đường bộ cao tốc và đường sắt cao tốc quốc gia gồm dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Hoài Nhơn – Quy Nhơn, đường bộ Quy Nhơn – PleiKu, đường sắt cao tốc Bắc – Nam; đường giao thông kết nối vùng giữa Bình Định và các tỉnh lân cận, giữa thị xã An Nhơn và các đơn vị hành chính cấp huyện lân cận; việc mở rộng quy mô sân bay Phù Cát nhằm nâng cấp công suất vận tải hành khách, hàng hóa gắn với phát triển thị xã An Nhơn.
- Do đó, việc UBND tỉnh Bình Định đề xuất Điều chỉnh tổng thể QHC xây dựng đô thị An Nhơn, tỉnh Bình Định đến năm 2035 với phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thị xã An Nhơn có tổng diện tích khoảng 24.449,40 ha là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật Quy hoạch đô thị 2009 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 29 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.
b) Về tên gọi của Đồ án: Để đảm bảo phù hợp với các quy định tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, đề nghị đổi tên đồ án thành: “Điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định đến năm 2045”, do sau QHC 2019 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 101/NQ-CP ngày 28/11/2011 về thành lập thị xã An Nhơn và các phường thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
2. Một số nội dung đề nghị nghiên cứu, bổ sung để hoàn thiện Đồ án:
a) Về tính chất, định hướng phát triển trọng tâm: Đề nghị UBND tỉnh Bình Định nghiên cứu, rà soát và bổ sung tính chất, định hướng phát triển trọng tâm của Thị xã An Nhơn đã được xác định trong QH tỉnh Bình Định.
b) Về nội dung đánh giá hiện trạng: Đề nghị bổ sung nguồn gốc số liệu về diện tích tự nhiên của thị xã An Nhơn, dân số (đặc biệt là số liệu về dân số quy đổi, bổ sung tỷ lệ dịch cư); rà soát giữa số liệu với bản vẽ hiện trạng sử dụng đất (đất đơn vị ở, đất lúa...), đặc biệt cần làm rõ các số liệu đất lâm nghiệp (đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất), để đảm bảo thống nhất, phù hợp với số liệu, bản đồ hiện trạng sử dụng đất của ngành tài nguyên môi trường tại thời điểm lập quy hoạch.
c) Về rà soát thực hiện quy hoạch và các dự án:
- Bổ sung đánh giá hiện trạng thị xã An Nhơn theo Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 26/2022/NQ-UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của 1210/2016/NQ-UBTVQH13 về phân loại đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại III, hướng tới thành lập thành phố An Nhơn trực thuộc tỉnh Bình Định; trong đó cần làm rõ các tiêu chuẩn còn yếu và chưa đạt để có cơ sở hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị theo từng giai đoạn. Đối với các nhiệm vụ quy hoạch phân khu đã được UBND tỉnh phê duyệt, đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý; khi thực hiện phải đảm bảo thống nhất, phù hợp với các phân khu chức năng, phân khu đô thị (khu vực nội thị) và các quy hoạch cấp trên.
- Ngày 10/10/2023, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Đồ án Điều chỉnh cục bộ QHC đô thị An Nhơn, tỉnh Bình Định đến năm 2035 tại Quyết định số 3729/QĐ-UBND (gọi tắt là Điều chỉnh cục bộ QH An Nhơn), trong đó có điều chỉnh cục bộ mở rộng phạm vi ranh giới khu vực nội thị (bổ sung xã Nhơn Phong thành phường nội thị), dẫn đến việc thay đổi tính chất, chức năng, quy mô và các giải pháp quy hoạch chính của các khu vực đã được lập quy hoạch phân khu. Đề nghị UBND tỉnh Bình Định rá soát và chịu trách nhiệm đối với việc phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHC An Nhơn đảm bảo tuân thủ quy định tại Điều 49 Luật Quy hoạch đô thị 2009 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 29 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.
d) Về tiền đề, động lực phát triển đô thị:
- Đồ án quy hoạch cần bổ sung nội dung phân tích, đánh giá về tiền đề, động lực phát triển đô thị. Cần phân tích đầy đủ số liệu về cơ sở kinh tế - kỹ thuật để làm rõ ngành mũi nhọn, ưu tiên phát triển nhằm làm căn cứ quy hoạch tổ chức không gian, phân khu chức năng, quy hoạch sử dụng đất, định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho phù hợp theo các giai đoạn quy hoạch.
- Theo thuyết minh QHC An Nhơn, UBND tỉnh Bình Định đề xuất nâng cấp 05 xã nội thành (gồm các xã Nhơn An, Nhơn Hậu, Nhơn Thọ, Nhơn Lộc, Nhơn Phúc) và sát nhập 01 xã ngoại thị (xã Nhơn Phong) vào nội thị để thành lập các phường thuộc thị xã An Nhơn. Đề nghị bổ sung các căn cứ, lý do cũng như đánh giá tác động đối với việc sáp nhập xã Nhơn Phong từ ngoại thị vào nội thị, cũng như bổ sung đánh giá, rà soát hiện trạng và nhu cầu phát triển đô thị đối với xã Nhơn Phong, tránh việc đầu tư không hiệu quả, lãng phí tài nguyên đất đai.
e) Về quy hoạch sử dụng đất và sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn:
- Đối với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của đồ án: Theo thuyết minh QHC An Nhơn đến năm 2030: đất dân dụng bình quân toàn đô thị là khoảng 93 m2/người, mật độ dân số là khoảng 107,2 ng/ha, chỉ tiêu đất đơn vị ở mới bình quân toàn đô thị là 61,29 m2/người và đến năm 2040 chỉ tiêu đất dân dụng bình quân toàn đô thị đến năm là khoảng 84,4 m2/người, mật độ dân số là khoảng 118,5 ng/ha, chỉ tiêu đất đơn vị ở mới bình quân toàn đô thị là 61,29 m2/người là chưa phù hợp với các chỉ tiêu được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN:01/2021/BXD. Để đảm bảo tiết kiệm đất đai và phù hợp với nhu cầu phát triển đô thị, đề nghị rà soát chỉ tiêu, nhu cầu sử dụng đất dân dụng và đất xây dựng của toàn thị xã đảm bảo tuân thủ QCVN:01/2021/BXD, phù hợp quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của tỉnh và thị xã An Nhơn.
- Bổ sung, làm rõ việc điều chỉnh đất lâm nghiệp (giảm 47,69ha so với hiện trạng); Bổ sung đánh giá sự phù hợp chỉ tiêu đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo QH tỉnh Bình Định, chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia tại Quyết định số 326/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 và Quyết định số 227/QĐ-TTg ngày 12/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022, Quyết định số 268/QĐ-UBND ngày 31/1/2023 của UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thị xã An Nhơn thời kỳ 2021-2030.
g) Về định hướng phát triển không gian đô thị: Đồ án đề xuất định hướng chia không gian thị xã An Nhơn thành 07 phân khu với các tính chất, chức năng cụ thể. Tuy nhiên, cần lưu ý: Đối với khu vực phát triển dịch vụ du lịch cần kiểm soát các chỉ tiêu sử dụng đất, hình thức kiến trúc và các quy định kiểm soát đất xây dựng công trình, không phá vỡ cấu trúc địa hình, cảnh quan, bảo vệ hệ sinh thái; Phát triển không gian cảnh quan sinh thái Hồ Núi Một và không gian cảnh quan cây xanh hai bên bờ sông Kôn, đảm bảo tính kết nối giữa không gian đô thị và hành lang cách ly theo quy định; Hạn chế phát triển đất đơn vị ở, đất khu dân cư nông thôn, đất dịch vụ du lịch và phát triển sản xuất công nghiệp vào các khu vực bảo tồn cảnh quan (vùng có các giá trị văn hoá, lịch sử, sinh thái, cảnh quan thiên nhiên), khu vực có địa hình dốc lớn có nguy cơ tai biến địa chất cao, rừng phòng hộ và rừng tự nhiên; Xác định ranh giới các khu vực trong phạm vi hành lang an toàn bay của sân bay Phù Cát mở rộng và phạm vi các khu vực không được xây dựng công trình cao tầng để đảm bảo an toàn bay; Bổ sung định hướng quy hoạch không gian ngầm (nếu có).
h) Về quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Cần bám sát các định hướng đã được xác định tại QH tỉnh Bình Định; Làm rõ các vùng bảo vệ lòng Hồ Núi Một và nguồn nước sông Kôn, xác định các tuyến thoát lũ vùng lưu vực sông Kôn; Đảm bảo công tác bảo vệ nguồn nước, phòng, chống ô nhiễm cạn kiệt nguồn nước và công tác an toàn đập, hồ chứa nước; Bổ sung quy mô diện tích các khu nghĩa trang; Đảm bảo các quy định về môi trường, cảnh quan và tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, các quy định hiện hành khác có liên quan.
i) Về thể hiện thuyết minh, bản vẽ: Rà soát, hoàn thiện QHC An Nhơn theo quy định tại Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn; rà soát nội dung giữa các thành phần hồ sơ đồ án quy hoạch để bảo đảm tính thống nhất.
3. Lưu ý UBND tỉnh Bình Định: UBND tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm trong việc rà soát các quy hoạch, dự án trên cơ sở QHC 2019 đã được phê duyệt; không hợp thức hóa các quy hoạch, dự án không đảm bảo tính pháp lý hoặc có sai phạm chưa được xử lý (nếu có); đồng thời trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt QHC phải phù hợp với các quy hoạch cấp trên (bao gồm: quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng huyện còn hiệu lực) và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành liên quan, chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Định đã được phê duyệt; các quy định tại Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và các quy định pháp luật về đất đai, nông lâm nghiệp, môi trường, nhà ở và xây dựng.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 5721/BXD-QHKT.