Đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan có liên quan bổ sung các văn bản, báo cáo giải trình tiếp thu các ý kiến của các Sở, ngành, địa phương có liên quan và các ý kiến của cộng đồng dân cư. Chịu trách nhiệm rà soát các quy hoạch, dự án (không để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện; không hợp thức, cập nhật các quy hoạch, dự án chưa đủ cơ sở pháp lý), đảm bảo tính chính xác các số liệu đo đạc liên quan đến đất lúa, đất rừng, đất an ninh - quốc phòng và đất đơn vị ở hiện trạng; tuân thủ các quy định pháp luật về: Di sản văn hóa, Bảo vệ rừng, Bảo vệ môi trường, Đất đai, Nhà ở, Xây dựng..., cũng như đáp ứng được các yêu cầu về ứng phó biến đổi khí hậu, lũ quét và sạt lở đất.
Thuyết minh, bản vẽ đồ án quy hoạch cần rà soát, thực hiện theo Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng các khu chức năng đặc thù.
Để có cơ sở cho ý kiến về nội dung QHC-2024, đề nghị bổ sung và làm rõ các vấn đề sau:
- Về lý do và sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch: Ngoài lý do sáp nhập huyện Kỳ Sơn vào thành phố Hòa Bình (Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban thường vụ Quốc hội), đề nghị bổ sung, làm rõ các tác động do các định hướng quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc và quy hoạch tỉnh Hòa Bình trên các lĩnh vực; cũng như các mục tiêu phát triển mới của tỉnh Hòa Bình và thành phố Hòa Bình có sự điều chỉnh trong giai đoạn tới.
- Rà soát, bổ sung các căn cứ pháp lý: đặc biệt là các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; Quy hoạch ngành quốc gia và Quy hoạch tỉnh Hòa Bình đã được phê duyệt để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ phù hợp với quy hoạch cấp trên.
- Các nội dung trong đánh giá hiện trạng:
+ Bổ sung, làm rõ nguồn gốc số liệu về dân số (đặc biệt là số liệu về dân số quy đổi, bổ sung tỷ lệ dịch cư) các số liệu phải theo niên giám thống kê mới nhất; rà soát giữa số liệu với bản vẽ hiện trạng sử dụng đất (đất đơn vị ở, đất lúa...), đặc biệt cần làm rõ đất lâm nghiệp (đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất), để đảm bảo thống nhất, phù hợp với số liệu, bản đồ hiện trạng sử dụng đất của ngành tài nguyên môi trường tại thời điểm lập quy hoạch.
+ Đối với đánh giá hiện trạng hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội còn chưa cụ thể; đề nghị bổ sung số liệu (quy mô), phân tích chất lượng, làm rõ nhưng vấn đề đạt và chưa đạt.
+ Về đánh giá hiện trạng kiến trúc cảnh quan cần làm rõ các phân vùng đặc trưng (khu vực đô thị: bờ trái, bờ phải; khu vực lòng hồ sông Đà, hạ lưu sông Đà, các vùng đồi núi...); các giá trị về văn hóa, các công trình kiến trúc có giá trị...
- Về rà soát thực hiện quy hoạch: Không cập nhật các quy hoạch, dự án đầu tư khi chưa phù hợp với quy hoạch cấp trên; xem xét các nội dung không điều chỉnh và cần thiết điều chỉnh, đồng thời nêu rõ những nội dung phù hợp và chưa phù hợp so với QHC - 2017; trên cơ sở đó xác định các vấn đề phải giải quyết, để đảm bảo phù hợp với các mục tiêu, chiến lược phát triển của thành phố Hòa Bình trong giai đoạn tới. Bổ sung đánh giá hiện trạng thành phố Hòa Bình theo Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 26/2022/NQ-UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của NQ-1210 về phân loại đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại III, hướng tới đô thị loại II (đặc biệt là các chỉ tiêu về hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội); trong đó cần làm rõ các tiêu chuẩn còn yếu và chưa đạt để có cơ sở hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị theo từng giai đoạn. Đối với các nhiệm vụ quy hoạch phân khu đã được UBND tỉnh phê duyệt, đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý; khi thực hiện phải đảm bảo thống nhất, phù hợp với các phân khu chức năng và phân khu đô thị (khu vực nội thị) theo QHC-2024.
- Các tiền đề phát triển đô thị:
+ Phần cấu trúc, mô hình phát triển đô thị cần làm rõ cơ sở khoa học; khi nghiên cứu cần phân tích, đánh giá, tham khảo kinh nghiệm từ các đô thị có các điều kiện tượng tự về địa hình, khí hậu, bản sắc văn hóa, cảnh quan...
+ Cần phân tích vị trí, vai trò của thành phố Hòa Bình trong tỉnh Hòa Bình, Vùng thủ đô Hà Nội, Vùng trung du và miền núi phía Bắc; làm rõ các yếu tố khác biệt, nổi trội về vị trí, điều kiện phát triển đô thị, các ngành lĩnh vực khác (văn hóa, công nghiệp điện, dịch vụ, du lịch, nguồn nước…).
+ Đối với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của đồ án: Đối với chỉ tiêu đất đơn vị ở mới (khoảng 110 m2/ người là cao so với tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN:01/2021/BXD); để đảm bảo tiết kiệm đất đai và phù hợp với nhu cầu phát triển đô thị, đề nghị rà soát chỉ tiêu, nhu cầu sử dụng đất dân dụng và đất xây dựng của toàn thành phố đảm bảo tuân thủ QCVN:01/2021/BXD, phù hợp quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của tỉnh và thành phố; bổ sung số liệu sử dụng đất từng giai đoạn.
+ Về dự báo quy mô dân số: Việc đề xuất tỷ lệ tăng dân số thành phố giai đoạn 2030 khoảng 3.93 %, giai đoạn 2045 khoảng 3,39 % là không khả thi (hiện trạng 2022 khoảng 1,08%); bổ sung luận cứ, cơ sở dự báo tỷ lệ tăng dân số cơ học 3,03% (giai đoạn 2030) và 2,54% (giai đoạn 2045), cũng như dự báo lượng khách du lịch, đảm bảo phù hợp với các dự báo của Quy hoạch tổng thể hệ thống du lịch quốc gia, Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Quy hoạch tỉnh Hòa Bình.
- Về tổ chức kiến trúc cảnh quan: Xác định rõ tên, khu vực, các nguyên tắc, định hướng cụ thể, các yêu cầu về kiểm soát kiến trúc cảnh quan đối với từng khu chức năng, các khu vực đô thị hiện hữu, các vùng cảnh quan, sinh thái với các khu vực phát triển đô thị và nông thôn, các khu vực phát triển công nghiệp, du lịch dịch vụ, vùng nông nghiệp, các khu vực bảo vệ (khu vực nhà máy thủy điện Hòa Bình, các di tích, các khu vực an ninh quốc phòng…).
- Đối với quy hoạch sử dụng đất: Làm rõ cơ sở nhu cầu khoảng 10.679 ha đất xây dựng đô thị (tăng thêm khoảng 5.000 ha); rà soát lại số liệu trên, theo đánh giá quỹ đất thuận lợi xây dựng toàn thành phố hiện khoảng 8.500 ha (25% diện tích tự nhiên toàn thành phố), việc phát triển đất dịch vụ du lịch cần kiểm soát các chỉ tiêu sử dụng đất, hình thức kiến trúc và các quy định kiểm soát đất xây dựng công trình, không phá vỡ cấu trúc địa hình, cảnh quan, bảo vệ hệ sinh thái (khống chế đất xây dựng công trình từ 5-15%); việc tăng các diện tích đất (đơn vị ở, dịch vụ du lịch, công nghiệp); đặc biệt, hạn chế phát triển đất đơn vị ở, đất khu dân cư nông thôn, đất dịch vụ du lịch và phát triển sản xuất công nghiệp vào các khu vực bảo tồn cảnh quan (vùng có các giá trị sinh thái, cảnh quan thiên nhiên), khu vực có địa hình dốc lớn có nguy cơ tai biến địa chất cao, rừng phòng hộ và rừng tự nhiên.
- Về quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Cần bám sát các định hướng theo các quy hoạch cấp trên (Quy hoạch tỉnh Hòa Bình, Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); làm rõ các vùng bảo vệ lòng hồ và nguồn nước sông Đà, khu vực nhà máy nước sông Đà; bổ sung luận cứ cơ sở mở rộng khu vực nghĩa trang Lạc Hồng Viên, khi mở rộng phải giữ được cảnh quan, đảm bảo các quy định về môi trường, tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và các quy định hiện hành khác có liên quan.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1180/BXD-QHKT.