Theo đó, về sự phù hợp của dự án với quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng; sự cần thiết đầu tư dự án:
Về sự phù hợp với quy hoạch ngành: Theo hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án Đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nằm hoàn toàn trên địa bàn hai huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà; và được xác định là đường bộ giao thông của địa phương, có kết nối Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Tại khoản 1 Mục IV Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 quy định: “1. Quy hoạch các tuyến đường bộ giao thông địa phương thực hiện theo phương án phát triển mạng lưới giao thông trong quy hoạch tỉnh được quy định tại điểm d khoản 2 Luật Quy hoạch.”.
Theo báo cáo, hiện nay Quy hoạch tỉnh Khánh Hoà thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang tổ chức lấy ý kiến các bộ ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan, cá nhân có liên quan. Trong dự thảo Quy hoạch, tuyến đường dự án nghiên cứu được thể hiện trên bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của tỉnh Khánh Hoà.
Trong hồ sơ gửi kèm đã đánh giá quy mô và hướng tuyến các đoạn được địa phương cơ bản thống nhất. Tuy nhiên, đề nghị UBND tỉnh Khánh Hoà cần kiểm tra, cập nhật và rà soát để đảm bảo dự án phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch ngành khác có liên quan tại các địa phương.
Về sự cần thiết đầu tư: Theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hoà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong Mục II.4 về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối; tập trung nguồn lực để nghiên cứu, thực hiện đã quy định: “Đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực giao thông quan trọng như Dự án Đường liên vùng kết nối Khánh Hoà, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận; …”.
Hai huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn là 02 huyện nghèo trong Danh sách 74 huyện nghèo tại Phụ lục I Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025.
Dự án Đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận được đầu tư góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải giữa huyện Khánh Sơn với các địa phương khác; phá thế độc đạo do hiện nay chỉ có một tuyến đường (ĐT.656) đi vào trung tâm huyện nhưng dễ bị sạt lở trong mùa mưa bão; góp phần tăng cường an ninh, quốc phòng giữa các vùng phòng thủ trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà; phát triển tiềm năng du lịch thác Yang Bay, thác Tà Gụ; giúp kết nối mạng lưới giao thông khu vực nói riêng và khu vực tỉnh Khánh Hoà nói chung.
Về nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phạm vi đầu tư, quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật của phương án thiết kế sơ bộ:
Nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi: Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận có các thành phần nội dung được trình bày theo quy định tại Điều 53 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14) và khoản 2 Điều 9 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Địa điểm, phạm vi đầu tư, quy mô đầu tư: Theo giải pháp thiết kế, phạm vi, địa điểm, quy mô đầu tư dự án:
+ Điểm đầu giao với Quốc lộ 27C tại Km16+900 (cách sông Cầu 250m về phía Đông) thuộc địa phận xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh;
+ Điểm cuối tại ranh giới giữa tỉnh Khánh Hoà và tỉnh Ninh Thuận trên đường tỉnh ĐT.656 (Km55+900) huyện Khánh Sơn đi vào địa phận xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
+ Tổng chiều dài dự án khoảng 56,9km (trong đó: đoạn qua huyện Khánh Vĩnh dài khoảng 29,3km; đoạn qua huyện Khánh Sơn dài khoảng 27,6km).
+ Quy mô mặt cắt ngang đường cấp IV miền núi, vận tốc thiết kế 40km/h; bề rộng nền đường Bnền = 9,0m, Bmặt = 2 x 3,0m = 6,0m, lề gia cố 2 x 1,0m = 2,0m, lề đất 2 x 0,5m = 1,0m (Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4054:2005 Đường ôtô - Yêu cầu thiết kế); bề rộng mặt cầu phù hợp với bề rộng đường; nút giao đồng mức đơn giản; toàn tuyến bố trí 17 cầu, trong đó 02 cầu giữ nguyên là cầu Sơn Bình và cầu Hàm Leo.
+ Hình thức đầu tư: Đầu tư công; cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới.
+ Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.930 tỷ đồng.
+ Dự án phân chia thành 02 dự án thành phần: (i) Xây dựng Đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, tổng mức đầu tư khoảng 1.827,91 tỷ đồng; (ii) Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, tổng mức đầu tư khoảng 101,97 tỷ đồng.
+ Tiến độ thực hiện: Từ năm 2022 đến năm 2027.
Phương án thiết kế sơ bộ, quy mô mặt cắt ngang đường Bnền = 9,0m; Bmặt = 6,0m. Tốc độ thiết kế 40km/h. Đường cấp IV miền núi. Trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thì tuyến đường có quy mô 04 làn xe, đường cấp III. Theo Tiêu chuẩn kỹ thuật 4054:2005 Đường ô tô - Yêu cầu thiết kế thì đường cấp III và đường cấp IV có nhiều sự khác nhau về các yếu tố hình học của đường (đường cong nằm, đường cong đứng, bề rộng mặt đường, độ dốc dọc đường,…). Đề nghị làm rõ và thống nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho tuyến đường; đồng thời có đánh giá về khả năng việc nâng cấp từ đường cấp IV lên đường cấp III trong tương lai.
Chiều dài tuyến đường khoảng 56,9km trong đó khoảng 26,9km là cải tạo, sửa chữa, điều kiện địa hình tuyến đi qua vùng đồng bằng và đồi thấp; khoảng 30km là vùng núi, địa hình khó khăn. Tuy nhiên, dự kiến tiến độ thi công xây dựng từ Quý I/2024 và hoàn thành năm 2027, thời gian thi công khoảng hơn 3 năm là dài. Đề nghị nghiên cứu, tính toán để rút ngắn thời gian thi công xây dựng, góp phần phát huy hiệu quả đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.
Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng: Việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình đầu tư xây dựng công trình phải tuân thủ quy định tại Điều 6 Luật Xây dựng năm 2014; trường hợp áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài phải thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Giải phóng mặt bằng: Thuyết minh phương án giải phóng mặt bằng chưa làm rõ về phạm vi giải phóng mặt bằng, phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, diện tích rừng cần chuyển đổi. Đề nghị làm rõ hơn về nội dung này và làm rõ phương án trồng rừng thay thế.
Về sơ bộ tổng mức đầu tư:
Căn cứ pháp lý lập sơ bộ tổng mức đầu tư: Sơ bộ tổng mức đầu tư được lập trên cơ sở Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14); Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, các Thông tư hướng dẫn (Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021; số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021; số 13/2021/TT-BXD) của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các văn bản pháp luật khác có liên quan về cơ bản là phù hợp.
Về sơ bộ tổng mức đầu tư
Phương pháp xác định và cơ cấu sơ bộ tổng mức đầu tư:
a. Phương pháp xác định sơ bộ tổng mức đầu tư được lựa chọn thực hiện theo quy định tại Mục I Phụ lục I Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 về cơ bản là phù hợp.
b. Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình thẩm định, sơ bộ tổng mức đầu tư gồm các khoản mục chi phí:
- Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư (đã bao gồm chi phí dự phòng);
- Chi phí xây dựng và thiết bị (chi phí thiết bị chỉ có khoản mục chi phí, không có giá trị);
- Chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác;
- Chi phí dự phòng (không bao gồm dự phòng đối với chi phí phần giải phóng mặt bằng);
- Chi phí trồng rừng thay thế.
Đề nghị rà soát, tổng hợp các khoản mục chi phí thuộc sơ bộ tổng mức đầu tư phù hợp quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ, Phụ lục I Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 và các quy định pháp luật khác áp dụng cho dự án, tránh trùng lặp chi phí.
Về nội dung các khoản mục chi phí trong sơ bộ tổng mức đầu tư:
Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư (đã bao gồm chi phí dự phòng)
Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư được dự tính cho toàn bộ dự án (gồm: chi phí đền bù nhà, đất các loại; chi phí di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, ...); chi phí hỗ trợ và tái định cư; chi phí công tác tổ chức giải phóng mặt bằng; chi phí dự phòng); đơn giá bồi thường đất các loại và hệ số giá đất theo Quyết định số 04/2020/QĐ-UBND ngày 18/02/2020, Quyết định số 10/2022/QĐ-UBND ngày 20/5/2022. Trong hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa thuyết minh, làm rõ cơ sở tính toán đối với: diện tích đất, khối lượng nhà, tài sản trên đất; đơn giá, mức chi phí áp dụng và các chế độ chính sách có liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đề nghị làm rõ cơ sở xác định diện tích đất dự kiến sử dụng cho dự án, loại tài sản trên đất, bổ sung căn cứ, thuyết minh tính toán theo từng loại đất, tài sản trên đất tại các khu vực/địa phương thực hiện dự án phù hợp với thời điểm tính toán, quy định pháp luật về đất đai và các pháp luật có liên quan.
Theo quy định tại Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021, chi phí dự phòng bao gồm chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá. Chi phí này được xác định trên tổng chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng, thiết bị, quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác. Việc tách riêng chi phí dự phòng của cả Dự án và chi phí dự phòng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư là chưa phù hợp với quy định.
Về chi phí xây dựng: Chiều rộng mặt đường trong sơ bộ tổng mức đầu tư được tính toán với quy mô chưa phù hợp với thiết kế sơ bộ. Đề nghị rà soát, hoàn thiện đảm bảo phù hợp với thiết kế sơ bộ của Dự án.
Theo thuyết minh trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, sơ bộ tổng mức đầu tư được xác định theo phương án xác định từ quy mô chiều dài tuyến đường, diện tích trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và suất chi phí xây dựng công trình do Bộ Xây dựng công bố tại Quyết định số 610/QĐ-BXD ngày 13/7/2021 có tính đến hệ số vùng, một số hạng mục công trình chưa có suất đầu tư theo Quyết định số 610/QĐ-BXD thì tham khảo dữ liệu suất chi phí xây dựng của hạng mục các công trình có tính chất tương tự đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, phần tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư tại Tập III kèm theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, sơ bộ tổng mức đầu tư không có thông tin về các công trình có tính chất tương tự này. Đề nghị thống nhất nội dung thuyết minh và tính toán trong sơ bộ tổng mức đầu tư, đồng thời thuyết minh phân tích, đánh giá tính tương đồng (nếu có) về làm cơ sở tính toán áp dụng, đảm bảo tính đúng, tính đủ sơ bộ tổng mức đầu tư. Ngoài ra, đối với việc áp dụng Quyết định số 610/QĐ-BXD có tính đến hệ số vùng, do đây là dự án/công trình theo tuyến, đi qua nhiều khu vực khác nhau nên cần rà soát phân định rõ khối lượng tính toán trong sơ bộ tổng mức đầu tư, đảm bảo theo hướng dẫn áp dụng tại Quyết định số 610/QĐ-BXD phù hợp quy định và điều kiện cụ thể của Dự án.
Khối lượng công tác xây dựng được xác định trên cơ sở ước tính theo thiết kế sơ bộ, tuy nhiên chưa có thuyết minh, cơ sở tính toán, tổng hợp khối lượng công tác xây dựng của dự án. Đề nghị bổ sung, làm rõ, đảm bảo theo đúng nội dung, quy mô đầu tư của dự án.
Chi phí thiết bị: Chi phí thiết bị là một khoản mục chi phí thuộc sơ bộ tổng mức đầu tư, tuy nhiên trong sơ bộ tổng mức đầu tư chưa xác định giá trị đối với khoản mục chi phí thiết bị. Đề nghị làm rõ, rà soát tính toán theo thiết kế sơ bộ, đảm bảo phù hợp với nội dung, quy mô, nhu cầu đầu tư của Dự án, tránh trùng lắp chi phí.
Về chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn và chi phí khác: Theo thuyết minh sơ bộ tổng mức đầu tư, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác được xác định với tỷ lệ là 6,5% của chi phí xây dựng và chi phí thiết bị. Các chi phí này được xác định trên cơ sở giá trị hợp đồng, định mức tỷ lệ phần trăm (%) đối với một số chi phí tư vấn, chi phí khác theo quy định tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 hoặc tạm tính để dự trù kinh phí. Đề nghị bổ sung thông tin về hợp đồng; chuẩn xác lại chi phí tính theo định mức tỷ lệ phần trăm (%) phù hợp với giá trị xây dựng, thiết bị sau khi hoàn thiện tính toán; rà soát, đánh giá về nội dung, danh mục các chi phí thuộc khoản mục chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác theo đúng quy định.
Về chi phí dự phòng: Chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh được tính bằng 10% tổng chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác (không bao gồm chi phí trồng rừng thay thế). Dự phòng cho yếu tố trượt giá với tỷ lệ là 5,57%, được xác định trên cơ sở độ dài thời gian thực hiện dự án dự kiến, kế hoạch thực hiện dự án và chỉ số giá xây dựng bình quân trong thời gian 2022 - 2029 là 2,586%. Đề nghị hoàn thiện tính toán dự phòng khối lượng, công việc, dự phòng yếu tố trượt giá theo đúng quy định tại Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 phù hợp với thời điểm xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện dự án, dự kiến kế hoạch phân bổ vốn, cần lưu ý về tiến độ thực hiện các dự án thành phần (tại trang 4 Tập I Thuyết minh chung kèm Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) và tiến độ chung của cả dự án, khả năng bố trí vốn theo thời gian thực hiện dự án (dự kiến) và tỷ lệ dự phòng cho yếu tố trượt giá phù hợp với xu thế biến động giá xây dựng tại các khu vực dự án đi qua.
Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa rà soát, hoàn thiện sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ YangBay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận theo các ý kiến nêu trên trước khi triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
UBND tỉnh Khánh Hòa chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tính chính xác, đúng đắn của số liệu tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư và bổ sung các tài liệu, số liệu công trình tương tự đã hoặc đang thực hiện được tham khảo làm cơ sở tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư (nếu có).
Theo yêu cầu tiến độ của Dự án, hồ sơ thiết kế sơ bộ, dự tính sơ bộ tổng mức đầu tư ở mức độ dự báo. Do vậy, việc triển khai thiết kế ở bước tiếp theo của dự án, các đơn vị có liên quan phải tiến hành khảo sát, đánh giá, thuyết minh tính toán thiết kế đầy đủ theo quy định, làm cơ sở xác định khối lượng, đơn giá, các chi phí có liên quan để xác định tổng mức đầu tư đảm bảo tính đúng, tính đủ, nâng cao hiệu quả dự án, không thất thoát vốn nhà nước.
Trong sơ bộ tổng mức đầu tư chưa có thông tin cá nhân chủ trì lập sơ bộ tổng mức đầu tư, hồ sơ năng lực của tổ chức, cá nhân lập sơ bộ tổng mức đầu tư. Đề nghị bổ sung, hoàn thiện hồ sơ năng lực, thông tin và ký đóng dấu theo đúng quy định.
Ngoài ra, dề nghị UBND tỉnh Khánh Hoà nghiên cứu một số nội dung sau:
+ Về giải pháp thoát nước: Nghiên cứu bố trí hệ thống cống thoát nước ngang đường tại vị trí tụ thủy, khe suối hoặc vị trí cần thiết để đảm bảo cự ly các cống không quá xa nhau, đáp ứng yêu cầu thoát nước ngang đảm bảo tuyến đường không bị sói lở, giảm thiểu ảnh hưởng đến kết cấu nền đường. Đối với cống thoát nước dọc tuyến đường cần căn cứ vào tình hình thủy văn, chế độ thủy lực khu vực và kết quả tính toán thủy lực, thủy văn để thiết kế hệ thống rãnh thoát nước dọc đường góp phần thoát nhanh nước mưa về sông, suối,… Việc thiết kế hệ thống thoát nước cần tuân thủ theo quy chuẩn xây dựng hiện hành.
+ Trong quá trình triển khai các bước tiếp theo, đề nghị thực hiện theo đúng các quy định của Luật Xây dựng năm 2014, Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng để xác định tổng mức đầu tư, dự toán chi phí cho phù hợp.
+ Chỉ đạo tư vấn thiết kế, cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát và thực hiện theo các ý kiến nêu trên để hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, hiệu quả dự án và quy định pháp luật trước khi trình xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.
+ Đối với hồ sơ thiết kế sơ bộ (gồm thuyết minh, bản vẽ,…), tài liệu liên quan đến xác định công trình tương đương, số liệu được sử dụng tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư, đơn vị tư vấn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các tài liệu này.
+ Theo yêu cầu tiến độ của dự án, thiết kế sơ bộ mới ở mức độ dự báo. Do vậy, việc triển khai thiết kế ở bước tiếp theo của dự án, các đơn vị có liên quan phải tiến hành khảo sát, đánh giá, thuyết minh tính toán thiết kế đầy đủ theo quy định, làm cơ sở xác định khối lượng, đơn giá, các chi phí có liên quan để xác định tổng mức đầu tư đảm bảo tính đúng, tính đủ, nâng cao hiệu quả dự án, không thất thoát vốn nhà nước.
+ Theo giải pháp thì vật liệu đắp nền được tận dụng từ đất đào của tuyến, đề nghị làm rõ việc đất đào tận dụng có đủ chỉ tiêu cơ lý để có thể sử dụng cho đắp nền hay không. Theo thuyết minh thì địa phương sẽ đảm bảo cung cấp đủ đá và cát xây dựng nhưng chưa cụ thể về các mỏ dự kiến khai thác, cung cấp cho Dự án.
Nội dung chi tiết xem tệp đính kèm:
BXD_202-BXD-HDXD_18012023.pdf
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 202/BXD-HĐXD.