Tại một số tỉnh, thành trên toàn quốc, do yêu cầu bức thiết về quản lý trật tự đô thị cũng đã thành lập các đội quản lý trật tự đô thị ở cấp huyện. Hoạt động của các đội quản lý trật tự đô thị cũng đạt kết quả nhất định, tuy nhiên, hiệu quả hoạt động chưa cao do thiếu thẩm quyền xử phạt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng chưa đáp ứng yêu cầu công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Những hạn chế, yếu kém từ tổ chức, con người, thậm chí là buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền địa phương, dẫn tới tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Trước yêu cầu thực tế của công tác quản lý, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18/6/2007 thí điểm thành lập thanh tra xây dựng quận, huyện và thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn tại TP Hà Nội và TP.HCM.
Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg đã tăng cường hiệu quả hoạt động của thanh tra xây dựng thông qua quy trình xử lý vi phạm rút ngắn được nhiều thời gian so với trình tự quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, phù hợp đặc thù hoạt động xây dựng, hạn chế tối đa tình trạng tổ chức, cá nhân vi phạm có thời gian tiếp tục thi công và hoàn thành công trình xây dựng có vi phạm.
Thực tế triển khai thực hiện cho thấy Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg đã đi vào cuộc sống và đạt những kết quả quan trọng: số vụ vi phạm giảm; ý thức tuân thủ pháp luật trong hoạt động xây dựng của DN, tổ chức và cá nhân được nâng cao; tỷ lệ lập hồ sơ xin cấp phép xây dựng tăng cao, hạn chế được tình trạng xây dựng không phép hoặc sai phép; đặc biệt, tình trạng tái diễn vi phạm mặc dù đã bị xử phạt hành chính ở những công trình kiên cố, công trình có quy mô đầu tư lớn hầu như không còn, góp phần giảm đáng kể số vụ vi phạm phải cưỡng chế tháo dỡ, tiết kiệm nguồn chi lớn cho ngân sách nhà nước và người dân. Qua đó cho thấy hoạt động của lực lượng thanh tra xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn tại TP Hà Nội và TP.HCM là cần thiết, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu thực tế của công tác quản lý nhà nước. UBND TP Hà Nội và TP.HCM đã có văn bản báo cáo, trình Thủ tướng cho phép lực lượng này tiếp tục tồn tại, hoạt động theo Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg; tại một số kỳ họp Quốc hội, cử tri một số tỉnh, thành như Cần Thơ, Bình Thuận cũng đã có văn bản kiến nghị cho phép áp dụng mô hình thanh tra xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn theo Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg tại địa phương.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại lực lượng thanh tra xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn tại TP Hà Nội và TP.HCM trên cơ sở Luật Thanh tra 2010, Bộ Xây dựng đã làm việc với các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu và từ đó đề xuất 4 phương án sắp xếp lại: Phương án 1, tiếp tục thực hiện Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg; Phương án 2, sáp nhập lực lượng thanh tra xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn vào thanh tra huyện thuộc UBND cấp huyện; Phương án 3, sáp nhập lực lượng thanh tra xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn vào một phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (Phòng Quản lý đô thị, Phòng Công Thương hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng); Phương án 4, sáp nhập lực lượng thanh tra xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn vào thanh tra Sở Xây dựng, tổ chức thành các đội Thanh tra xây dựng quận, huyện trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng, đặt tại các quận, huyện của TP Hà Nội và TP.HCM.
Trong 4 phương án nêu trên thì phương án 4 là phương án phù hợp quy định của Luật Thanh tra 2010; phù hợp xu thế cải cách hành chính, không làm tăng thêm đầu mối; không gây xáo trộn về tổ chức; đảm bảo được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như hiệu quả hoạt động của lực lượng thanh tra xây dựng theo tinh thần Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo : Báo Xây dựng
Nguồn: Baoxaydung.com.vn