Ninh Bình: Nông thôn mới thúc đẩy Kim Sơn phát triển ngày càng giàu đẹp

Thứ năm, 16/03/2023 15:12
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt làng quê ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã đổi thay toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao...

Xác định xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thời gian qua, huyện Kim Sơn đã tập trung thực hiện chủ trương này bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

Công tác tuyên truyền được địa phương quan tâm triển khai sâu rộng, đã tạo được những chuyển biến tích cực từ ý chí đến hành động trong toàn thể nhân dân. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa chương trình xây dựng NTM không ngừng được nâng cao; vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư ở nông thôn có sự chuyển biến rõ nét, người dân phấn khởi, tin tưởng, từ đó tích cực chung tay, góp sức tham gia thực hiện thắng lợi các nội dung xây dựng NTM ở khu dân cư.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên, hội viên tham gia thực hiện xây dựng NTM thông qua việc lồng ghép các phong trào do các tổ chức hội phát động.

Xác định cơ sở hạ tầng có vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng cho toàn quá trình phát triển kinh tế - xã hội, do đó việc đầu tư và nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn được các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân quan tâm, nhất là trong đầu tư xây dựng, nâng cấp đường giao thông nông thôn.

Nhờ đẩy mạnh xây dựng NTM, diện mạo huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã đổi thay toàn diện.

Đến nay, 100% số xã đã có đường tới trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn theo quy định; thôn, xóm có đường bằng bê tông, nhựa; các xã đã lắp đặt biển báo, chỉ dẫn giao thông, xây dựng rãnh thoát nước, vỉa hè, lắp đặt đường điện chiếu sáng, trồng đường hoa, cây xanh ven các trục đường và ở các khu dân cư. Toàn huyện hiện có 13,4 km đường hoa; 142 bồn hoa; trồng được 18.670 cây các loại ở địa bàn các xã như: Hồi Ninh, Kim Trung, Quang Thiện, Yên Lộc...

Năm 2022, huyện đã cấp 3.650 triệu đồng cho 22 xã mua xi măng làm đường giao thông nông thôn. Các địa phương trong huyện đã mua được 1.988,9 tấn xi măng để nâng cấp, sửa chữa, làm mới 102 tuyến đường.

Hiện, tổng huy động nguồn lực để thực hiện chương trình xây dựng NTM của Kim Sơn đạt trên 485.869 triệu đồng; vốn Trung ương 29.767 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương 57.780 triệu đồng; vốn huy động nguồn lực trong nhân dân và cộng đồng 156.100 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thơm, người dân xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn, cho biết: "Mỗi sáng thức dậy, bước ra khỏi cổng là con đường đẹp khang trang, tôi cứ ngỡ là mình đang mơ. Từ ngày có NTM về, quê hương tôi đổi thay nhiều quá. Đời sống của người dân chúng tôi nâng lên rõ rệt. Chúng tôi rất cảm ơn các cấp trên rất nhiều..."

Để phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất và dân sinh, hệ thống công trình thủy lợi thường xuyên được đầu tư xây dựng, cải tạo, duy tu bài bản đáp ứng yêu cầu. Diện tích đất sản xuất đất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động, đạt 92,28%. Thủy lợi đảm bảo yêu cầu chủ động về phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ.

Sau hơn 10 năm triển khai xây dựng NTM, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của nhân dân, huyện Kim Sơn đã đạt được một số kết quả quan trọng với 23/23 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 xã đạt NTM nâng cao; 1 xã NTM kiểu mẫu; 33/277 thôn, xóm đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu…

Công tác giáo dục được quan tâm, huyện đã chỉ đạo đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của các cấp học. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học, bậc học được đẩy mạnh. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên không ngừng được nâng cao; việc thực hiện luân chuyển cán bộ quản lý, điều chuyển giáo viên đảm bảo cân đối cơ cấu của các trường để thực hiện tốt nhiệm vụ. Nhờ đó, chất lượng giáo dục, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT của huyện Kim Sơn luôn xếp ở thứ hạng cao trong tỉnh Ninh Bình… Ngoài ra, địa phương còn chú trọng xây dựng phong trào gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, kịp thời động viên, khen thưởng và tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập, rèn luyện tốt. Toàn huyện có 100% số xã đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục theo học các loại hình THPT, trung cấp, học nghề năm 2022 đạt bình quân trên 97%.

Đường giao thông khang trang ở xã NTM nâng cao Yên Lộc (Kim Sơn).

Về lĩnh vực y tế, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, củng cố mạng lưới y tế cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cơ sở vật chất được kiên cố hóa đạt chuẩn, đủ các giường, phòng chức năng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn. 100% các trạm y tế xã đầy đủ trang thiết bị...

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện, đến xã, thôn, xóm đã được xây dựng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí. 100% xã có nhà văn hóa với diện tích từ 300m2 trở lên, quy mô 200 chỗ ngồi trở lên, có sân khấu, các phòng chức năng đầy đủ trang thiết bị theo quy định.

Trong nông nghiệp, địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu mùa vụ, thích ứng với biến đổi khí hậu cho từng nhóm cây trồng chủ lực được xác định, tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển sản xuất đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm đi đôi khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Chăn nuôi trên địa bàn chuyển dịch mạnh theo hướng hàng hóa. Một số xã, thị trấn có các trang trại chăn nuôi lợn, gà với quy mô lớn như: Chất Bình, Như Hòa, Thượng Kiệm, Kim Tân, Kim Mỹ, Bình Minh... Nuôi trồng thủy sản lấy trọng tâm là nuôi trồng thủy sản nước lợ vùng bãi bồi ven biển theo hình thức thâm canh và bán thâm canh với các đối tượng nuôi chính là tôm thẻ, cua rèm, ngao…, có nhiều mô hình sản xuất thâm canh ứng dụng công nghệ cao như sử dụng nhà có mái che nuôi tôm thẻ 3 vụ/năm, hoạt động sản xuất ngao giống, hàu giống, cua xanh đang được các cơ sở quan tâm đầu tư phát triển; đã hình thành một số vùng sản xuất thủy sản nước ngọt tập trung từ 5-20 ha như: Quang Thiện, Như Hòa, Kim Chính, Văn Hải…

Theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2022, trên địa bàn huyện Kim Sơn có tỷ lệ hộ nghèo là 3,42%, hộ cận nghèo là 3,94%. Bình quân thu nhập theo đầu người đạt trên 50 triệu/người/năm.

Đồng chí Trần Anh Khiêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn (Ninh Bình), cho biết: Những năm qua, địa phương đã triển khai chương trình xây dựng NTM một cách quyết liệt, hiệu quả, các nội dung được cụ thể hóa qua các nhiệm vụ trong đó trọng tâm là tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng, thay đổi tư duy sản xuất, đẩy mạnh cơ cấu lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gắn với xây dựng NTM. Để đạt được những thành quả như hôm nay, có sự sâu sát của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, tinh thần đoàn kết, đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân địa phương nên mọi khó khăn, vưỡng mắc luôn được tháo gỡ kịp thời... “Thời gian tới, phát huy những kết quả đã đạt được, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng NTM ở tầm cao hơn, biến mỗi kết quả thiết thực đạt được ngày hôm nay là nền tảng vững chắc để Kim Sơn tiếp tục vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn…” – Phó Chủ tịch Trần Anh Khiêm khẳng định./. 

Nguồn: Dangcongsan.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)