Theo đánh giá của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), hiện nay việc phát triển nông thôn Việt Nam đang gặp nhiều thách thức. Đó là lực lượng lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn, trên 50%, trong đó đa số khó thích nghi với công nghiệp hóa.
Cùng với đó, quy mô sản xuất nông nghiệp của nước ta còn nhỏ và chăn nuôi phát triển chậm. Ngoài ra các nguồn lực, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, dịch vụ nông thôn… còn nhiều hạn chế.
Trong bối cảnh đó, tại “Diễn đàn quốc tế về nông nghiệp nông thôn” mới đây do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức với sự tham gia của nhiều đối tác quốc tế, vấn đề được nhiều đại biểu quốc tế nhắc đến là Việt Nam nên có kế hoạch phát triển nông thôn khác biệt với các khu vực khác nhau.
Ông Steve Jaffee, Điều phối viên Ban Phát triển nông thôn Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, cho rằng, ngay cả trong Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, Việt Nam cũng chỉ xác định một khung chung 19 tiêu chí và triển khai ở khắp tất cả các vùng miền.
Đơn cử như tiêu chí mỗi xã phải có một chợ đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng, tức là có diện tích từ 3.000m² trở lên. Nhiều xã như xã Song Phượng (Huyện Đan Phượng, Hà Nội) tiếp giáp ngay với thị trấn Phùng, người dân ra đây mua bán chỉ một cây số. Nếu xây chợ rộng 3.000m² chỉ để đạt chuẩn nông thôn mới mà không sử dụng hết sẽ rất lãng phí.
“Mỗi một vùng có đặc điểm riêng về điều kiện tự nhiên, mức sống, lợi thế… khác nhau. Có những nơi đường giao thông nông thôn đã được trải nhựa, bê tông nhưng ở những vùng núi như Tây Bắc thì điều kiện hạ tầng rất yếu kém. Do đó chúng ta không chỉ áp dụng một chương trình phát triển cho tất cả các vùng. Một cỡ giày không thể vừa cho tất cả chân” – ông Steve Jaffee chia sẻ.
Chính vì vậy, Việt Nam nên có chương trình phát triển và sự đầu tư riêng cho từng vùng, địa phương. Trong đó, lấy tiêu chí mức độ tiến bộ, cải thiện đời sống dân cư của địa phương đó làm thước đo đánh giá sự phát triển.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đăng Khoa cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ra đời với mục tiêu tạo ra những thay đổi mang tính đột phá cho khu vực nông thôn. Đây là chương trình khung phát triển nông thôn toàn diện trên cơ sở phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng người dân.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, bên cạnh những thành công ban đầu vẫn còn nhiều vấn đề về chính sách và triển khai cần phải được xem xét và điều chỉnh cho phù hợp. Do đó, để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, ngoài sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương, Việt Nam rất mong muốn nhận được sự chia sẻ và giúp đỡ của các tổ chức quốc tế.
Theo : Chinhphu.vn