Hiến nhà để xã làm đường
Người dân thôn Tử Tế, xã Thanh Tân nhắc đến lão nông Trần Xuân Quế như một điển hình trong phong trào toàn dân hiến đất xây dựng NTM ở Thanh Tân. Vì ông đã tự nguyện hiến đất ngôi nhà mình đang ở để mở rộng tuyến đường thôn Tử Tế. Hàng chục năm nay, người dân thôn Tử Tế vẫn quen đi trên con đường bị uốn cong do tránh căn nhà 5 gian của gia đình ông Quế. "Cách đây vài ba chục năm, đường làng ngõ xóm quê tôi chỉ mong sao được cứng hóa là hạnh phúc lắm rồi, chứ mấy ai nghĩ đến chuyện phá nhà để làm thẳng đường đâu", bà Hằng, một người dân thôn Tử Tế nói.
Nhưng từ năm 2009, cùng với 7 xã điểm khác của tỉnh Thái Bình, Thanh Tân bước vào công cuộc xây dựng NTM, mang lại diện mạo mới cho đời sống người dân trong xã. Tiêu chuẩn những con đường nội thôn trong xã giờ đây không chỉ là cứng hóa nữa mà còn phải đảm bảo: "Thẳng - phẳng - đẹp". Vì lẽ đó, khi UBND xã Thanh Tân phát động phong trào: "Toàn dân hiến đất để xây dựng đường giao thông nông thôn", ông Quế đã tình nguyện hiến đất ngôi nhà mình đang ở để xã chỉnh trang, nắn thẳng tuyến đường sau nhà.
Với tinh thần toàn dân chung tay xây dựng NTM, ông Quế đã hiến hơn 30m2 thuộc ngôi nhà của mình để làm đẹp đường làng ngõ xóm. Và, không chỉ riêng gia đình ông Quế mà người dân 7 thôn trong xã đã tự nguyện phá bỏ 1.125m tường bờ bao, 14 cổng xây, 3 bếp cùng với 1.260m2 đất để làm đường. Con em Thanh Tân sống và làm việc ở các nơi cũng chung tay góp hơn 400 triệu đồng giúp quê hương xây dựng nông thôn mới.
Phát huy nội lực
Trong xây dựng NTM ở Thanh Tân, lãnh đạo xã đặc biệt chú trọng đến việc phát huy nội lực, chủ động xây dựng NTM của chính quyền địa phương. Ông Bùi Mạnh Hà - Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: "Khi chúng tôi xây dựng NTM thì không có một hình mẫu nào để học hỏi kinh nghiệm. Qua nghiên cứu Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Chính phủ cũng như sự chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Bình, chúng tôi áp dụng vào Thanh Tân một cách chủ động và đề cao tính sáng tạo trong đó".
Trong xây dựng NTM, các đơn vị tư vấn được thuê thiết kế các công trình, tuy nhiên về quy mô, vị trí các công trình theo quy hoạch là hoàn toàn do xã Thanh Tân quyết định, trên cơ sở những tiêu chí xây dựng NTM và phù hợp với đặc điểm của địa phương. "Điều này là rất quan trọng, vì nó thể hiện việc xây dựng NTM là "sản phẩm" của chính địa phương", Chủ tịch Hà nhận định.
Đảm bảo công cuộc xây dựng NTM, Thanh Tân phát động nhiều phong trào như: "Mỗi người dân trong xã đóng góp 1 ý tưởng xây dựng NTM", "Góp đất làm đường nội đồng", "Sáng tác bài hát về xây dựng NTM ở quê hương Thanh Tân"... đến nay, Thanh Tân đã có 8 bài hát do chính những người con của địa phương sáng tác, để cổ vũ công cuộc xây dựng, kiến thiết quê hương.
Nông thôn đổi mới, trước tiên và giữ vai trò quan trọng là đổi mới trong nhận thức và trong các thiết chế đời sống, sinh hoạt văn hóa, tinh thần hàng ngày. Mỗi thôn của Thanh Tân đều xây dựng điểm một mô hình về đưa nếp sống văn minh vào đời sống. Những mô hình điểm như: "Đổi mới trong đám cưới, đám tang", "Gia đình thuận hòa”, "Gia đình xếp đồ gọn gàng ngăn nắp"... đang nhận được sự ủng hộ, tham gia của nhiều gia đình các thôn và sẽ được nhân rộng ra toàn xã trong thời gian tới.
Đến cuối tháng 12/2011 này, Thanh Tân đã đón gần 300 đoàn từ các nơi trong cả nước về thăm quan, học hỏi cách thức, bước đi trong xây dựng NTM. Chủ tịch Hà cho biết: "Các nơi về Thanh Tân chủ yếu là để tham khảo cách làm trong xây dựng NTM, vì về hạ tầng, vật chất, Thanh Tân không thể bằng so với một số địa phương khác". Năm 2010, khi về thăm Thanh Tân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tỏ ra vui mừng trước những thành quả mà xã đạt được và nhấn mạnh rằng Thanh Tân là một mô hình để các địa phương khác học tập xây dựng NTM.
Theo Báo Xây dựng điện tử