Hòa Bình: Xây dựng nông thôn mới đồng bộ, bền vững

Thứ sáu, 23/12/2011 08:38
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Hòa Bình với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhân dân và các nguồn lực khác trong thời gian qua đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của tỉnh.

Để xây dựng NTM, tỉnh Hòa Bình đã chọn 11 xã ở 11 huyện, TP triển khai thí điểm mô hình NTM để từ đó làm cơ sở, rút kinh nghiệm nhằm tiếp tục triển khai các địa phương khác. Tỉnh cũng luôn huy động sức dân tham gia xây dựng NTM theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Hiện tỉnh đã có 133/191 xã đang lập đề án xây dựng NTM cấp huyện, TP, 191 xã (đạt 100%) thành lập BQL cấp xã và 70% thôn, xóm, bản đã thành lập ban phát triển thôn, 160/191 xã đã hoàn thành triển khai thực hiện Chương trình, trong đó: 5 xã (2,61%) đạt từ 8 - 10 tiêu chí, 20 xã (10,47%) đạt từ 5 - 7 tiêu chí, 166 xã (86,91%) đạt được 4 tiêu chí.

Tính đến thời điểm này toàn bộ 11/11 xã điểm của tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch. Trong tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung như: Vùng cây ăn quả ở các huyện Lương Sơn, Lạc Thuỷ, Kim Bôi, vùng mía nguyên liệu ở Kỳ Sơn, Tân Lạc, Cao Phong, vùng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao ở Tân Lạc, Lạc Sơn, Lương Sơn, vùng rau sạch ở TP Hoà Bình...

Với tổng nguồn ngân sách Trung ương phân bổ năm 2011 là 28.038 tỷ đồng, UBND tỉnh đã giao dự toán chi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011 cho các huyện và TP để thực hiện. Ngoài ra, việc lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn được triển khai khá đồng bộ: Dự án vệ sinh môi trường của Sở Y tế: 566,98 triệu đồng; chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường: 20,35 tỷ đồng; chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa: 11,469 tỷ đồng; dự án hỗ trợ phổ cập mầm non, xóa mù chữ, phổ cập tiểu học và THCS: 6,48 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh Hòa Bình vẫn còn một số mặt hạn chế: Công tác tuyên truyền trong nhân dân chưa sâu rộng, đa số người dân và cán bộ cơ sở còn chưa hiểu đầy đủ về phương pháp tổ chức, cách làm xây dựng NTM nên còn hiện tượng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước. Đối với cấp xã, một số cấp ủy, chính quyền chưa hiểu và nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của triển khai thực hiện chương trình. Nhiều địa phương chưa phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM.

Trong điều kiện của một tỉnh nghèo, để hoàn thành chương trình xây dựng NTM, trong thời gian tới, đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập quy hoạch xây dựng NTM, tăng cường vận động, tuyên truyền sâu rộng trong dân cư nông thôn để từng người dân hiểu và tự giác tham gia vào xây dựng NTM... Đặc biệt, phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn, để chương trình NTM sẽ trở thành con đường thoát nghèo cho nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)