Hàng năm, đến mùa lũ, nước từ sông Ngàn Sâu, sông La, sông Cả (Nghệ An) đổ về làm cho 7 xã ngoài đê La Giang là: Trường Sơn, Liên Minh, Đức Châu, Đức Quang, Đức La, Đức Tùng, và Đức Vịnh ngập chìm trong nước. Người dân phải chống chọi với lũ lụt, sau đó đến dịch bệnh và môi trường ô nhiễm. Với kinh nghiệm chống lũ, sống chung với lũ, các cấp chính quyền và nhân dân vùng ngoài đê La Giang đang tiến hành quy hoạch đất đai, quy hoạch phương án sản xuất, đặc biệt là đối phó với biến đổi khí hậu phù hợp cho người dân sinh sống, sinh hoạt và sản xuất.
Các xã ngoài đê La Giang có tổng diện tích tự nhiên khoảng hơn 5.000 ha trên tổng diện tích huyện Đức Thọ 21.000ha. Dân số ước trên 30.000 người, đông nhất là xã Trường Sơn. Đời sống nhân dân xã ngoài đê còn gặp nhiều khó khăn, các dịch vụ chưa phát triển, sản xuất còn manh mún lại chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, lũ lụt. Ông Thái Văn Do - Bí thư xã Trường Sơn dẫn chúng tôi đi xem những vùng đất quy hoạch trên địa bàn xã và hồ hởi nói: Người dân chúng tôi sống với lũ quen rồi, thôn nào cũng xây dựng phương án “bốn tại chỗ”, khi mưa lũ, chính quyền huy động lực lượng đưa người và gia súc, gia cầm đến nơi an toàn. Rất ít có thiệt hại về người và gia súc, gia cầm. Chúng tôi đang quy hoạch những vùng chuyên sản xuất lúa hàng hóa, lạc và sản xuất đúng thời vụ, tránh những rủi ro khi lũ về.
Trường Sơn là một trong những xã nằm giữa ngã ba sông La, Sông Cả, có trên 2.000 hộ dân với hơn 9.000 nhân khẩu. Trường Sơn có diện tích tự nhiên 814 ha, trong đó đất nông nghiệp 328 ha. Với một xã thường xuyên bị lũ lụt, thiên tai, chính quyền địa phương xác định phải đảm bảo vệ sinh môi trường đặc biệt là nguồn nước, xử lý rác thải và quy hoạch khu nghĩa trang phù hợp để không ảnh hưởng đến đời sống dân sinh khi lũ qua. Nhiều địa phương, sau lũ là ô nhiễm môi trường và dịch bệnh xảy ra. Thế nhưng, với xã Trường Sơn thì không có dịch bệnh, bởi xã đã có hệ thống nước sạch phục vụ được trên 1.500 hộ dân của 15 thôn. Nhà máy nước có công suất cao đáp ứng đủ nguồn nước sạch cho các hộ. Cùng với hình thành hệ thống nước sạch, Trường Sơn thành lập Tổ vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, quy hoạch 2 bãi rác tập trung. Các thôn, xóm, đường làng lúc nào cũng sạch sẽ không có rác hay xác của động vật. Đi trên những con đường sạch sẽ đến khu trung tâm, nào trường học, trạm y tế và các trụ sở làm việc của khối cơ quan, tổ chức đều được xây dựng kiên cố với nhà cao tầng để tránh lũ. Gặp những người làm trong Tổ vệ sinh môi trường đang thu gom rác thải đẩy từng chiếc xe tập kết rác về bãi rác; xa xa, những tốp người hối hả làm giao thông thủy lợi nội đồng bắt đầu cho vụ Đông Xuân sắp tới, gợi không khí tấp nập, hối hả làm việc của nhân dân xã Trường Sơn.
Do nằm giữa ngã ba sông, nên trong chương trình xây dựng NTM, Trường Sơn quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích hơn 46 ha tại các vùng Bàu Sơn, Bói, Rấy, Bàu Sau, Cựa Mương, Đồng Trưa, Nương Vàng… Gần 29 ha vùng trồng lạc và một số cây công nghiệp ngắn ngày như: vùng Cựa Rào, Gát, Cơn Đa… Đây là những vùng đất quy hoạch sản xuất lạc chất lượng và thu hoạch trước mùa lũ. Ngoài ra, Trường Sơn còn quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, những vùng làng nghề phát triển gắn với môi trường sông nước như: làng nghề đóng thuyền Trường Xuân với 170 hộ tham gia, có 8 xưởng đóng thuyền, mỗi xưởng từ 20 đến 30 lao động. Làng nghề truyền thống khai thác Hến bên sông La với hàng trăm hộ khai thác, vừa tạo việc làm cho nguồn lao động ở địa phương, vừa bảo tồn được nét văn hóa của làng nghề truyền thống lâu đời. Hiện tại, Trường Sơn có 7 tiêu chí đạt chuẩn tiêu chí NTM, trong đó tiêu chí mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm đạt 17 triệu đồng. Trường Sơn phấn đấu về đích NTM vào năm 2015.
Ông Trần Hoài Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đức Thọ tâm sự: Hiện nay, tất cả các xã ngoài đê đều xây dựng nhà chống lũ. Đó là mô hình chuồng chăn nuôi gia súc làm hai gác với diện tích rộng 50m2 đến 60m2 ở trên gác của các nhà tránh lũ, đáp ứng cho việc sinh hoạt như thuốc men, lương thực, thực phẩm khi nước lũ dâng cao. Các xã đã có đề án xây dựng NTM mới như Trường Sơn, Đức La, Đức Châu, Đức Quang đều quy hoạch từng vùng có diện tích 3 ha với từng mô đất rộng 100m2, đây là vùng tránh lũ tập trung khi nước dâng cao. Ngoài ra, các xã Trường Sơn, Đức La, Đức Châu, Đức Quang đều đã quy hoạch khu nghĩa trang riêng biệt tránh sự ô nhiễm môi trường.
Huyện Đức Thọ đã trích ngân sách 189 triệu đồng, mua 135 tấn xi măng hỗ trợ 27 xã làm cột mốc chỉ giới quy hoạch giao thông NTM. Các công trình hạ tầng được xây dựng với trên 112 công trình các loại, thuộc 26 xã, tổng kinh phí 378,754 tỷ đồng. Hơn 1.000 hộ dân hiến 108.415 m2 đất làm giao thông và các công trình khác. Nhằm khuyến khích các địa phương trong phong trào xây dựng NTM, Đức Thọ có chính sách hỗ trợ cho mỗi xã 100 tấn xi măng làm 1 km đường giao thông nội đồng và 20 tấn xi măng làm 1 km kênh mương cứng.
Với những việc làm thiết thực gắn với thực tiễn, nhu cầu sinh hoạt việc xây dựng các nhà tránh lũ, các công trình tránh lũ, ngoài ra, nhân dân các xã ngoài đê La Giang sắm thuyền nan vượt lũ, đó là những phần việc mà các cấp chính quyền và nhân dân đang làm đáp ứng được cuộc sống vùng sông nước. Trong tiến trình xây dựng NTM, chính quyền các cấp quy hoạch những vùng đất sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp đảm bảo tránh lũ lụt thiên tai. Phong trào xây dựng NTM phù hợp với đời sống kinh tế văn hóa đang khơi dậy sức sống mới các xã ngoài đê La Giang huyện Đức Thọ./.
Theo TTXVN/Vietnam+