Chương trình nhà ở TP.HCM giai đoạn 2006 - 2010

Thứ ba, 03/01/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người từ 10,6 m2/người hiện nay lên 14 m2/người vào năm 2010, bình quân mỗi năm xây dựng triệu m2 nhà ở và nâng quỹ nhà ở kiên cố từ 20 lên 40%; hoàn thành cơ bản việc di dời, tái định cư dân ven và trên kênh rạch nội thành, cải thiện điều kiện ở tại các khu nhà lụp xụp, ít nhất là 15.000 hộ gắn với chỉnh trang đô thị; tạo quỹ nhà cho người có thu nhập thấp, nâng cấp nhà ở khu vực nông thôn của Thành phố để cơ bản không còn nhà tạm bợ là 3 mục tiêu chính của Chương trình nhà ở - một trong 5 chương trỉnh hành động trọng tâm của UBND TP.HCM giai đoạn HĐND TP.HCM thông qua trong kỳ họp mới đây.
Để thực hiện các mục tiêu này, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng đã đề xuất 2 chương trình dự kiến sẽ triển khai trong giai đoạn 2006 - 2010. Thứ nhất là Chương trình di dời, tái định cư cho các hộ dân sống ven và trên kênh rạch với nguốn vốn chủ yếu dựa trên cơ sở cân đối nguồn vốn ngân sách, lập kế hoạch hàng năm để di dời và tái định cư, ưu tiên thực hiện ở các khu vực bị ô nhiễm nặng gắn với các dự án giảm ngập và thoát nước. Thứ hai là Chương trình xây dựng, cải tạo và sửa chữa nhà ở gắn với chỉnh trang đô thị các khu dân cư có nhiều nhà lụp xụp dự kiến, Thành phố mỗi năm phải thực hiện cải tạo, sửa chữa cho 18.000-19.000 căn hộ, đồng thời xây dựng nhà ở cho cán bộ, công nhân viên, người có thu nhập thấp với nhu cầu khoảng 182.000 căn hộ - chiếm 30% tổng số lao động của Thành phố cần giải quyết, xây dựng thêm 80.000 căn hộ chung cư để bán và cho thuê, trong đó nhà ở cho công nhân khoảng 10.000 căn hộ, xây mới khoảng 40.000 căn hộ, cải tạo sửa chữa 25.000 căn hộ ở nông thôn…
Góp ý cho giải pháp thực hiện các chương trình trên, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, đối với nhà ở phục vụ các chương trình dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội thì Nhà nước cần nắm vai trò chủ đạo và không nên trông đợi quá nhiều vào các doanh nghiệp. Lý do là các doanh nghiệp cần phải kinh doanh, vốn thực hiện chủ yếu là vốn vay, nên trong quá trình thực hiện luôn phải tính toán đến hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn, trong khi, muốn xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp thì yêu cầu tiên quyết là giá thành phải hạ, thời gian thanh toán kéo dài… Điều này lý giải vì sao, Chương trình nhà ở cho người có thu nhập thấp dù được Thành phố có chủ trương kêu gọi suốt 10 năm nay mà vẫn chưa có DN nào chịu triển khai.
Để giải quyết vướng mắc này, một số chuyên gia thuộc Hiệp hội Bất động sản đề xuất, Thành phố cần ban hành cơ chế, chính sách đầu tư như ban hành chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở thuộc thẩm quyền Thành phố và kiến nghị Chính phủ miễn tiền sử dụng đất đối với đất xây dựng nhà ở thuộc chương trình này. Đồng thời, Thành phố nên dùng ngân sách để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội, hỗ trợ lãi suất để nhà đầu tư bỏ vốn giải phóng mặt bằng và xây lắp. Ngoài ra, cần dành quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để tăng thêm quỹ đất thực hiện chương trình. Về đối tượng mua nhà, cũng cần xây dựng chính sách tài chính phù hợp, như chính sách cho vay, trả góp…
Bên cạnh đó, việc hạ giá thành xây dựng cũng là yếu tố cần phải tính đến để giá đầu ra phù hợp cho các đối tượng thu nhập thấp. Muốn vậy thì việc ứng dụng khoa học - công nghệ mới trong xây dựng nhà cao tầng, kết hợp phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng theo quy mô cấp vùng cũng là điều cần phải tính đến.
Mặt khác, cần cải tiến thủ tục đầu tư xây dựng theo hướng nhanh chóng, thuận lợi, công khai, minh bạch, chính xác, đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước, chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực, tham nhũng trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư, xây dựng. Nói cách khác, một khi các giải pháp được triển khai đồng bộ thì Chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp mới có thể thật sự phát huy hiệu quả như mong muốn.

Nguồn tin: Báo Đầu tư, ngày 30/12/2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)