Nước ta hiện có 6 công trình quan trọng cấp nhà nước gồm đường Hồ Chí Minh; chương trình 5 triệu ha rừng; nhà máy thủy điện Sơn La; tổ hợp khí - điện - đạm Cà Mau; dự án khí - điện - đạm Bà Rịa - Vũng Tàu và Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Hầu hết những công trình quốc gia này đều khởi công hoặc đã phát huy hiệu quả trong năm 2005, tiếp tục tỏa sáng trong năm 2006 và nhiều năm sau nữa.
Thủy điện Sơn La: đột phá kinh tế Tây Bắc
' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.2153.198' /> |
Công trình thủy điện Sơn La đang xây dựng. |
Sau hơn 20 năm kể từ ngày lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, ngày 2-12-2005, Thủ tướng Chính phủ đã bấm nút nổ mìn chính thức ngăn sông Đà, khởi công xây dựng công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á - Nhà máy Thủy điện Sơn La. Công trình có tổng vốn đầu tư 42,4 ngàn tỷ đồng; công suất 2.400 MW với sản lượng điện phát ra tương đương 50% tổng sản lượng điện phát ra của Nhà máy thủy điện Hòa Bình và 10 nhà máy thủy điện khác trong cả nước cộng lại.
Công trình có 3 mục tiêu quan trọng: cấp điện cho cả nước; cung cấp nước cho hơn 20 triệu người vùng đồng bằng Bắc bộ và đặc biệt, dự án còn góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, tạo cú huých nâng GDP bình quân đầu người ở Tây Bắc vào năm 2010 gấp 2,8 lần và năm 2020 gấp 6,6 lần so với năm 2000. Điểm đáng tự hào là công trình này hoàn toàn do thợ Việt Nam xây dựng. Không những thế, thời gian hoàn thành công trình dự kiến sẽ là năm 2012, sớm hơn 3 năm so với kế hoạch Quốc hội giao, góp phần tiết kiệm cho đất nước khoảng 50 triệu USD.
Lọc dầu Dung Quất: nói không với biến động xăng dầu
Trải qua hơn 7 năm vật lộn với hàng loạt khó khăn, chậm tiến độ so với kế hoạch Quốc hội giao, cuối năm qua, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chính thức được khởi công xây dựng. Năm 2009, khi hoàn thành, công trình có tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD này sẽ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu trong nước về xăng dầu. Như vậy, lần đầu tiên nước ta sản xuất được xăng dầu và với nguồn dầu thô phong phú, chúng ta có thể nói không với những biến động về xăng dầu trên thị trường thế giới.
Khi đi vào hoạt động, Dung Quất sẽ góp phần hình thành một ngành công nghiệp mới tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn, có trình độ công nghệ tiên tiến; tạo cơ sở cho phát triển công nghiệp hóa dầu - một lĩnh vực có khả năng sinh lợi cao và đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho phát triển nhiều ngành công nghiệp khác.
Đường Hồ Chí Minh, con đường khai phá miền Tây
' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.2153.199' /> |
Cầu Dakrông trên đường Hồ Chí Minh. |
Giai đoạn I đường Hồ Chí Minh dài hàng ngàn km đi qua 10 tỉnh từ Hòa Bình đến Kon Tum đã hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng. Giai đoạn II của con đường xuyên Việt thứ hai có tổng vốn đầu tư ban đầu lên tới hơn 33.000 tỷ đồng này đang được khẩn trương triển khai. Tổng chiều dài tuyến đường là 3.167km trong đó tuyến chính dài 2.667km, tuyến nhánh phía Tây dài 500km; điểm đầu của tuyến là Pắc Bó Cao Bằng và điểm cuối của tuyến đường là Đất Mũi Cà Mau. Đến năm 2010, sẽ nối thông đường từ Pác Pó đến Đất Mũi với quy mô hai làn xe.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, tuyến đường này sẽ là trục dọc Bắc-Nam chính yếu trong tương lai, phá bỏ thế độc đạo của tuyến quốc lộ 1A hiện nay, giải quyết tình trạng ách tắc giao thông trong mùa mưa lũ đồng thời là hành lang quan trọng phía Tây góp phần đảm bảo ổn định chính trị và an ninh quốc phòng của đất nước.
5 triệu ha rừng: để dân có thể sống khỏe
' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.2153.200' /> |
Rừng mới trồng ở huyện Krông Bông Đắc Lắc trong chương trình 5 triệu ha rừng. |
Có một điểm chung giữa các công trình quan trọng quốc gia, đó là những công trình vốn đầu tư rất lớn, có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ với nền kinh tế mà còn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của đông đảo người dân. Chương trình 5 triệu ha rừng không nằm ngoài mục đích ấy.
Sau 7 năm thực hiện, chương trình đã huy động được các tầng lớp nhân dân, thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng. Trên 5.800 tỷ đồng đã được đầu tư cho chương trình trong thời gian qua. góp phần cải thiện đáng kể đời sống của hàng triệu người gắn với rừng.
Vũng Tàu - trung tâm khí - điện - đạm lớn nhất nước
Tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội cuối năm vừa qua, Chính phủ đã đưa ra một đề nghị rất đáng tự hào: đề nghị công nhận hoàn thành Dự án khí - điện - đạm Bà Rịa - Vũng Tàu. Với tổng vốn đầu tư khoảng 6.095 triệu USD. Sau 9 năm thực hiện, nhiều công trình quan trọng trong Dự án đã được triển khai và hoàn thành mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực cho đất nước. Hệ thống các công trình trên bờ như Trung tâm phân phối khí với công suất 6,5 - 7 tỷ m3/năm; Kho cảng Thị Vải, Nhà máy chế biến khí hóa lỏng Dinh Cố; Nhà máy đạm Phú Mỹ, Trung tâm điện lực Phú Mỹ v.v… đã được xây dựng và đưa vào vận hành.
' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.2153.201' /> |
Nhà máy điện Phú Mỹ 2-2 thuộc Trung tâm Điện lực Phú Mỹ BR-VT. |
Hình thành trung tâm điện - khí lớn nhất cả nước gồm 6 nhà máy điện, với tổng công suất 3.875 MW, chiếm gần 40% công suất hệ thống điện cả nước. Đặc biệt, nhà máy đạm Phú Mỹ đã tiết kiệm được 40 triệu USD trong quá trình xây dựng, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần bình ổn giá phân đạm trong thời gian qua.
Khí điện đạm Cà Mau: mang ánh sáng cho cực Nam Tổ quốc.
Để tạo động lực, khai phá kinh tế - xã hội tại cực Nam Tổ quốc, tháng 12-2002, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 14, giao Chính phủ chịu trách nhiệm triển khai xây dựng Cụm khí - điện - đạm Cà Mau tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Tổng số vốn đầu tư ban đầu của dự án là 1.107 triệu USD và hiện đang được đề nghị nâng tổng mức đầu tư vì nhiều lý do khác nhau.
Hàng năm nhà máy sẽ sử dụng khoảng 850 triệu m3 khí. Do bị chậm tiến độ, nên dự kiến Nhà máy điện Cà Mau 1 chu trình đơn với công suất 505 MW sẽ được vận hành để cung cấp 505 MW vào tháng 3-2007 kịp thời góp phần chống thiếu điện vào mùa khô. Hiện Chính phủ đang tích cực chuẩn bị để triển khai dự án Nhà máy điện Cà Mau 2.
Nguồn tin: Báo SGGP, ngày 01/01/2006