Thanh tra Bộ Xây dựng

Thứ năm, 01/12/2022 11:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Vị trí và chức năng

Thanh tra Bộ Xây dựng (sau đây gọi tắt là Thanh tra Bộ) là tổ chức thuộc Bộ Xây dựng, giúp Bộ trưởng thực hiện các quy định của pháp luật về công tác thanh tra; tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ và thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Thanh tra Bộ chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác tổ chức và nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra Bộ có con dấu riêng, có tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ và quyền hạn

1.Nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra Bộ:

a) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trình cấp có thẩm quyền ban hành; kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước ngành Xây dựng;

b) Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ đối với các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

c) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ Xây dựng theo quy định của pháp luật;

d) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

đ) Kiến nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ hành vi trái pháp luật của tổ chức, cá nhân khi có đủ căn cứ xác định hành vi vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân;

e) Giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện quản lý trật tự xây dựng; đình chỉ xây dựng hoặc đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo đình chỉ xây dựng và xử lý vi phạm hoặc thu hồi, hủy giấy phép xây dựng khi phát hiện việc cấp giấy phép xây dựng không đúng theo quy định hoặc công trình xây dựng vi phạm các quy định về quản lý trật tự xây dựng;

g) Giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật;

h) Thực hiện nhiệm vụ là cơ quan đầu mối tham mưu, giúp việc về công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm ngành Xây dựng theo quy định của pháp luật;

i) Thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra theo quy định của pháp luật;

k) Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ về thanh tra chuyên ngành cho Thanh tra Sở Xây dựng và cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thanh tra chuyên ngành Xây dựng tại các Bộ, ngành, địa phương; hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng thực hiện quy định của pháp luật về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;

l) Báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất kết quả các lĩnh vực công tác với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Tổng Thanh tra Chính phủ, các cơ quan khác theo quy định và khi có yêu cầu;

m) Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý của Thanh tra Bộ theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng;

n) Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước được phân bổ, thực hiện quản lý các hoạt động có thu theo quy định của pháp luật;

p) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng giao.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng:

a) Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thanh tra hành chính đối với các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và công tác thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;

b) Xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra sau khi được phê duyệt;

c) Quyết định thanh tra hoặc trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

d) Trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền việc thành lập các đoàn thanh tra, cử Thanh tra viên, trưng tập cộng tác viên thanh tra thực hiện thanh tra theo quy định của pháp luật;

đ) Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng tạm đình chỉ việc thi hành quyết định của tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ Xây dựng khi có căn cứ cho rằng các quyết định đó trái pháp luật hoặc gây ảnh hưởng đến hoạt động thanh tra;

e) Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; phối hợp với Thủ trưởng cơ quan, tổ chức trong việc xem xét trách nhiệm, xử lý người có hành vi vi phạm thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó;

g) Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng giải quyết những vấn đề về công tác thanh tra, xử lý sau thanh tra theo quy định của pháp luật; trường hợp kiến nghị đó không được chấp nhận thì báo cáo Tổng thanh tra Chính phủ;

h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng theo quy định của pháp luật;

i) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng giao.

Cơ cấu tổ chức

1. Các đơn vị trực thuộc:

a) Phòng Tổng hợp;

b) Phòng Thanh tra xây dựng 1;

c) Phòng Thanh tra xây dựng 2;

d) Phòng Thanh tra xây dựng 3;

e) Phòng Tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo;

g) Phòng Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giám sát, xử lý sau thanh tra.

Các phòng có cấp trưởng, một số cấp phó và các công chức chuyên môn, nghiệp vụ với định biên phù hợp nhu cầu nhiệm vụ công tác của Thanh tra Bộ theo từng thời kỳ.

Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cấp trưởng, cấp phó các đơn vị trực thuộc Thanh tra Bộ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

2. Lãnh đạo Thanh tra Bộ

a) Thanh tra Bộ có Chánh Thanh tra và các Phó chánh Thanh tra;

b) Chánh Thanh tra và Phó chánh Thanh tra do Bộ trưởng Bộ Xây dựng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của Đảng và pháp luật;

c) Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra có trách nhiệm lập kế hoạch công tác cho từng giai đoạn, xác định nhu cầu biên chế của Thanh tra Bộ; xây dựng và ban hành quy chế làm việc của Thanh tra Bộ; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng đơn vị trong Thanh tra Bộ và tuân thủ các quy định của pháp luật và báo cáo Bộ trưởng;

d) Chánh Thanh tra chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật về toàn bộ hoạt động của Thanh tra Bộ; Phó chánh Thanh tra chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra và pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

 

Nguồn: Quyết định 1168/QĐ-BXD ngày 01/12/2022

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)