Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt là định hướng và động lực quan trọng để từng bước quy hoạch hệ thống đô thị, khu vực nông thôn trong tỉnh ngày càng phù hợp và hiện đại hơn. Với lợi thế nằm ở trung tâm Đồng bằng Bắc Bộ, những bước đi chiến lược trong phát triển quy hoạch sẽ tạo đà để tỉnh trở thành một trong những đô thị hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
Đô thị phía Tây thành phố Bắc Ninh được quy hoạch, xây dựng đồng bộ.
Theo phương án quy hoạch được phê duyệt, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh được định hướng phát triển dựa trên ba nguyên tắc: tạo động lực phát triển kinh tế, phát triển xã hội và môi trường bền vững; dành quỹ đất hợp lý để đầu tư xây dựng các công trình công cộng, khu công viên, khu vui chơi giải trí, công viên sinh thái...; phát triển đô thị gắn với phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch, bán lẻ và giải trí cùng các không gian xanh, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị. Đô thị Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050 tiếp tục phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Hình thành các khu vực đô thị tập trung theo mô hình cấu trúc phát triển TOD, hạt nhân là các trung tâm không gian công cộng đô thị gắn với các tổ hợp công trình đa năng, quảng trường, có vành đai đô thị, chức năng dịch vụ, sản xuất, nhà ở… phù hợp với Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc gia giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, phát triển thành phố Bắc Ninh trở thành đô thị thông minh, đô thị lớn trong vùng Thủ đô, có sức cạnh tranh mạnh mẽ với các đô thị khác trong nước và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Hướng tới mục tiêu tỉnh Bắc Ninh là trọng tâm kinh tế thuộc vùng trọng điểm phía Đông và Đông Nam Vùng Thủ đô Hà Nội, nối Thủ đô Hà Nội với các cảng biển Bắc Bộ và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 65% vào năm 2025 và hơn 75% vào năm 2030. Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bắc Ninh có 8 đô thị, các khu vực phát triển đô thị tập trung, theo định hướng trở thành quận trong tương lai, được giới hạn bởi các vành đai xanh và nêm xanh để hạn chế sự phát triển lan tỏa liên tục của các khu vực đô thị...
Không gian sống xanh, tiện ích tại Khu nhà ở Viglacera KCN Yên Phong.
Đặc biệt, quá trình đô thị hóa tại Bắc Ninh được xác định không chỉ là sự mở rộng không gian đô thị mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thông qua các dự án phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng và bảo vệ môi trường. Việc triển khai các khu đô thị mới theo tiêu chuẩn hiện đại, gắn liền với việc phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu du lịch sinh thái, sẽ là nền tảng quan trọng để tỉnh đạt được các mục tiêu đã đề ra. Đây là những mục tiêu lớn và cụ thể, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đồng thời công tác quy hoạch phải đi trước một bước, bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả cao.
Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc - Xuân Lâm (thị xã Thuận Thành) đang được xây dựng góp phần tăng tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn.
Trên cơ sở định hướng phát triển hệ thống đô thị tại Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện tại, Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức lập quy hoạch chung cho các đô thị mới, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện và điều chỉnh chương trình phát triển đô thị của tỉnh. Việc lập quy hoạch chung cho các đô thị mới không chỉ giúp định hình hướng phát triển của từng khu vực mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Đồng thời, việc điều chỉnh chương trình phát triển đô thị và chương trình phát triển của các địa phương sẽ là cơ sở để lập các đề án nâng loại đô thị, thành lập thị xã, thành phố và triển khai đầu tư xây dựng theo chương trình, đề án và quy hoạch đã được phê duyệt.
Bên cạnh một số địa bàn có tốc độ đô thị hoá cao như thành phố Bắc Ninh, Từ Sơn, thị xã Quế Võ… theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, mục tiêu trong giai đoạn ngắn hạn đến năm 2025, tỉ lệ đô thị hóa toàn tỉnh sẽ đạt trên 65%, đến năm 2030, tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%. Cùng với việc quy hoạch đô thị, tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc quy hoạch khu vực nông thôn. Phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn sẽ tập trung vào việc phát triển nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với đặc trưng của tỉnh. Việc phát triển quy hoạch nông thôn phù hợp, hiện đại không chỉ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn mà còn hướng tới đô thị hóa bền vững. Các trung tâm cụm xã khu vực nông thôn có tỉ lệ lao động phi nông nghiệp và mật độ dân số cao sẽ được quy hoạch hướng tới hình thành các khu vực đô thị hóa. Điều này giúp gắn kết giữa đô thị và nông thôn, tạo nên một hệ thống lãnh thổ đồng bộ và bền vững.
Quá trình thực hiện quy hoạch tỉnh Bắc Ninh cũng đối mặt với không ít thách thức, nhất là việc đồng bộ hóa giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành liên quan. Đồng thời, việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cũng là một thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng.
Bên cạnh những thách thức, tỉnh có nhiều cơ hội lớn trong quá trình thực hiện quy hoạch. Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm gần các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Hải Phòng và các khu công nghiệp lớn trong vùng, tỉnh Bắc Ninh có điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, sự đồng thuận và ủng hộ của người dân, cùng với sự quan tâm của Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ là động lực quan trọng để Bắc Ninh thực hiện thành công quy hoạch tỉnh trong lĩnh vực xây dựng; mở ra một trang mới cho sự phát triển của tỉnh.
Triển khai Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã hoàn thành công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng huyện và quy hoạch chung các đô thị theo quy định của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Với mục tiêu rõ ràng và chiến lược phát triển hợp lý, Bắc Ninh đang từng bước tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với hệ thống đô thị và nông thôn phát triển bền vững, hiện đại và phù hợp với yêu cầu của thời đại.