Chiều 15/7, Đoàn giám sát số 1 của Quốc hội do đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm Trưởng Đoàn có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh về thực hiện chính sách, pháp luật quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023.
Đoàn Giám sát thăm mô hình nhà ở xã hội tại huyện Yên Phong.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2015-2023, tỉnh đã ban hành 44 văn bản quản lý trong lĩnh vực bất động sản, phát triển nhà ở xã hội và chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu, ban hành hơn 1.560 văn bản liên quan.
Các văn bản bảo đảm tính đồng bộ, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nhà ở xã hội, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Toàn tỉnh đã và đang triển khai xây dựng 212 dự án bất động sản, trong đó, 167 dự án nhà ở thương mại với hơn 29.000 căn hộ có quy mô hơn 756 ha. Ngoài ra có 54 dự án nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp với diện tích 173 ha, khi hoàn thành sẽ đáp ứng hơn 77.000 căn hộ cho khoảng 231.000 người…
Quang cảnh buổi làm việc.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng nêu rõ, các dự án nhà ở xã hội đã phát triển nhưng không theo kịp nhu cầu của đối tượng là công nhân, người có thu nhập thấp; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án chậm, việc tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi còn nhiều khó khăn; quy định về thẩm định giá bán, cho thuê, mua nhà ở xã hội chưa phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý chưa rõ ràng, chế tài xử lý không đầy đủ, dẫn đến các giao dịch bất động sản trên thị trường khó kiểm soát hay xác định giá thực tế giao dịch...
Để nâng cao hiệu quả chính sách nhà liên quan đến các dự án nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Đoàn giám sát báo cáo với các cấp có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung một số quy định, cơ chế để sớm ban hành hướng dẫn chuyển tiếp cụ thể đối với các trường hợp đã lựa chọn nhà đầu tư qua hình thức đấu giá mà chưa làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về nhà ở.
Cùng với đó, bổ sung điều kiện đối tượng được thuê nhà ở xã hội; các quy định bắt buộc về quy mô, tỷ lệ diện tích đất thương mại, dịch vụ trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp; cơ chế, chính sách ưu đãi chủ đầu tư liên quan đến quản lý, vận hành đầu tư xây dựng kỹ thuật hạ tầng xã hội đồng bộ trong các dự án nhà ở xã hội quy mô lớn…
Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao tỉnh Bắc Ninh đã tích cực, chủ động có chủ trương, chính sách thúc đẩy thị trường bất động sản, nhà ở xã hội phát triển.
Tiếp thu các kiến nghị của tỉnh, tổng hợp và báo cáo cụ thể với Quốc hội, đồng chí Vũ Hồng Thanh yêu cầu tỉnh tập trung hoàn thiện báo cáo trước ngày 19/7, trong đó tập trung làm rõ các nội dung như tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, thị trường bất động sản công nghiệp; tình trạng chuyển nhượng các dự án bất động sản; vướng mắc trong công tác lập quy hoạch; công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu nhà trọ do người dân tự phát triển. Những kết quả trong việc kiểm tra, xử lý hiện tượng trục lợi chính sách phát triển nhà ở xã hội; kết quả giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp bất động sản, dự án nhà ở xã hội…
Đoàn Giám sát khảo sát thực tế tại huyện Yên Phong.
Sáng cùng ngày, Đoàn Giám sát của Quốc hội đã đi khảo sát thực tế tại khu đô thị Him Lam, phường Đại Phúc (thành phố Bắc Ninh); khu nhà ở xã hội của Tổng Công ty Viglacera (khu công nghiệp Yên Phong) và làm việc với một số doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong quá trình thực hiện các dự án bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.