Đối với mô hình phát triển đô thị đa trung tâm, người đứng đầu chính quyền Thành phố cho biết trong quy hoạch từ nay đến năm 2030, TPHCM giữ đơn vị hành chính, đô thị như hiện nay. Giai đoạn này, Thành phố thực hiện nhiệm vụ gia tăng nội lực của các đô thị này, định hình rõ nét 'thành phố trong thành phố' đối với TP. Thủ Đức.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giải trình ý kiến các đại biểu - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Sáng 22/6, tại kỳ họp thứ 16 (kỳ họp chuyên đề) HĐND TPHCM khóa X, các đại biểu đã biểu quyết thông qua hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo hồ sơ trên, mục tiêu tổng quát của quy hoạch TPHCM là hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, là đầu tàu về kinh tế xanh, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ. Thành phố cũng đề ra mục tiêu có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước. Quy hoạch đặt chỉ tiêu đến năm 2030, tăng trưởng kinh tế đạt 8,5 – 9 %; GRDP đầu người đạt 14.800 - 15.400 USD/người; tỉ trọng kinh tế số chiếm 40% GRDP.
TPHCM giữ kịch bản hướng tới mô hình cấu trúc đô thị đa trung tâm trong tương lai. Thành phố lựa chọn phương án hình thành 5 đô thị vệ tinh là 5 huyện ngoại thành, một đô thị khác là TP. Thủ Đức và khu vực đô thị trung tâm hiện hữu gồm 16 quận. Theo UBND TPHCM, phương án này có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện của thời kỳ quy hoạch và phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của địa phương.
Trong thời kỳ quy hoạch, TPHCM cũng đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết. Cụ thể, Thành phố cần hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện để tạo ra bước chuyển có tính đột phá trong thực hiện quy hoạch. Địa phương cũng hướng tới phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao hiệu quả quá trình công nghiệp hóa và thúc đẩy dịch vụ hóa, đẩy mạnh các mô hình kinh tế đổi mới sáng tạo.
TPHCM cũng hướng đến xây dựng đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế. Công tác quy hoạch của TPHCM cần được nâng cao chất lượng, thích nghi với biến đổi khí hậu và kết cấu hạ tầng phải đồng bộ, hiện đại.
Địa phương cũng đưa ra 3 khâu đột phá liên quan việc hoàn thiện thể chế, chính sách, mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả quản trị; đột phá trong huy động các nguồn lực; đột phá trong phát triển công nghệ cao, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược.
Các đại biểu dự kỳ họp - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Phấn đấu 5 huyện ngoại thành đạt ít nhất đô thị loại III
Tiếp thu và giải trình ý kiến của đại biểu, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, trong thời kỳ quy hoạch, TPHCM phấn đấu đến năm 2030 đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 8,5%-9%. Đây là tỉ lệ tăng trưởng rất thách thức, tuy nhiên, TPHCM sẽ phấn đấu và có kịch bản, kế hoạch để đạt được mục tiêu; phấn đấu giai đoạn sau năm 2030 sẽ đưa tăng trưởng của TPHCM lên 2 con số.
"TPHCM sẽ có kế hoạch cụ thể, trong đó xác định các danh mục đầu tư trọng điểm, có những giải pháp đột phá bố trí nguồn lực xứng đáng để thực hiện. Đi kèm với đó là sửa đổi cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển", ông Mãi khẳng định.
Đối với mô hình phát triển đô thị đa trung tâm, người đứng đầu chính quyền Thành phố cho biết trong quy hoạch từ nay đến năm 2030, TPHCM giữ đơn vị hành chính, đô thị như hiện nay. Giai đoạn này, Thành phố thực hiện nhiệm vụ gia tăng nội lực của các đô thị này, định hình rõ nét thành phố trong thành phố đối với TP. Thủ Đức. Đối với 5 huyện, TPHCM sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để 5 huyện này đạt được các tiêu chuẩn đô thị, ít nhất là phải đạt được đô thị loại 3.
Đến giai đoạn 2030-2040, TPHCM sẽ tổ chức thành 5 vùng đô thị gồm đô thị trung tâm; TP. Thủ Đức; vùng đô thị khu Nam gồm Quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh); khu Tây Bắc gồm huyện Củ Chi, một số vùng có liên quan của Hóc Môn, Bình Chánh; khu Tây Nam gồm một phần huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Quận 12. Còn riêng huyện Cần Giờ sẽ nghiên cứu tiếp.
Đồng thời, TPHCM sẽ tiếp tục nghiên cứu mô hình "thành phố trong làng, làng trong thành phố" theo gợi ý của Thủ tướng để cụ thể hóa trong quy hoạch này.