Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Cùng với các nguồn lực, ngân sách, Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy một nguồn lực rất lớn, rất ý nghĩa những năm qua luôn đổ về Thành phố một cách bền bỉ, đó là kiều hối.
Các thống kê chính thức cho thấy lượng kiều hối về Thành phố năm 2023 đạt 9,46 tỷ USD, cao hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gấp gần 3 lần. Riêng trong quý I/2024, kiều hối về Thành phố lập kỷ lục mới khi đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Thông tin trên được ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại tọa đàm "Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng" do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 23/4.
Nan giải bài toán thiếu vốn
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, thành phố là một siêu đô thị với trên 10 triệu dân, nhu cầu về hạ tầng, từ hạ tầng giao thông, đến trường học, bệnh viện, nhà ở, công viên… là rất lớn và không ngừng tăng lên.
Làm thế nào để đáp ứng tốt nhu cầu, nâng cao chất lượng môi trường và đời sống người dân là trách nhiệm mà Thành phố phải giải quyết.
Một khu chung cư tại phường 7, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
"Để thực hiện được bài toán này, đòi hỏi phải huy động được nguồn lực tổng hợp đủ lớn là không hề dễ dàng bởi cần sự đầu tư tương xứng. Nếu có thể phát huy tốt nguồn lực kiều hối, nắn dòng kiều hối vào hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, an sinh xã hội… chắc chắn sẽ tạo ra bước chuyển mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Bùi Xuân Cường khẳng định.
Theo ông Bùi Xuân Cường, thành phố đang đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nghiên cứu triển khai nhiều kênh đầu tư phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con kiều bào và thân nhân an tâm đầu tư cho sự phát triển chung của thành phố và đất nước.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu về nguồn vốn đầu tư rất lớn. Điển hình như Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn giai đoạn 2020-2030, thành phố đã tính toán cần kinh phí khoảng 970.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án, trong đó, vốn ngân sách khoảng 400.000 tỷ đồng, các nguồn vốn khác như ODA, PPP là hơn 570.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2022-2025, tổng kinh phí cho dự án đầu tư trọng điểm phát triển cơ sở hạ tầng tại Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến là 243.000 tỷ đồng; trong đó, dự án đầu tư xây dựng metro ước 103.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 43%.
Trong khi đó, ngân sách được phê duyệt hàng năm cho các dự án hạ tầng nội đô chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng.
Chia sẻ nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng các chương trình về nhà ở xã hội, cải tạo chung cư, di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, hạ tầng đô thị…, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện ngân sách Thành phố chỉ bố trí được khoảng 10% tổng kinh phí xây dựng nhà ở xã hội; với chương trình hạ tầng đô thị, nhu cầu bổ sung vốn trung hạn giai đoạn 2021- 2025 ở lĩnh vực thoát nước gần 30.000 tỷ đồng, lĩnh vực cây xanh cần bổ sung 15.6000 tỷ đồng; lĩnh vực chiếu sáng cần 600 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, ông Huỳnh Thanh Khiết cũng đề xuất tạo điều kiện thông thoáng hơn để các thành phần kinh tế được tham gia vào đầu tư xây dựng các công trình, dự án. Riêng các trường hợp PPP rất khó thực hiện và hầu như chưa triển khai nhiều trong lĩnh vực mà Sở quản lý.
Đề xuất phát hành trái phiếu thu hút kiều hối
Để giải quyết bài toán thiếu vốn cho hạ tầng, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các sở ngành tin rằng nguồn vốn kiều hối về Việt Nam không chỉ rất lớn mà còn ổn định và liên tục tăng trưởng rất mạnh, kể cả trong cao điểm dịch COVID-19.
Tuy nhiên, kiều hối được sử dụng chủ yếu cho tiêu dùng, đầu tư vào các lãnh vực bất động sản, công nghiệp, nông nghiệp, trong khi hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không, đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác ngày một xuống cấp, cần hiện đại hóa và cần được đầu tư mạnh mẽ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Từ quan điểm trên, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính-Bất động sản Toàn Cầu cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần hướng dòng kiều hối vào hạ tầng thông qua việc phát hành trái phiếu.
Ước tính, trên thế giới có khoảng 5,5 triệu kiều bào thu nhập bình quân 20.000 USD/năm, tương đương khoảng 100 tỷ USD/năm.
Trước đây, kiều bào đổ tiền về nước thường gửi USD tại ngân hàng để lấy lãi suất. Tuy nhiên nhiều năm qua, ngân hàng trả lãi suất tiền gửi USD ở mức 0% nên kiều bào không còn mặn mà gửi về.
"Do đó, cần có kế hoạch phát hành trái phiếu cho kiều bào tại nhiều nước có thu nhập cao và có khả năng đóng góp cho việc phát triển Thành phố cần được nghiên cứu và triển khai càng sớm càng tốt" - tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Ở góc độ quản lý kinh tế, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng các giải pháp phát hành trái phiếu địa phương, xây dựng hạ tầng... không phải là giải pháp mới mà để Thành phố định hướng dòng kiều hối chảy vào xây dựng hạ tầng cần phải thông tin tuyên truyền để người dân có sự lựa chọn phù hợp, từ đó có thể nắn dòng kiều hối vào nơi mong muốn.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ quản trị kinh doanh, kiều hối là nguồn vốn không phải tuân thủ các điều kiện vay, nguyên tắc hoàn trả như các nguồn vốn ngoại tệ khác như nguồn vốn vay trả nợ nước ngoài; nguồn vốn ODA; đầu tư trực tiếp nước ngoài…
Ở góc độ quản lý kinh tế vĩ mô, nếu nguồn kiều hối này được tập trung và sử dụng hiệu quả thì tác động thúc đẩy và hỗ trợ đối với tăng trưởng nền kinh tế sẽ lớn hơn nhiều.
"Trong quá trình đó, sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối sẽ là giải pháp bền vững, tác động trở lại để thu hút nguồn kiều hối tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới," ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh.
Liên quan đến phát hành trái phiếu địa phương thu hút kiều hối, Tiến sỹ Trần Du Lịch cũng chỉ ra 2 kênh huy động là: trái phiếu công trình và trái phiếu dự án.
Ngoài ra, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) với chức năng công ty đầu tư tài chính nhà nước có thể lập quỹ đầu tư cho từng dự án lớn với nhiều nguồn huy động, trong đó có nguồn kiều hối.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong quý 1/2024, lượng kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh đạt hơn 2,86 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng không thể huy động kiều hối một cách đơn lẻ mà phải qua các định chế, với vai trò khởi xướng của nhà nước, đảm bảo an toàn để thu hút kiều hối. Điều đầu tiên mà nhà đầu tư kiều hối cần là đảm bảo an toàn, tiếp đến là tỷ lệ sinh lời, tạo được thanh khoản có thể giao dịch, chuyển nhượng.
Đồng thời đề nghị Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh thông qua tọa đàm cố gắng đề xuất thí điểm một số định chế như trên, trong đó nhấn mạnh vai trò của HFIC phải là người mở đường, tiên phong./.