Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, một số ngành hàng tiêu biểu như xi măng, thép, sứ vệ sinh, kính xây dựng, gạch ốp lát đều tiêu thụ lượng lớn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng trong quá trình sản xuất. Việc xanh hóa ngành vật liệu xây dựng đang là hành trình tất yếu mà các doanh nghiệp phải lựa chọn nhằm hạn chế phụ thuộc vào tài nguyên khan hiếm, bảo vệ môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững trên thị trường.
Sản suất đá tại Mỏ đá Lũng Cái Đay (Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Dụ, huyện Bình Gia). Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Thời gian qua khi giá năng lượng như than đá, điện, khí đốt đều tăng cao, sự tốn kém cho những chi phí này cũng đã thúc đẩy các doanh nghiệp nhận thực tốt hơn về phát triển bền vững, thực thi theo những tiêu chuẩn nhất định để đáp ứng yêu cầu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Theo khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), 17,5% số doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng đang ở giai đoạn lập kế hoạch thực thi ESG; 59,3% số doanh nghiệp đã lập kế hoạch và triển khai một phần cam kết; 23,2% số doanh nghiệp còn lại đã lập kế hoạch và triển khai toàn diện cam kết ESG. Theo đó, trong ba yếu số E-S-G, yếu tố G (Governance - Quản trị doanh nghiệp) đang được các doanh nghiệp ưu tiên thực hiện với tỷ lệ 41,1% số doanh nghiệp lựa chọn; theo sau là hai yếu tố E (Environmental - Môi trường) và S (Social - Xã hội) với tỷ lệ lần lượt 36,8% và 22,1%.
Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho hay, việc thực hành ESG hay những cam kết về phát triển bền vững không còn là lựa chọn của doanh nghiệp mà đã trở thành bắt buộc khi thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng thuế phát thải carbon theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Cơ chế này ban đầu sẽ áp dụng cho các ngành phát thải cao nhất có nguy cơ rò rỉ cao nhất - như sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, hydro, điện - và sẽ được mở rộng sang các ngành khác theo lộ trình. Là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU,
Việt Nam hiện có bốn nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực sang thị trường EU là nhôm, thép, xi măng và phân bón. Đặc biệt, riêng các sản phẩm từ sắt thép chiếm 96% giá trị của bốn mặt hàng xuất khẩu này. Thực hiện cơ chế CBAM, trong dài hạn, sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các doanh nghiệp Việt có nhu cầu xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU.
Ngay từ bây giờ để nâng cao khả năng cạnh tranh toàn diện theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh trong chiến lược kinh doanh. Thách thức lớn nhất hiện nay đó là Việt Nam chưa có khung hành lang pháp lý về xây dựng cơ chế định giá carbon rõ ràng nên doanh nghiệp sản xuất khó xác định phải trả thuế, phí bao nhiêu trên mỗi tấn khí CO2.
Trong khi đó, việc xác định thuế, phí khí thải sẽ phải tính đủ thuế, phí khí CO2 trực tiếp và gián tiếp. Sự cạnh tranh càng khốc liệt hơn nếu như các doanh nghiệp trong nước chưa thực hiện đầu tư lắp đặt các công nghệ thu hồi, giảm phát thải mà vẫn còn sử dụng nhiên liệu truyền thống (thải nhiều khí CO2 có thuế, hoặc phí khí thải carbon cao hơn), dẫn tới chi phí cho sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU sẽ tăng lên.
Bên cạnh đó, theo ông Vinh, nhiều cơ hội kinh doanh mới cũng đang mở ra. Bởi có thể trong vài năm tới, nhiều quốc gia khác như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng sẽ áp dụng cơ chế thu thuế khí CO2 đối với hàng nhập khẩu.
Như vậy, phạm vi ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam tới các thị trường trọng điểm trên thế giới sẽ rộng hơn và thị trường mua bán tín chỉ carbon càng sôi động, cũng như cơ hội kinh doanh thành công cho dự án thu giữ, sử dụng tuần hoàn và lưu trữ khí thải carbon (CCUS) cũng sẽ lớn hơn. Do vậy, việc sớm xây dựng và ban hành khung pháp lý về áp dụng cơ chế định giá carbon là cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh chiến lược kinh doanh, thay thế dần năng lượng truyền thống bằng năng lượng sạch và áp dụng các công nghệ thu hồi, giảm thiểu khí thải CO2.
Cơ chế CBAM của EU một lần nữa cũng cho thấy những quy định, tiêu chí ngày càng chặt chẽ hơn trên phạm vi toàn cầu nhằm gắn chặt hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế với vấn đề bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặc dù quá trình chuyển đổi xanh của EU tạo ra lộ trình từng bước để doanh nghiệp có thể dần thích ứng, nhưng quỹ thời gian không còn nhiều khi có những quy định sẽ áp dụng ngay từ năm 2024 hoặc năm 2025.
Vì thế, các doanh nghiệp không nên chờ đợi đến khi EU bắt đầu áp dụng, mới gấp rút ứng phó mà ngay từ bây giờ nên chủ động chuyển đổi sang sản xuất xanh; cần đưa ra lộ trình cụ thể, huy động và tìm kiếm nguồn lực, tìm kiếm sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan nhằm đáp ứng các yêu cầu của CBAM.