Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, cho biết, dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh là một dự án phức tạp, nhiều vướng mắc. Dự án này đã được thu hồi và Thành phố đang triển khai các khâu để làm thủ tục đấu thầu mới.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Sáng 2/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, UBND Thành phố tổ chức hội nghị kiểm tra kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2024, đồng thời giải quyết kiến nghị của UBND TP. Thủ Đức, Quận 1, Quận 7, huyện Cần Giờ.
Năm 2024, UBND TP. Thủ Đức được giao 29 chỉ tiêu chủ yếu và 27 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. UBND Quận 1 có 32 chỉ tiêu và 35 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. UBND Quận 7 có 37 chỉ tiêu và 20 nhiệm vụ trọng tâm. UBND huyện Cần Giờ có 18 chỉ tiêu và 8 nhiệm vụ trọng tâm; 336 đầu mục công việc theo chương trình công tác.
Về kế hoạch thực hiện các công trình, dự án được giao vốn đầu tư công, các địa phương đã xây dựng đầy đủ kế hoạch thực hiện các công trình, dự án được giao vốn đầu tư công, đặt ra mục tiêu giải ngân theo từng quý.
Cụ thể, TP. Thủ Đức được giao 253 dự án với kế hoạch vốn hơn 3.690 tỷ đồng; dự kiến tỉ lệ giải ngân quý I, II, III và cả năm lần lượt đạt 5%, 15%, 22% và 99%. Quận 1 được giao 29 dự án với kế hoạch vốn hơn 290 tỷ đồng; dự kiến tỉ lệ giải ngân đạt lần lượt trên 10%, trên 30%, trên 70% và trên 95%.
Quận 7 được giao 14 dự án với kế hoạch vốn 167 tỷ đồng; dự kiến tỉ lệ giải ngân lần lượt đạt 10%, 30%, 50% và 95%. Huyện Cần Giờ được giao 327 dự án với kế hoạch vốn hơn 1.030 tỷ đồng; dự kiến tỉ lệ giải ngân lần lượt đạt 13%, 43%, 67% và 99,83%.
Khu "từ giác vàng" nhìn từ trên cao
Khởi động lại dự án tứ giác Nguyễn Cư Trinh
Tại Hội nghị, UBND Quận 1 kiến nghị Chủ tịch UBND TPHCM giải quyết 12 nội dung. Trong đó, tháo gỡ vướng mắc trong việc mời gọi nhà đầu tư đối với dự án tứ giác Nguyễn Cư Trinh.
Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, còn được gọi là Khu Mả Lạng, có vị trí ở trung tâm TPHCM, được bao quanh bởi 4 tuyến đường gồm Cống Quỳnh - Nguyễn Trãi - Nguyễn Cư Trinh - Trần Đình Xu. Với việc nằm giữa khu vực sôi động, đông đúc, nơi đây được mệnh danh là "tứ giác vàng" của TPHCM.
Năm 2000, UBND TPHCM đã có chủ trương giải tỏa khu vực này để xây dựng khu phức hợp gồm nhiều công trình như văn phòng, thương mại, dịch vụ, bệnh viện, trường học, căn hộ... Đến năm 2006, Công ty Sản xuất kinh doanh - Xuất nhập khẩu Bình Minh (nay là Tập đoàn Bitexco) được chấp thuận làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, từ đó đến nay, khu vực triển khai dự án vẫn gần như "bất động".
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM trả lời các kiến nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Trả lời kiến nghị của Quận 1, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, cho biết, dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh là một dự án phức tạp, nhiều vướng mắc và trải qua nhiều thời kỳ. Dự án này đã được thu hồi và Thành phố đang triển khai các khâu để làm thủ tục đấu thầu mới.
Bà Mai nói thêm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 liên quan đến công tác đấu thầu. Sau khi có nghị định này, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan nhằm sớm triển khai đấu thầu, đưa vào đầu tư dự án và chỉnh trang khu vực này.
Cũng tại Hội nghị, UBND Quận 7 đề nghị Sở GD&ĐT, Sở Xây dựng nghiên cứu để gỡ vướng đối với việc đầu tư cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Theo đó, trước đây quy định chỉ có 6-8m² đất/học sinh, nay thông tư mới của Bộ GD&ĐT nâng lên thành 10-12m² đất/học sinh.
Việc nâng chuẩn này làm ảnh hưởng lớn đến việc xây mới các trường, nhất là ở khu vực trung tâm khó có đủ quỹ đất để đầu tư trường đúng theo quy định mới. Bởi lẽ, khi trường cũ được xây dựng lại, diện tích tăng lên đồng nghĩa với số lớp giảm 50%, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân.
Đối với vấn đề này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, lãnh đạo Thành phố đã nhận thấy vướng mắc trong triển khai Thông tư 13 của Bộ GD&ĐT từ sớm và đã có hướng tháo gỡ. Theo đó, Thành phố thống nhất chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với những diện tích đất công ở các quận, huyện được quy hoạch khác nhưng muốn sử dụng vào mục đích y tế, giáo dục và thực hiện theo quy trình rút ngắn. Về việc này, Sở Xây dựng sẽ thông tin cụ thể đến các địa phương.