TS. Vũ Đình Ánh cho rằng tăng thẩm quyền cho HĐND và UBND TP. Hà Nội trong quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, định giá đất, đấu giá đất, đền bù giải phóng mặt bằng,… là yếu tố quyết định tăng cường hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Hà Nội đang tập trung tổ chức lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065; phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Bên cạnh đó, lập Quy hoạch Thủ đô nhằm tổ chức, phân bổ, sắp xếp không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; khai thác, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Cần nguồn vốn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng
TS. Vũ Đình Ánh cho biết, kinh nghiệm cho thấy có 3 nguồn vốn chủ yếu được huy động để thực hiện việc đầu tư phát triển đô thị. Trong đó, có đầu tư từ ngân sách nhà nước; Vốn huy động trong nước (qua hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp, phát hành trái phiếu, thu từ đất,…; Vốn huy động nước ngoài (các khoản vay quốc tế, phát hành trái phiếu quốc tế, đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
Do hạn chế về quy mô ngân sách nhà nước nên phần lớn nguồn vốn đầu tư phát triển đô thị ở nước đang phát triển châu Á được huy động từ nước ngoài (chủ yếu là vốn vay ODA) và các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, do Hà Nội còn thiếu kết cấu hạ tầng, chất lượng kết cấu hạ tầng hiện có chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nên nguồn vốn cần để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là rất lớn, vượt ra khỏi khả năng của ngân sách địa phương, thậm chí của ngân sách Trung ương.
Hơn nữa, kết cấu hạ tầng trong quy hoạch Thủ đô lại rất đa dạng, thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong thời gian dài trong khi không phải kết cấu hạ tầng nào cũng có khả năng hoàn vốn hay có thể đánh giá được hiệu quả kinh tế (hiệu quả xã hội thường được dùng để biện minh cho những kết cấu hạ tầng không thể làm rõ có hiệu quả kinh tế hay không song lại càng làm cho các tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư kết cấu hạ tầng thêm mù mờ, theo đó, vừa gây khó khăn cho việc huy động vốn cho kết cấu hạ tầng, vừa khó kiểm tra, giám sát hiệu quả của việc sử dụng những đồng vốn đã huy động được đó).
Thêm vào đó, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn liên quan đến phân cấp ngân sách nhà nước, cả phân cấp giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cũng như phân chia trách nhiệm giữa quản lý vốn đầu tư và quản lý vốn duy tu bảo dưỡng kết cấu hạ tầng.
Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn gắn bó chặt chẽ với chính sách vay và quản lý nợ công. Vì vậy, quan điểm xuyên suốt là phải đa dạng hóa các nguồn lực tài chính phát triển Hà Nội dựa trên: Loại 1, 100% vốn đầu tư ngân sách nhà nước; Loại 2, 100% vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước (vay ODA, tín dụng nhà nước, trái phiếu chính phủ, doanh nghiệp nhà nước); Loại 3, 100% vốn ngoài ngân sách nhà nước (doanh nghiệp trong nước, FDI từ vốn tự có và vay tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp); Loại 4, hỗn hợp các nguồn vốn trên.
Cần có cơ chế tạo nguồn lực cho đô thị, khai thác hiệu quả không gian đô thị
TS. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, đối với nguồn vốn từ đất, Hà Nội thực hiện mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). HĐND Thành phố quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ.
Đối với vùng phụ cận các nhà ga, các nút giao thông, UBND Thành phố được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội so với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng đối với khu vực đô thị hiện hữu.
UBND Thành phố tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đáp ứng các điều kiện: Thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất theo trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai; Có diện tích đất do Nhà nước quản lý trong khu đất thực hiện dự án; Đất chưa được giải phóng mặt bằng. Phần diện tích đất do Nhà nước quản lý trong các khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án không phải thực hiện thủ tục sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Hội đồng nhân dân Thành phố được quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha do HĐND Thành phố quy định.
Tăng cường hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai
Đối với vốn từ đất đai, riêng nhu cầu vốn để đầu tư thực hiện quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 đã lên tới 8,2 triệu tỉ đồng. Trong đó cần 5,5 triệu tỉ đồng (66%) để đầu tư hạ tầng kỹ thuật và 2,7 triệu tỉ đồng (34%) để phát triển hạ tầng xã hội. Dự kiến phải mất 15 năm để huy động vốn đầu tư toàn xã hội vào công cuộc xây dựng đô thị theo đúng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 mà vốn đầu tư công chỉ có thể giải quyết khoảng 3% nhu cầu đầu tư hạ tầng. Chính vì vậy, cần có cơ chế để tạo nguồn lực cho đô thị, đặc biệt là cơ chế khai thác hiệu quả từ không gian đô thị, chuyển đổi không gian đô thị, định giá và nắm bắt được giá trị gia tăng của đất đai, giá trị của không gian đô thị trong quá trình đầu tư tái thiết, xây dựng thương hiệu đô thị.
TS. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho hay, kinh nghiệm phát triển đô thị trên thế giới cho thấy đô thị cần động viên được nguồn lực tại chỗ để phát triển thay vì chờ ngân sách Trung ương, đặc biệt là nguồn lực đất đai đô thị. Cần chuyển nguồn thu chính dựa vào giá trị đất đai từ cơ chế Nhà nước thu hồi đất sang thu từ thuế bất động sản và thu từ giá trị tăng thêm của đất do phát triển đô thị mang lại. Cơ chế chuyển dịch đất đai cần chuyển hẳn sang cơ chế góp/tái điều chỉnh đất đối với mọi dự án đầu tư sinh lợi và tất cả các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị.
Diện nhà nước thu hồi đất chỉ nên áp dụng đối với các dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng mà không có khả năng sinh lợi, nhưng phải giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thỏa đáng đối với mọi thiệt hại do thu hồi đất gây ra. Theo Bộ Tài chính, giai đoạn năm 2000 - 2020, các địa phương chỉ tập trung vào việc thu tiền sử dụng, tiền thuê đất, thu một lần khi Nhà nước thu hồi và giao đất (chiếm 68%), thu thuế phí khi chuyển nhượng đất (chiếm khoảng 17%), thu tiền cho thuê đất (chiếm khoảng 13%).
Chính sách, cơ chế về tài chính qui định tại Điều 21 Luật Thủ đô 20121: 1. Thủ đô được huy động vốn đầu tư trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân và các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật; 2. Dự toán chi ngân sách của Thủ đô được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác được áp dụng cho các thời kỳ ổn định; 3. Thủ đô được sử dụng các khoản thu ngân sách Trung ương vượt dự toán (trừ khoản thu thuế GTGT hàng nhập khẩu; Khoản chênh lệch thu, chi của ngân hàng nhà nước; Khoản thu không giao Thủ đô quản lý thu, không phát sinh trên địa bàn Thủ đô nhưng hạch toán nộp ở Thủ đô); 4. Đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi do Hà Nội quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ ngân sách Trung ương cho ngân sách Thủ đô để triển khai thực hiện cho từng dự án…
TS. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, thể chế và chính sách phát huy vai trò của các nguồn vốn thực hiện quy hoạch Thủ đô cần dựa trên nguyên tắc phân cấp phân quyền cao nhất với mức độ ưu đãi cũng như tính đặc thù cao nhất.
Bên cạnh đó, thể chế và chính sách phát huy vai trò nguồn vốn tài chính, đất đai thực hiện quy hoạch Thủ đô cần bảo đảm quyền tự chủ cao nhất cho HĐND và UBND TP. Hà Nội trong quyết định khai thác, phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính trong và ngoài ngân sách nhà nước trên cơ sở tăng mạnh cả quy mô ngân sách địa phương, số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, thu ngân sách địa phương đô thị đặc thù và vay nợ của ngân sách địa phương ít nhất suốt giai đoạn 2025 - 2035.
Bên cạnh đó, Thủ đô được dành những ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Thành phố, đặc biệt là các ngành công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tăng thẩm quyền cho HĐND và UBND TP. Hà Nội trong quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, định giá đất, đấu giá đất, đền bù giải phóng mặt bằng,… là yếu tố quyết định tăng cường hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai.