Dự án nhà máy ô-tô Thành Công Việt Hưng tại Khu công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long đang được thi công.
Đây cũng là con số kỷ lục về thu hút FDI của tỉnh từ trước tới nay và là thành quả của quá trình không ngừng nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong việc hoàn thiện Quy hoạch tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo dựng niềm tin vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tận dụng lợi thế là địa phương đầu tiên thuộc vùng đồng bằng sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ninh đã quyết liệt triển khai các giải pháp để thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư FDI.
Các giải pháp được tỉnh tập trung là khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch...
Quy hoạch đồng bộ
Từ các quy hoạch chiến lược, Quảng Ninh đã xác lập tầm nhìn dài hạn, gắn với xây dựng quy hoạch đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch chung với quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, có định hướng, chiến lược cụ thể với sự tham gia của các tư vấn hàng đầu quốc tế.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Quy hoạch Quảng Ninh được xây dựng trên quan điểm phù hợp chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"; giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức, nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Tổ chức không gian phát triển hợp lý nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ, phát huy thế mạnh của từng địa phương, của tỉnh; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc.
Năm 2023, Quảng Ninh đã thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 25 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 3,13 tỷ USD; điều chỉnh tăng vốn ba dự án với số vốn tăng thêm 28,86 triệu USD. Đáng chú ý, các dự án FDI được thu hút vào địa bàn tỉnh ngày càng có chất lượng cao, tập trung vào những ngành nghề tỉnh hết sức quan tâm, chú trọng.
Những tháng cuối năm 2023, tỉnh thu hút được hai dự án FDI có quy mô vốn đầu tư lớn là dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam với vốn đăng ký hơn 1,5 tỷ USD và dự án Nhà máy Lite-on Quảng Ninh với vốn đăng ký 690 triệu USD.
2023 cũng là năm đầu tiên Quảng Ninh đón nhận dòng vốn đầu tư từ châu Âu với dự án của Công ty trách nhiệm hữu hạn Autoliv Việt Nam (nhà đầu tư Thụy Điển) có tổng mức đầu tư 154 triệu USD tại Khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên.
Mới đây, Tập đoàn Jinko Solar - một trong những doanh nghiệp sản xuất tấm quang năng lớn nhất trên thế giới - tiếp tục đầu tư dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD. Cùng với dự án công nghệ tế bào quang điện và hai dự án công nghiệp tấm silic tại Khu công nghiệp Sông Khoai, dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam đã nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn này trên địa bàn tỉnh lên hơn 2,5 tỷ USD.
Ông Trần Kinh Vĩ, Tổng Giám đốc vận hành toàn cầu Tập đoàn Jinko Solar cho biết: Với dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam, Quảng Ninh đã trở thành địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi dây chuyền sản xuất của tập đoàn trên phạm vi toàn cầu. Các nhà máy đang hoạt động tại Quảng Ninh hiện chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm sản xuất của tập đoàn tại nước ngoài. Sự hỗ trợ hiệu quả, thực chất, kịp thời của tỉnh là yếu tố quyết định để tập đoàn tiếp tục lựa chọn Quảng Ninh là địa điểm đầu tư thời gian tới.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Không chỉ khởi sắc về số vốn đăng ký đầu tư, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh dần đi vào hoạt động ổn định và có những đóng góp quan trọng cho kinh tế-xã hội của tỉnh và cả nước.
Mục tiêu của Quảng Ninh là tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, có tiềm năng khác biệt, tạo giá trị gia tăng lớn, ưu tiên các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh và du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại. Và để làm được điều này, quan trọng hơn là phải chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Theo dự báo, giai đoạn tiếp theo từ năm 2024-2025, nhu cầu nhân lực của Quảng Ninh tiếp tục tăng mạnh, khoảng hơn 28 nghìn người; giai đoạn 2026-2030 cần tuyển thêm khoảng 76 nghìn lao động (tương ứng mỗi năm cần thêm gần 14.900 lao động để đáp ứng nhu cầu nhân lực).
Cùng với sự tăng nhanh của nguồn vốn đầu tư vào tỉnh, việc cung cấp lực lượng lao động cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang thách thức rất lớn khi ngày càng có nhiều đơn vị đã, đang và sẽ lựa chọn Quảng Ninh là địa điểm xây dựng và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Quảng Ninh lựa chọn ưu tiên ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh. Cùng với đó, định hướng chuyển dịch kinh tế từ "nâu" sang "xanh" cũng đặt ra bài toán về nguồn nhân lực rất lớn. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Quảng Ninh đều đang "khát nhân lực" trình độ cao trong các ngành như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; logistics, dịch vụ, du lịch, tài chính, ngân hàng, thương mại quốc tế, nuôi trồng thủy sản...
Theo các chuyên gia, đây đều là những ngành, nghề mà Quảng Ninh đang có định hướng đẩy mạnh phát triển, nhằm mục tiêu đưa địa phương trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế; trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước vào năm 2030.
Và Quảng Ninh xác định không nên coi nguồn lao động giá rẻ là lợi thế thu hút đầu tư mà phải chú trọng đến nguồn lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản, đáp ứng các tiêu chuẩn cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ, xuất, nhập khẩu.
Đến nay, địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 169 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 11,66 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang đầu tư vào 16 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu cả về số dự án và vốn đầu tư đăng ký (chiếm 42,4% tổng vốn FDI), tiếp theo là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước (chiếm 36% tổng vốn FDI).