Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố "xanh - thông minh - hiện đại" - Ảnh: VGP/Minh Anh
Phát triển đô thị Hà Nội trở thành thành phố "xanh – thông minh – hiện đại"
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, triển khai Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025" cho biết, năm 2023, Ban Chỉ đạo Chương trình đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình số 03 của Thành ủy bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Ban Chỉ đạo Chương trình đã thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chủ trì thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình thông qua các cuộc họp để kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ về đầu tư, bố trí nguồn vốn thực hiện công tác hạ ngầm cáp điện lực, viễn thông; rà soát chỉ tiêu đầu tư xây dựng chợ và phát triển khu Outlet quy mô lớn; phân công cụ thể cho các đơn vị có liên quan đến nguồn vốn để thực hiện đấu thầu lại và thi công các hạng mục còn lại của gói thầu số 3 Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá và các nội dung khác có liên quan đến dự án.
Đối với các chỉ tiêu khác, các đơn vị chủ trì thường xuyên tổ chức họp rà soát, đánh giá và kịp thời có báo cáo UBND thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đến nay, đã hoàn thành 4 chỉ tiêu lớn.
Đó là, đã hoàn thành 3 trung tâm thương mại: Vin Ocean Park tại huyện Gia Lâm, Vinsmart City tại quận Nam Từ Liêm, Lotte Mall tại Tây Hồ. Hoàn thành chỉ tiêu với 4 không gian, tuyến phố đi bộ: Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 - Bitexco; không gian đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây; không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang; khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã.
Ông Võ Nguyên Phong cho biết, hiện nay, Ban Chỉ đạo đang tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành: Khu phố kinh doanh dịch vụ, đi hộ hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình; tiếp tục triển khai Đề án mở rộng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Đặc biệt, đối với chỉ tiêu "Triển khai đầu tư xây dựng 1 tháp trung tâm tài chính", đến nay, tháp trung tâm tài chính nằm trong khu đô thị thông minh phía Bắc sông Hồng được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 6630/QĐ-UBND; chức năng là trung tâm tài chính, thương mại, hỗn hợp; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1 tỷ USD.
Về chỉ tiêu "Triển khai đầu tư xây dựng 2-3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh", đã cơ bản hoàn thành Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm; phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết và đang điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án thành phố thông minh; đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ Dự án Khu đô thị Đông Anh.
Cũng theo Giám đốc Sở Xây dựng, Ban Chỉ đạo đang nỗ lực chỉ đạo hoàn thành 10 chỉ tiêu khác và khả năng hoàn thành vào năm 2025, như: "Hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 đối với 5 huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng"; "Hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố; triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại"; "Chỉnh trang 20 nhà biệt thự, 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954"; trồng mới 500.000 cây xanh đô thị (trong tổng số 3,5 triệu cây xanh trồng mới toàn thành phố); "Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố"; "Chỉnh trang hè, đường phố trên địa bàn 12 quận với 180 tuyến"…
Sẽ hoàn thành các chỉ tiêu về nước sạch vào đầu năm 2025
Triển khai Chương trình số 03-CTr/TU trong năm 2023, ngay từ đầu năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, giao chi tiết cho các đơn vị của Sở. Một số nhiệm vụ trọng tâm được Sở tập trung thực hiện như: Phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đôn đốc triển khai các chương trình trọng điểm như dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, Vành đai 1 và một số dự án cầu…
Liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch, thành phố đang triển khai 5 dự án nguồn và tích cực đôn đốc 10 đơn vị triển khai cấp nước cho các xã còn lại trên địa bàn thành phố theo hình thức xã hội hóa, thời gian thực hiện hoàn thành giai đoạn 2023-2025. UBND huyện Ba Vì triển khai tại 3 xã miền núi không thể tiếp cận hệ thống cấp nước tập trung theo hình thức đầu tư công. Đến hết năm 2023, tổng nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho thành phố đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày-đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn. Khu vực nông thôn, đã có 289/413 xã (khoảng 90%) người dân được tiếp cận nguồn nước sạch từ việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung của thành phố.
Đến nay, các vướng mắc trong cấp nước sạch cho người dân đều đã được giải quyết, bảo đảm tới đầu năm 2025 sẽ hoàn tất các chỉ tiêu về nước sạch đã cam kết thực hiện tại chương trình.
Về chỉ tiêu "Hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận", tạo cơ sở giúp thành phố nâng tỉ lệ phát triển đô thị từ 48% lên 62%, Gia Lâm đã hoàn thành các tiêu chuẩn thành lập quận, báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, được HĐND thành phố ra Nghị quyết tán thành chủ trương thành lập quận.
Tuy nhiên, hiện tiến độ thực hiện chưa đạt như kế hoạch thành phố giao do có liên quan đến 2 nội dung, cũng nằm trong Chương trình 03-CTr/TU là điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị. Do đó, đại diện huyện Gia Lâm kiến nghị Ban Chỉ đạo Chương trình 03 tập trung để triển khai bảo đảm tiến độ 2 nội dung trên, là căn cứ Bộ Xây dựng thẩm định đề án thành lập quận.
Liên quan đến quy hoạch phân khu, thành phố Hà Nội đã đồng ý cho Gia Lâm thực hiện song song việc nghiên cứu và triển khai quy hoạch phân khu đồng thời với việc điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.
Trong năm 2024, các sở ngành, địa phương sẽ tập trung các nhiệm vụ, như: Hạ ngầm đường dây điện trên các tuyến phố; chỉnh trang đô thị; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt đô thị; xử lý nước thải; xây dựng chợ, outlet; cải tạo chung cư cũ…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các giải pháp tăng cường công tác quản lý, thực hiện, việc chỉnh trang đô thị phải lan tỏa đến tận cơ sở, từng địa phương phải cùng vào cuộc để xây dựng từng tuyến phố, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp. Đối với các cơ chế chính sách, các sở, ngành cùng rà soát, tổng hợp các vướng mắc để đề xuất Ban Chỉ đạo thành phố chỉ đạo kịp thời.