Hà Nội sẽ rà soát dự án không có khả năng triển khai để cắt giảm, tập trung nguồn lực bố trí vốn cho các dự án có tính khả thi cao, dự án trọng điểm, dự án cấp bách như: Ùn tắc giao thông, đường sắt đô thị, đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; các chương trình cung cấp nước sạch, xử lý nước thải...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo khắc phục cho được tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh: VGP/Gia Huy
Tại hội nghị 14 BCH Đảng bộ TP. Hà Nội mới diễn ra, đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận kỹ nằm đưa ra các giải pháp đẩy nhanh việc giải ngân, bố trí đủ vốn cho các dự án.
Các đại biểu đã thảo luận tập trung một số vấn đề như: Tính khả thi của nguồn vốn Kế hoạch đầu tư công năm 2024, nguồn vốn các dự án xây dựng cơ bản tập trung của Thành phố, vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; các dự án chuyển tiếp, các dự án, công trình trọng điểm, các chương trình phát triển kinh tế vùng dân tộc miền núi, y tế, giáo dục, nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, các dự án dân sinh bức xúc… Đặc biệt là các giải pháp để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, khắc phục cho được tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian vừa qua.
Để giải ngân năm 2023 đạt trên 91% cần sự nỗ lực rất lớn
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, ước giải ngân cả năm 2023 được 48.600 tỷ đồng đạt 91,5% kế hoạch Thành phố giao và 103,5% kế hoạch Trung ương giao.
Về xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, về nguồn vốn, theo thông báo của Trung ương tổng nguồn kế hoạch năm 2024 của Thành phố là 81.033 tỷ đồng; trong đó: ngân sách trung ương là 9.451 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 71.582 tỷ đồng.
Về phương án phân bổ Kế hoạch đầu tư công năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, kế hoạch đầu tư công cấp Thành phố là 47.410 tỷ đồng; Kế hoạch đầu tư công cấp huyện là 33.102 tỷ đồng; Bố trí vốn đầu tư trở lại cho các quận, huyện, thị xã từ tiền thuê đất trả tiền một lần là 521 tỷ đồng.
Tại hội nghị này, đối với đầu tư công, các đại biểu đều thống nhất cho rằng cần xác định trong bối cảnh nguồn lực đầu tư có hạn, cần tiếp tục rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để đảm bảo việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ NSNN.
Một số ý kiến cho rằng cần xem xét, tính toán lại phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2024 khi tỷ trọng phân bổ vốn cho các dự án cấp Thành phố còn thấp, trong khi đó dự nguồn hỗ trợ cho các quận, huyện, thị xã là rất lớn (khoảng hơn 4.000 tỷ đồng).
Đồng thời, các đại biểu đều thống nhất nhận định, tính đến thời điểm 15/11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư toàn Thành phố là 56,7% kế hoạch, trong khi đó ước hết năm 2023 tỷ lệ giải ngân đạt 91,1%; để đạt được mục tiêu này, cần sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thành phố và sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các địa phương, đơn vị.
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đề xuất cho phép tiếp tục thực hiện các cơ chế thanh toán linh hoạt như đã được Thành ủy, HĐND Thành phố cho phép thực hiện năm 2023 trở về trước; cho phép được bố trí kế hoạch vốn năm 2024 cho 5 dự án khẩn cấp lĩnh vực đê điều đến hết năm 2023 hết thời gian thực hiện dự án theo Quyết định phê duyệt dự án, để thanh toán khối lượng thực hiện.
Đối với nguồn vốn đầu tư ngân sách năm 2024, đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 vốn điều lệ cho Quỹ đầu tư phát triển Thành phố là 552 tỷ đồng. Về thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách cấp Thành phố hỗ trợ mục tiêu cấp huyện thực hiện 02 chương trình mục tiêu quốc gia, Kế hoạch đầu tư 03 lĩnh vực và xây dựng hạ tầng kinh tế, ban chỉ huy quân sự cấp xã Đề xuất phân bổ kế hoạch vốn chi tiết cho các dự án đã phê duyệt là 5.819 tỷ đồng.
Công tác chuẩn bị đầu tư cần được chuẩn bị từ sớm, từ xa
Các đại biểu cũng cho rằng, một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công, công tác chuẩn bị đầu tư cần được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, chuẩn bị từ sớm, từ xa.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, đánh giá lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vì có rất nhiều dự án đã đưa vào danh mục nhưng lại chưa đủ điều kiện để bố trí vốn triển khai, hoặc xem xét lại thứ tự ưu tiên để bố trí vốn triển khai một số dự án dân sinh bức xúc, cấp bách (như dự án khơi thông dòng sông Tô Lịch) hoặc một số dự án hoàn thiện kết nối hạ tầng khu vực, thu hút đầu tư (một số tuyến giao thông kết nối, hạ tầng khu vực Hòa Lạc – nhất là khi Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được chuyển giao về Hà Nội).
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, để đảm bảo kế hoạch đầu tư công năm 2024 có tính khả thi, hiệu quả và khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong khâu tổ chức thực hiện nhất là khâu chuẩn bị đầu tư: Chủ trương đầu tư, Dự án đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, BCH Đảng bộ Thành phố yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND Thành phố khẩn trương rà soát, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công đảm bảo đạt mức bình quân chung của cả nước. Đồng thời quán triệt quan điểm chỉ đạo là vốn đầu tư công phải được giao ngay từ đầu năm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ đầu tư để tập trung quyết liệt triển khai công tác đầu tư và giải ngân ngay từ ngày đầu, tháng đầu tiên của năm 2024, tránh tình trạng dồn giải ngân vào cuối năm làm chậm tiến độ dự án, giảm hiệu quả vốn đầu tư công, phải thực hiện điều chỉnh kế hoạch nhiều lần trong năm.
Đối với cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp Thành phố, UBND Thành phố cần rà soát đảm bảo cập nhật đầy đủ các Nghị quyết của HĐND Thành phố trong năm 2023 về kế hoạch đầu tư công cũng như các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao bổ sung vốn ngân sách Trung ương cho thành phố Hà Nội vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn của Thành phố.
Đồng thời, trên cơ sở danh mục trong giai đoạn 2024-2025 còn lại, đề nghị rà soát, kiểm điểm về trách nhiệm các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện các dự án không có khả năng triển khai để cắt giảm và tập trung nguồn lực bố trí vốn cho các dự án có tính khả thi cao, dự án trọng điểm, dự án cấp bách, giải quyết dân sinh bức xúc như ùn tắc giao thông, kế hoạch 3 lĩnh vực, xây dựng nông thôn mới, đường sắt đô thị, đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; các chương trình cung cấp nước sạch, xử lý nước thải...
Để công tác điều hành đầu tư công từ nay đến hết nhiệm kỳ có sự cải thiện, UBND Thành phố cần tổ chức kiểm điểm trách nhiệm sâu sắc các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác trên. Từ đó khắc phục những tồn tại, thúc đẩy việc thực hiện các dự án trong danh mục trong các năm còn lại của nhiệm kỳ.