Hà Nội phát triển đồng bộ, hiện đại hóa đô thị - Ảnh: VGP
Theo Ban chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025", từ đầu năm đến nay, UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chỉ tiêu và nhiệm vụ của Chương trình.
Đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch, hiện đại hóa đô thị
Đến nay, Chương trình 03 đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 04/19 chỉ tiêu; dự kiến hoàn thành đến cuối nhiệm kỳ 15/19 chỉ tiêu. Đồng thời, phân loại các chỉ tiêu còn khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch, đặc biệt là xây dựng dự thảo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065. Một số quy hoạch cơ bản đã hoàn thiện là: Quy hoạch đô thị trung tâm với 35/35 đồ án quy hoạch phân khu, 14/14 quy hoạch chung các huyện, thị trấn, đô thị vệ tinh; quy hoạch chung thị trấn, thị trấn sinh thái; 293/308 quy hoạch xây dựng nông thôn.
Về quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật và một số quy hoạch đặc thù, Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ chuyên ngành phê duyệt 08/09 quy hoạch hạ tầng kỹ thuật Thành phố, hiện nay đang rà soát lại 8 quy hoạch chuyên ngành để phù hợp với việc điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô. Chất lượng quy hoạch được nâng cao, kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch.
Đối với chỉ tiêu về chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, Thành phố tiếp tục tập trung vào công tác chỉnh trang hè, đường phố, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông, điện lực tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.
UBND các quận huyện, thị xã, các đơn vị quản lý duy tu duy trì cây xanh theo phân cấp thường xuyên kiểm tra hệ thống cây xanh, kịp thời thay thế cây sâu mục, chết, nguy hiểm, cắt tỉa cây nặng tán, cây có cành ảnh hưởng đến giao thông nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Công tác chỉnh trang nhà biệt thự và các công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia thực hiện công tác cải tạo, trùng tu, chỉnh trang các biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố. Hà Nội phấn đấu cuối năm 2025 bảo tồn, chỉnh trang 36 biệt thự và 15 công trình kiến trúc khác, vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao theo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy.
Công viên Long Biên vừa được cải tạo nâng cấp trị giá 94 tỷ đồng - Ảnh: VGP
Mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị
Nhằm phát triển đồng bộ, hiện đại hóa và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, Thành phố đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông: Đã khởi công dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô trong tháng 6/2023; đưa vào sử dụng, Hầm chui Lê Văn Lương-Vành đai 3, Cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch và Đường Âu Cơ đoạn từ khách sạn Thắng Lợi - cầu Nhật Tân; thông xe cầu Vĩnh Tuy 2; khởi công dự án tuyến đường kết nối đường Pháp Vân Cầu Giẽ và đường vành đai 3; nghiên cứu, triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các cầu lớn vượt sông Hồng: Hồng Hà, Mễ Sở, Hoài Thượng… để khớp nối đồng bộ với đường vành đai 4.
Nhằm phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, bền vững, Hà Nội tiếp tục hoàn chỉnh Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung chỉ đạo phát triển các khu vực mới của đô thị theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, bền vững đảm bảo hài hòa mối liên kết giữa đô thị và nông thôn, tạo điều kiện, động lực thúc đẩy phát triển khu vực ngoại thành; hình thành những vùng chuyển tiếp, vành đai xanh giữa đô thị và nông thôn phù hợp với từng khu vực phát triển.
Tiếp tục triển khai Đề án "Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030" trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chú trọng đầu tư phát triển đô thị theo định hướng đô thị thông minh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông (ICT), công nghệ hiện đại nhằm đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng ICT để nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng và các nguồn lực phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều chỉ tiêu phát triển đô thị còn khó khăn
Tuy nhiên, Ban chỉ đạo Chương trình 03 cho biết, một số chỉ tiêu đang thực hiện chậm, như việc xây dựng các đề án, đồ án tiến độ còn chậm, hiện còn 10/13 đề án đang trong quá trình xây dựng; 03/05 đồ án quy hoạch đang nghiên cứu, hoàn chỉnh theo điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Mặc dù các đơn vị đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu "khó" của Chương trình, tuy nhiên, một số các chỉ tiêu vẫn đang còn nhiều khó khăn.
Cụ thể như chỉ tiêu "Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng 30-35%", hiện nay, phương tiện giao thông cá nhân, nhất là ôtô con tăng nhanh, hàng năm các phương tiện giao thông tại Hà Nội gia tăng từ 4-5%/năm, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra, đặc biệt trong khung giờ cao điểm. Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Thành phố đang trong quá trình đầu tư xây dựng, dẫn đến phục vụ vận tải hành khách công cộng chưa đồng bộ, chưa phát huy được lợi thế và chi phí đi lại so với phương tiện cá nhân.
Còn với chỉ tiêu "Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý 50-55%", hiện dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có một số khó khăn vướng mắc như: Năng lực Nhà thầu thi công gói thầu số 3 yếu kém, UBND Thành phố đã thông qua chủ trương chấm dứt hợp đồng vì vậy việc thi công đang tạm dừng, hiện chưa lựa chọn được nhà thầu mới; tại một số vị trí thi công, công trình hạ tầng kỹ thuật hiện có đã thay đổi nhiều so với khi lập thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật dẫn tới phải nghiên cứu thay đổi phương án. Dự án kết thúc vào tháng 12/2021 và kết thúc hiệp định vay vốn lần 1 vào tháng 7/2022 nhưng dự án chưa hoàn thành dẫn đến không thể giải ngân ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai thực hiện.
Về chỉ tiêu "Đầu tư xây dựng 20 chợ", một số quận, huyện đang gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện công tác đầu tư xây dựng, cải tạo chợ do khó khăn về ngân sách, không cân đối được nguồn thu để phân bổ nguồn kinh phí cho đầu tư cải tạo chợ. Cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư chưa khuyến khích để các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư theo kêu gọi của Thành phố…
Trong cuộc làm việc của Ban chỉ đạo Chương trình 03 vào cuối tháng 10/2023, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban chỉ đạo chương trình đã yêu cầu các Sở, ngành và các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc kết luận của Ban Chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện các công việc được giao, đảm bảo sự đồng bộ trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện.
Trong thời gian tới, để đạt chỉ tiêu "Tỷ lệ đô thị hóa: 60-62%", Ban chỉ đạo tập trung chỉ đạo 3 huyện có đề án lên quận (Đan Phượng, Thanh Trì, Hoài Đức) khẩn trương hoàn thành các chỉ tiêu để lên quận theo đúng lộ trình.
Đối với vận tải hành khách công cộng, tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện đồ án quy hoạch Giao thông vận tải thủ đô làm cơ sở cho việc nghiên cứu, tổ chức triển khai rà soát điều chỉnh tổng thể đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng như lập Đồ án Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về chỉ tiêu "Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý 50-55%", đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, đối với Gói thầu số 3: Hoàn thành thủ tục chấm dứt hợp đồng và tổ chức đấu thầu lại khi được UBND Thành phố chấp thuận, đối với Gói thầu số 4: giải quyết các vướng mắc, gia hạn thời gian thực hiện và tiếp tục triển khai thi công ngoài hiện trường; tập trung giải quyết khó khăn về nguồn vốn theo chỉ đạo của UBND Thành phố.