Tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg về Phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký, Đà Nẵng sẽ triển khai 19 dự án cấp nước, thoát nước.
Quy hoạch được triển khai dựa trên nguyên tắc nước thải được thu gom về các trạm xử lý nước thải tập trung của đô thị; nước thải của 12 phân khu được thu gom và xử lý theo các lưu vực. Nước thải công nghiệp, nước thải y tế được thu gom xử lý riêng cục bộ tại nguồn đạt quy chuẩn trước khi xả vào nguồn tiếp nhận.
Về mạng lưới thoát nước thải, khu vực đô thị cũ sử dụng hệ thống thoát nước nửa riêng; khu vực các đô thị mới sử dụng hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn; khu vực ven biển tách nước thải riêng hoàn toàn hoặc nâng cao khả năng thu gom nước thải để ngăn chặn nước thải xả ra biển.
Về trạm xử lý nước thải, tổng công suất các trạm xử lý nước thải sinh hoạt năm 2030 đạt 515.000 m3/ngày. Trước mắt, nước thải phát sinh tại khu vực huyện Hòa Vang được thu gom và xử lý theo hình thức phân tán.
Liên quan đến chất thải rắn, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư tiến tới hoàn thiện hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường đô thị (điểm tập kết rác, trạm trung chuyển rác, trạm phân loại rác, khu liên hợp xử lý rác...) với công nghệ tiên tiến.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, thành phố sẽ hoàn thiện Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn với các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tổng công suất từ 1.800-2.000 tấn/ngày, đảm bảo xử lý toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh; đầu tư các nhà máy xử lý chất thải nguy hại, bùn thải, chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn công nghiệp...; kêu gọi đầu tư nhà máy tái chế rác thải đô thị.
Quy mô, công nghệ từng nhà máy do thành phố quyết định căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và phù hợp với pháp luật, quy định hiện hành.
Sau năm 2030, tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu liên hợp xử lý chất thải rắn phía Tây thành phố quy mô 200 ha bao gồm các công năng, hạng mục công trình đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn của thành phố và mục tiêu hướng đến nền kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 1.000 tấn/ngày ở giai đoạn phù hợp tùy thuộc vào lượng chất thải rắn phát sinh thực tế.
Theo Quy hoạch, trọng tâm ưu tiên là đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt. Cụ thể, trong điều kiện bình thường, thực hiện phân phối đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các ngành theo nhu cầu đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.
Thứ tự ưu tiên gồm: Cấp nước sinh hoạt; Cấp nước nông nghiệp; (3) Cấp nước công nghiệp; (4) Cấp nước môi trường; (5) Giao thông thủy.
Trong trường hợp hạn hán thiếu nước, hạn chế phân phối nguồn nước cho các hoạt động sử dụng nhiều nước, chưa cấp thiết để ưu tiên cho mục đích sinh hoạt và các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Nguồn nước chính phân bổ cho các nhu cầu dùng nước sinh hoạt của thành phố Đà Nẵng là nguồn nước mặt sông Vu Gia - Thu Bồn (sông liên tỉnh) và lưu vực sông Cu Đê (sông nội tỉnh)
19 dự án cấp nước, thoát nước được đầu tư đến năm 2030 gồm: Nhà máy nước Hòa Liên, giai đoạn 2 Huyện Hòa Vang 2024-2030; phát triển mạng lưới cấp nước tiếp nhận nguồn nước từ Nhà máy nước Hòa Liên; xây dựng tuyến ống cấp nước phía Đông Nam thành phố Đà Nẵng; Hệ thống thoát nước chống ngập úng tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi sân bay Đà Nẵng (phía Tây sân bay Đà Nẵng, phía Đông sân bay Đà Nẵng, phía Nam sân bay Đà Nẵng); Tuyến cống thoát nước từ Bãi rác Khánh Sơn về Hoà Mỹ; Tuyến thoát nước chính từ hạ lưu kênh thoát nước khu công nghệ cao về kênh thoát lũ xã Hòa Liên; Tuyến cống thoát nước đường Lê Tấn Trung và vùng lân cận.
Ngoài ra, đầu tư xây dựng các tuyến cống thoát nước mưa về sông Hàn cho lưu vực Mỹ Khê - Mỹ An; Tuyến ống thu gom nước thải dọc đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, đoạn từ cầu Đỏ đến QL14B; Hệ thống thu gom nước thải các khu tái định cư trên địa bàn xã Hòa Sơn, Hòa Liên và phường Hòa Khánh Bắc về trạm xử lý nước thải Liên Chiểu; Xây dựng hệ thống thu gom nước thải các khu vực dọc đường Nguyễn Tất Thành và khu vực Nam Ô;...