Du khách tắm tại bãi biển Bình Sơn (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Để ngành du lịch phục hồi, tăng tốc và phát triển hiệu quả, Ninh Thuận đang tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, biến tiềm năng, lợi thế và dư địa sẵn có thành động lực phát triển mạnh mẽ, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm
Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, cho biết phương châm phát triển du lịch của tỉnh là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện.”
Để khai thác và thực hiện có hiệu quả, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng và bền vững.
Tỉnh tập trung kêu gọi các thành phần kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, làm mới các loại hình, dịch vụ đa dạng, độc đáo. Đồng thời, Ninh Thuận gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc như du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch văn hóa lịch sử; du lịch sinh thái; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch golf; du lịch chữa bệnh; du lịch ẩm thực… mang nét đặc trưng riêng của địa phương và có khả năng cạnh tranh cao thu hút du khách trong và ngoài nước.
Địa phương sẽ phát triển thương hiệu du lịch “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt;” “Ninh Thuận huyền bí và hoàn hảo;” “Ninh Thuận đa dạng những sắc màu;” “Ninh Thuận - Bí ẩn thời gian” mang đậm nét đặc trưng, độc đáo gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, tài nguyên biển.
Đồng thời, tỉnh xây dựng điểm đến an toàn, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi, “làm hài lòng du khách, ấm lòng chủ nhà.”
Ông Nguyễn Long Biên nêu rõ để xây dựng và phát triển thương hiệu, tỉnh đang tập trung triển khai xây dựng quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm.
Tỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Ninh Chữ đến năm 2040; điều chỉnh quy hoạch phân khu Khu Du lịch bãi biển Bình Sơn-Ninh Chữ; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Phan Rang-Tháp Chàm; quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị mới Đầm Cà Ná….
Địa phương chủ động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào trong nội dung Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong số đó, dự kiến các khu vực, địa bàn, tuyến được tập trung phát triển kinh tế ban đêm, các khu vực trung tâm và vệ tinh, các loại hình dịch vụ kinh tế ban đêm chủ yếu để có cơ sở triển khai trong tương lai.
Ninh Thuận dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách Nhà nước gắn với nguồn lực từ khu vực tư nhân theo hình thức đối tác công-tư để đầu tư hạ tầng đô thị thành phố Phan Rang-Tháp Chàm hướng đến trở thành đô thị du lịch; hạ tầng Khu Du lịch Quốc gia Ninh Chữ và các khu vực du lịch thuộc dải ven biển từ Bình Tiên-Vĩnh Hy đến Cà Ná-Mũi Dinh.
Địa phương sẽ đầu tư bến cảng thủy nội địa chuyên dùng tại khu vực Bình Tiên-Vĩnh Hy, Ninh Chữ, Cà Ná; các hạng mục du lịch của dự án cảng tổng hợp Cà Ná; nâng cấp, cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ tại ga Tháp Chàm và Bến xe tỉnh; hạ tầng du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Núi Chúa và Phước Bình để phát huy các tiềm năng du lịch, hình thành các điểm đến đẳng cấp quốc tế.
Đồng thời, tỉnh dành nguồn lực để tôn tạo, bảo tồn và phát triển cơ sở vật chất tại các làng nghề điển hình, có giá trị khai thác du lịch cao, nhằm kết hợp quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử gắn với thương hiện sản phẩm truyền thống để trở thành những điểm nhấn quan trọng về du lịch của tỉnh. Tỉnh cải tạo, nâng cấp và đầu tư, phát triển các thiết chế văn hóa phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch.
Tỉnh Ninh Thuận huy động nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng du lịch; tăng cường nâng cấp, liên kết, mở rộng kết nối giao thông với các đầu mối giao thông du lịch quan trọng như sân bay Cam Ranh; cảng Cam Ranh; dự án sân bay Phan Thiết (sau khi hoàn thành), kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch.
Địa phương tiếp tục phát triển hệ thống giao thông công cộng, đầu tư các công trình cấp thoát nước, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng tại các địa bàn trọng điểm du lịch, kêu gọi đầu tư dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang-Đà Lạt, dự án sân bay Thành Sơn kết hợp phát triển du lịch. Ninh Thuận tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, hướng tới mục tiêu đủ số lượng, cân đối cơ cấu ngành nghề, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch phát triển; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
Phát triển phân khúc khách theo sản phẩm chuyên đề
Để du khách biết nhiều hơn về Ninh Thuận, tỉnh sẽ đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch liên vùng, liên tỉnh như hành trình du lịch biển Nam Trung Bộ, tứ giác phát triển du lịch Phan Rang-Đà Lạt-Nha Trang-Phan Thiết; hợp tác du lịch 9 tỉnh Duyên hải miền Trung, 6 tỉnh Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm.
Nhiều resort mang tầm quốc tế được đầu tư xây dựng tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm để phục vụ du khách. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Tỉnh liên kết với trung tâm du lịch của Tây Nguyên-Đà Lạt; lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch của tỉnh trong các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Trên cơ sở đó, địa phương tập trung vào thị trường nội địa, khôi phục lượng khách và doanh thu; trong đó, thị trường mục tiêu là Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và các các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.
Giai đoạn từ 2023-2025, tỉnh tiếp tục phát triển thị trường nội địa, khôi phục thị trường quốc tế truyền thống (Nga và các nước Đông Âu).
Giai đoạn từ 2025-2030, Ninh Thuận hướng tới những đối tượng khách cao cấp của các thị trường sẵn có, phát triển các thị trường mới theo các sản phẩm du lịch mới lạ.
Địa phương sẽ đa dạng hóa, khai thác hiệu quả thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, phát triển phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch thể thao giải trí mà tỉnh có thế mạnh, đáp ứng với xu thế toàn cầu và thích ứng với những biến động của kinh tế thế giới. Đồng thời, Ninh Thuận tăng cường nghiên cứu, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và đưa ra các sản phẩm kịp thời, phù hợp.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh ước đạt 1.710.000 lượt, tăng 19% so cùng kỳ năm 2022, đạt 63,3% so với kế hoạch.
Trong số đó, khách quốc tế ước đạt 20.000 lượt, tăng trên 300% so với cùng kỳ, đạt 100% so kế hoạch; khách nội địa ước đạt 1.690.000 lượt. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt khoảng 1.360 tỷ đồng. Đây là dấu hiệu tích cực để Ninh Thuận tăng tốc phát triển trong thời gian tới./.