Thêm 86.000m2 sàn nhà ở trong 6 tháng đầu năm
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các dự án phát triển nhà trên địa bàn TP. Hà Nội đã cung cấp thêm cho thị trường 86.000m2 sàn nhà ở. Đây là kết quả khả quan trước tình hình thị trường bất động sản vẫn đang trên đà hồi phục.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các dự án phát triển nhà trên địa bàn TP. Hà Nội đã cung cấp thêm cho thị trường 86.000m2 sàn nhà ở. Ảnh: Thùy Chi
Về công tác quy hoạch và phát triển nhà ở trên địa bàn Thủ đô, trong 6 tháng đầu năm, TP. Hà Nội đã hoàn Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến trình phê duyệt trong tháng 10/2023.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; 13 nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, 1 đồ án quy hoạch chi tiết, 2 đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết, 3 đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị... đã được phê duyệt.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, ảm đạm, thiếu trầm trọng nguồn cung sản phẩm do doanh nghiệp bị thiếu vốn đầu tư, thì thị trường bất động sản Hà Nội vẫn ghi nhận có thêm lượng lớn sản phẩm mới được cung cấp cho thị trường.
Theo đó, tổng nguồn nhà ở thương mại và nhà ở tái định cư đã hoàn thành là 86.000 m2 sàn (trong đó hoàn thành 2 dự án nhà thương mại với hơn 61.000 m2 sàn; 2 dự án nhà tái định cư với 25.000 m2 sàn).
Đáng chú ý, thời điểm hiện tại các sản phẩm nhà ở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đang có sự chuyển dịch mạnh hơn về phía Đông, sau một thời gian dài TP. Hà Nội tập trung phát triển về phía Tây khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính.
Sau một thời gian phát triển, các nhà đầu tư nhận thấy khu vực phía Đông có nhiều tiềm năng không kém, thậm chí là hơn các khu vực khác, lại rất gần với khu vực trung tâm của Hà Nội, chỉ cách chưa đầy 3km. Đặc biệt, khi Hà Nội đã công bố quy hoạch 2 khu đô thị lớn ở Bắc sông Hồng, thì khu vực phía Đông càng trở nên hấp dẫn đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Sức hấp dẫn của bất động sản nhà ở khu Đông
Khu Đông Hà Nội đang có nhiều tiềm năng và sức hấp dẫn đầu tư đến từ nhiều thuận lợi khách quan. Đó là bệ đỡ hạ tầng bứt phá, là lộ trình lên quận đang được đẩy nhanh cùng với hàng loạt các dự án đại đô thị cao cấp được đầu tư xây dựng.
Thêm vào đó, theo tính toán, dân số 4 quận trung tâm là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng hiện đã vượt quá quy hoạch, gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng. Từ nay tới năm 2030, thành phố đang có kế hoạch chuyển cư khoảng 500 nghìn người ra khỏi khu vực này.
Chính vì vậy, phía Đông càng được coi là điểm đến tiềm năng với cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ. Đặc biệt, khu vực này đang ngày càng trở thành điểm nóng với các nhà đầu tư sau hàng loạt thông tin tích cực gần đây.
Theo đó, tiếp nối sự phát triển của một chu kỳ tăng trưởng mới, năm 2023, khu Đông Hà Nội tiếp tục khẳng định vị tâm điểm đầu tư của mình trên thị trường bất động sản thông qua nhiều yếu tố.
Yếu tố hạ tầng được đầu tư khẩn trương và đồng bộ với hệ thống cầu vượt sông Hồng ngày càng hoàn thiện, đường bộ liên tỉnh thông suốt. Có thể kể đến như cầu Đông Trù, cầu Vĩnh Tuy, trục đường Ngô Gia Tự - Nguyễn Văn Cừ, Quốc lộ 5 kéo dài hay nút giao đường vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng nhằm kết nối hạ tầng khu vực giao thông…
Cùng với đó, kế hoạch xây nhiều cầu mới đã trở thành cú hích cho khu Đông, kéo theo là sự trỗi dậy của thị trường bất động sản khu vực này. Theo quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội từ 2030 - 2050, thành phố đã phê duyệt các dự án xây dựng cầu lớn như cầu Trần Hưng Đạo; cầu Ngọc Hồi và cầu Mễ Sở, tương lai sẽ góp phần tạo nên hệ thống giao thông vô cùng tiện lợi cho khu Đông.
Thêm vào đó là lợi thế là cửa ngõ Thủ đô và là cầu nối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành phố, với quy mô dân số lên tới hơn 16 triệu người. Bên cạnh đó, tạo động lực tăng trưởng cho thị trường bất động sản khu Đông còn phải kể đến việc Thành phố có chủ trương đưa Gia Lâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu lên quận vào năm 2023 và đảm nhiệm chức năng trung tâm tài chính mới của thành phố. Trong tương lai, khu vực này kỳ vọng dẫn đầu về phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của cả nước, đồng thời là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và công nghệ của quốc gia. Đây cũng là lý do khiến bất động sản nhà ở khu vực này trong những năm gần đây liên tục tăng cao.
Theo các chuyên gia, với nhu cầu ngày càng lớn cùng loạt tín hiệu khởi sắc, thị trường bất động sản phía Đông Hà Nội sẽ diễn biến theo chiều hướng tích cực, bất chấp tình hình chung biến động. Dài hạn hơn, trong 3 - 5 năm tới, khu vực này vẫn sẽ là "thỏi nam châm" của thị trường bất động sản do hệ thống hạ tầng được đẩy mạnh đầu tư, cùng làn sóng di dân từ nội đô ra khu vực trung tâm mới.
Nhìn nhận vị trí của khu Đông, GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc mở rộng phát triển về phía Đông là phù hợp với địa thế phong thủy của Thủ đô Hà Nội. Trong đó, sông Hồng đóng vai chủ đạo tạo động lực kinh tế để phát triển Hà Nội, đem lại giá trị lớn với nhiều cơ hội đầu tư.
Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, khu vực phía Đông Thủ đô Hà Nội có tiềm năng rất lớn, bởi được xem là một tất yếu khách quan trọng quá trình phát triển, chứ không hẳn là vì khu vực này có nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn vào đầu tư nên được lăng xê nhằm thu hút nhà đầu tư và khách hàng.
Cùng với đó, khu vực phía Đông giáp với những tỉnh công nghiệp mới như Bắc Ninh, Hưng Yên... có hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ, nên các dự án nhà ở khu vực này đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phân tích, sau một thời gian phát triển quá nóng về khu Tây, trong 3 năm trở lại đây, các nhà phát triển dự án, nhà đầu tư cá nhân đã nhận thấy Hà Nội còn nhiều khu vực tiềm năng. Điển hình là khu Đông, không chỉ đang có nhiều đột phá về hạ tầng còn quỹ đất rất lớn, đặc biệt là sự kết nối với các địa phương phía Bắc đang có tốc độ phát triển công nghiệp, công nghệ cao như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên. Chính vì vậy, thị trường bất động sản phía Đông có triển vọng khá tốt trong năm 2023.
Hiện các dự án ở phía Đông đang chiếm phần lớn trong tổng nguồn cung nhà ở của Hà Nội. Trong đó, dự án nằm kế cận các trục đường vành đai, hệ thống tiện ích vượt trội chính là đích đến nhắm tới của mọi khách hàng. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, trong tương lai, thị trường khu vực này còn nhiều bứt phá hơn nữa.
Thực tế, với sự xuất hiện của những đại đô thị, phía Đông Hà Nội đang đón làn sóng dịch chuyển cư dân mạnh mẽ. Sức hút mạnh mẽ của khu Đông được hiện thực hóa khi thị trường bất động sản đã và đang chuyển dịch về khu vực này ngày càng lớn thông qua nhiều dự án bất động sản. Minh chứng là nhiều ông lớn bất động sản có uy tín đã và đang phát triển những đại đô thị nhà ở có diện tích lớn, chất lượng cao, tiện ích đồng bộ tại khu vực này như: Ecopark, Vincom Village, BerRiver Jardin, Vinhomes Ocean Park 1, Ocean Park 2, Ocean Park 3. Riêng tại đại đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm, Hà Nội), đã có xấp xỉ 55.000 người chuyển tới sinh sống chỉ sau 4 năm.
Các dự án này đều được đầu tư vào phân khúc trung cao cấp trở lên, với quy hoạch và thiết kế hiện đại, đáng sống đã làm thay đổi diện mạo khu vực Đông Nam Hà Nội. Nhiều dự án nhà ở còn trở thành một biểu tượng, một khái niệm sống mới tại Thủ đô.
Giới chuyên gia bất động sản nhận định, tương lai thị trường nhà ở khu Đông không chỉ thiết lập những mặt bằng giá trị mới từ việc nâng cao chuẩn sống cho cư dân, mà các dự án nhà ở trung cao cấp còn như một cực nam châm "hút" cư dân dịch chuyển ra khỏi nội đô cũ. Từ đó giúp giảm tải áp lực cho trung tâm thành phố, hình thành một đô thị mới hiện đại đáng sống tại Thủ đô Hà Nội.