Cử tri đóng góp ý kiến tại buổi tiếp xúc - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Chiều 6/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức buổi tiếp xúc với cử tri là công nhân lao động trên địa bàn Quận 7 và công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận để lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng cũng như ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi). Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố, chủ trì buổi tiếp xúc.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Trần Thị Hồng Phượng, công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Quận 7 nêu ý kiến về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú công nhân. Theo quy định, công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp mới được hưởng chính sách này. Tuy nhiên, cử tri này cho rằng không nên có sự phân biệt như vậy bởi còn rất nhiều công nhân lao động đang làm việc bên ngoài cũng rất quan tâm và mong muốn được hỗ trợ chính sách về nhà ở.
Về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, dự thảo Luật quy định các đối tượng như người có thu nhấp thấp, công nhân lao động trong các khu công nghiệp phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân mới được hưởng chính sách. Chị Phượng cho rằng tiêu chí này chưa công bằng, chưa thỏa đáng khi dùng để đánh giá phân loại đối tượng cần được hỗ trợ.
Ngoài ra, góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các ý kiến tại buổi tiếp xúc xoay quanh việc hưởng lương hưu. Các cử tri kiến nghị đại biểu Quốc hội có ý kiến về quy định trường hợp người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội được 20 năm mà chưa đủ tuổi về hưu theo quy định tại thời điểm đó, nếu có nguyện vọng thì được lập thủ tục để hưởng lương hưu.
Theo các cử tri, quy định về mức hưởng lương hưu tại Điều 72 của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là 75% là thấp. Mức lương hưu phải đảm bảo được mức sống tối thiểu. Bảo hiểm xã hội không thể áp dụng mức trích nộp lúc ban đầu tham gia để tính bình quân cho mức đóng hiện tại; không thể áp dụng mức đóng của năm 2000 để tính mức sống của năm 2023.
Bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất Thành phố nêu kiến nghị tại buổi tiếp xúc - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Công nhân khó tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi
Bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất Thành phố cho biết, về gói tín dụng 120.000 tỉ đồng vay mua nhà ở xã hội của Chính phủ, khi được ban hành, anh chị em công đoàn rất phấn khởi. Tuy nhiên, thực chất đến thời điểm này thì không những cán bộ công đoàn mà ngay cả người lao động cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận được gói vay này.
Cụ thể, theo bà Vân, 4 ngân hàng thực hiện việc cho vay chưa triển khai chương trình đến các tổ chức công đoàn để hướng dẫn người lao động mà yêu cầu công nhân phải ra trực tiếp để thực hiện thủ tục vay. Tuy nhiên, công nhân đi làm từ Thứ hai đến Thứ Bảy, trong khi giao dịch ngân hàng phải thực hiện giờ hành chính. Nếu các công nhân phải nghỉ việc để đi giao dịch ngân hàng thì sẽ bị trừ lương, trừ chuyên cần… Do đó, bà Vũ Thế Vân đề xuất có phương án hỗ trợ để công nhân dễ dàng tiếp cận được gói vay tín dụng ưu đãi.
"Ngoài ra, tại Khu chế xuất Tân Thuận, trên 75% công nhân đều ở các tỉnh khác, vì vậy, điều kiện trả trước 50% tiền mua nhà ở xã hội là rất khó, 50% còn lại cho vay với lãi suất 8,2%/năm cũng không thể coi là thấp. Do đó, việc cần nhất hiện nay là Thành phố nên quan tâm về nhà lưu trú, nhà cho thuê giá rẻ và có giải pháp hỗ trợ để động viên công nhân tiếp tục gắn bó với địa bàn", bà Vũ Thế Vân bộc bạch.
Tương tự với gói vay tiêu dùng 20.000 tỷ đồng dành cho công nhân, bà Vũ Thế Vân cho biết, "đến thời điểm này, chúng tôi chỉ biết trên văn bản bằng giấy nhưng thực tiễn triển khai thì chưa được tiếp cận".
Ngoài ra, tại buổi tiếp xúc, các cử tri đề xuất có quy định áp giá trần đối với giá thuê nhà trọ vì hiện giá nhà trọ tăng và không có mức kiểm soát.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Nỗ lực để hỗ trợ trực tiếp cho công nhân
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cho biết, đối với các ý kiến của cử tri liên quan đến các luật, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố sẽ tổng hợp và báo cáo lên cơ quan thẩm quyền.
Còn đối với các vấn đề trong thẩm quyền Thành phố, ông Mãi cho biết, thời gian vừa qua, công đoàn các cấp, chính quyền cơ sở đã nỗ lực để hỗ trợ trực tiếp đối với nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nhiều do doanh nghiệp cắt giảm công nhân, giờ làm.
Thành phố cũng đã yêu cầu ngành LĐTB&XH phối hợp với Liên đoàn Lao động Thành phố và Mặt trận Tổ quốc Thành phố đánh giá và có đề xuất những chương trình lớn hơn. Bên cạnh đó là hỗ trợ cho con em công nhân lao động về học phí, bảo hiểm, các chi phí liên quan khác…
Thời gian tới, sẽ yêu cầu ngành công thương, các đơn vị thương mại Thành phố, các doanh nghiệp tham gia Chương trình phối hợp với Liên đoàn Lao động Thành phố để có chương trình như Phiên chợ công nhân mang hàng bình ổn giá với giá có thể chấp nhận được để phục vụ cho công nhân.
Về vấn đề tiền thuê nhà, hiện Thành phố đang xử lý cục bộ, chưa thành chính sách, tuy nhiên, qua ý kiến của các cử tri, Thành phố sẽ nghiên cứu để đề xuất chính sách hỗ trợ tiền nhàtrọ cho công nhân, đặc biệt là những người bị ngừng việc, giảm việc, giảm thu nhập.
Ngoài ra, qua khảo sát thì không phải nhà giá rẻ, nhà ở xã hội chiếm tỉ trọng lớn mà đó là nhà lưu trú, nhà cho thuê. Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định Thành phố đang tập trung và sẽ có chính sách về đất đai, về tín dụng để phát triển nhà lưu trú công nhân; có chính sách để công nhân có thể tiếp cận các nhà trọ. Cụ thể, Thành phố sẽ rà soát các quỹ đất, tính toán lại quy hoạch để phát triển các khu nhà lưu trú, nhà trọ ở gần các khu công nghiệp, hoặc những khu nhà máy, xí nghiệp có đông công nhân.
Đối với ý kiến của cử tri quản lý giá nhà trọ cho thuê, Thành phố sẽ nghiên cứu để có quy định về việc này.
Còn đối với ý kiến cử tri đề cập rằng khó tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, gói 20.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng, ông Phan Văn Mãi cho biết, từ đầu năm, ông đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, các ngân hàng thương mại để khẩn trương công khai điều kiện, quy trình để tiếp cận các gói tín dụng này.
"Thành phố đã đề nghị các ngân hàng xem xét công nhân có việc làm ổn định, thu nhập tương đối thì có thể vay để mua nhà như cho vay tiêu dùng; nghiên cứu áp dụng chính sách thấu chi để khi công nhân không phải vay tín dụng đen. Hiện đã có một số ngân hàng thực hiện chính sách này", ông Phan Văn Mãi thông tin thêm.