Phát triển hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành Công viên đầm phá Quốc gia

Thứ tư, 29/03/2023 15:08
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 28/3, kỳ họp chuyên đề lần thứ 10 HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thảo luận và thông qua Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030.

Một góc đầm phá Tam Giang -Cầu Hai lúc hoàng hôn - Ảnh: VGP/Lê Hoàng

Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài hơn 128 km dọc bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và rộng từ 1 - 10 km; bao gồm 44 đơn vị cấp xã thuộc địa phận thành phố Huế và 4 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Tổng diện tích đất tự nhiên và mặt nước khoảng 1.024 km2 (chiếm 21% diện tích tự nhiên tỉnh Thừa Thiên Huế), với dân số trên 332.000 người (chiếm 29% dân số của tỉnh).

Trong đó, tiêu biểu là hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với chiều dài hơn 70 km, diện tích mặt nước rộng trên 22.000 ha, lớn nhất khu vực Đông Nam Á; cùng với đầm Lập An thuộc thị trấn Lăng Cô và một phần Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thuộc phạm vi của đề án vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, đề ra nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế biển, đầm phá quốc gia.

Vì vậy, việc xây dựng Đề án Phát triển kinh tế xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là rất quan trọng, cần thiết, đảm bảo phù hợp với giai đoạn hiện nay, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là nơi mưu sinh của nhiều ba con ngư dân - Ảnh: VGP/Lê Hoàng

Đề án hướng đến mục tiêu xây dựng vùng Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng động lực phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung Bộ; đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước; tiến tới thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á. Phát triển hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành "Công viên đầm phá Quốc gia'' có vùng đất ngập nước, khu dự trữ môi trường sinh quyển có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế.

Trọng tâm là phát triển du lịch thành ngành kinh tế chủ lực, phát triển cảng biển, thủy sản, nông nghiệp sinh thái, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

Về nguồn vốn, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết sẽ huy động và sử dụng hiệu quả tối đa mọi nguồn lực đầu tư phát triển vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương để đầu tư các dự án trọng điểm, dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng phát triển sản xuất, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai... Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng. 

Đồng thời sẽ tổ chức phát hành trái phiếu công trình đối với những dự án đầu tư xây dựng hạ tầng có quy mô lớn, có vai trò then chốt đối với sự phát triển của vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; đôn đốc triển khai các dự án lớn, trọng điểm đi vào hoạt động như: Dự án Casino Laguna, dự án sản xuất ô tô, sản xuất kính cao cấp, dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây...; kêu gọi tài trợ, xúc tiến, kêu gọi đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giải trình, tiếp thu các vấn đề các đại biểu nêu để tiếp tục hoàn thiện Đề án trình các cơ quan Trung ương thẩm định, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)