Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo sở, UBND các huyện, thành phố và một số chủ đầu tư CCN trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, tính đến hết tháng 3/2023, tỉnh Bắc Giang thành lập được 54 CCN với tổng diện tích 2.168 ha, trong đó 32 CCN có hạ tầng kỹ thuật đi vào hoạt động với diện tích 1.010 ha. Hiện nay, diện tích đất công nghiệp cho doanh nghiệp thứ cấp thuê là 517 ha với 248 dự án, vốn đầu tư thực hiện 9.005/32.765 tỷ đồng tổng vốn đăng ký, trong đó 223 dự án đã đi vào hoạt động, 25 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, tạo việc làm cho hơn 46 nghìn lao động.
Về công tác đầu tư và xây dựng hạ tầng, 16 CCN được giao cho các chủ đầu tư là UBND cấp huyện, doanh nghiệp làm chủ đầu tư có tổng diện tích 202 ha, chủ yếu là các CCN được thành lập năm 2011 tại Quyết định số 350/QĐ-UBND ngày 23/3/2011. Diện tích các CCN nhỏ (trung bình 12,6 ha/cụm), cơ bản đã lấp đầy 100%. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật của các CCN chưa được đầu tư đồng bộ do trước đây phần lớn UBND cấp huyện không có ngân sách để đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, các đơn vị thứ cấp có dự án đã tự đầu tư phần dự án của mình.
38 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư có tổng diện tích 1.966 ha. Một số CCN đã được triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư sản xuất kinh doanh như: CCN Nham Sơn - Yên Lư (huyện Yên Dũng); CCN Việt Tiến (huyện Việt Yên); CCN Hợp Thịnh, CCN Thanh Vân (huyện Hiệp Hòa); CCN Tân Hưng (huyện Lạng Giang).
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số huyện, chủ đầu tư CCN chưa quyết liệt trong triển khai hoàn thiện thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến chậm tiến độ như: CCN Trung Sơn - Ninh Sơn (huyện Việt Yên), CCN Lan Sơn 2 (huyện Lục Nam), CCN Đại Lâm (huyện Lạng Giang), CCN Nghĩa Hòa (huyện Lạng Giang).
Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) của một số CCN gặp nhiều khó khăn mặc dù phần diện tích còn lại của CCN còn rất nhỏ, dẫn đến chậm tiến độ của cả CCN như: CCN Tân Mỹ, CCN Dĩnh Trì (TP Bắc Giang); CCN Yên Lư, CCN Nội Hoàng (huyện Yên Dũng); CCN Tăng Tiến (huyện Việt Yên); CCN Thanh Vân, CCN Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hòa); CCN Đồng Đình (huyện Tân Yên).
Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên Lê Hoàng Bách báo cáo tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, địa phương và chủ đầu tư đã nêu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp trong công tác GPMB; tuyên truyền vận động, tạo đồng thuận trong Nhân dân; thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa; các thủ tục hành chính về xây dựng, PCCC; công tác quy hoạch chi tiết; tiến độ đầu tư như hoàn thiện thủ tục giao đất cho chủ đầu tư, quá trình triển khai đầu tư;…
Đối với những khó khăn trong công tác bồi thường GPMB 2 CCN trên địa bàn huyện Việt Yên, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên Lê Hoàng Bách cho biết, trong thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo rà soát, quy chủ, phê duyệt phương án đối với những hộ kiểm đếm bắt buộc; lập phương án chi trả tiền, tiếp tục vận động các hộ nhận tiền, hoàn thiện quy trình cưỡng chế nếu các hộ không đồng thuận. Lập hồ sơ chuyển mục đích, cho thuê đất. Làm việc với chủ đầu tư về việc báo cáo trình cấp có thẩm cho phép thu hồi diện tích đất lúa để có cơ sở đơn vị tư vấn trình UBND huyện thu hồi đất và phê duyệt phương án. Đôn đốc đơn vị tư vấn GPMB phối hợp, quan tâm xem xét giải quyết việc bố trí quỹ đất ở cho các hộ còn vướng mắc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn kết luận buổi làm việc.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn đã chỉ đạo cụ thể đối với từng dự án nhằm giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc; xử lý vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư, cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ GPMB các CCN trên địa bàn tỉnh, giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong GPMB, tập trung cao cho việc đảm bảo vị trí tiếp nhận và tổ chức di chuyển mộ được thuận lợi nhanh chóng. Hoàn thiện hồ sơ thuê đất, giao đất theo tiến độ, kịp thời bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để tổ chức thi công xây dựng, đầu tư hạ tầng theo quy định. Tổ chức thiết lập, quản lý chặt chẽ hồ sơ trong công tác GPMB, cho thuê đất theo quy định; ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương; kịp thời giải quyết những khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền. Tăng cường đối thoại, vận động, giải quyết đơn thư, khiếu nại của Nhân dân. Rà soát quy hoạch đối với 10 CCN mới thành lập, kịp thời báo cáo, đề xuất, phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện.
Sở Công Thương tiếp tục thực hiện tốt việc làm đầu mối quản lý các CCN; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu UBND huyện, thành phố, chủ đầu tư, các ngành liên quan tập trung hoàn thành các công việc theo tiến độ. Tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện tiến độ thực hiện đối với các CCN trên địa bàn tỉnh, làm việc với các địa phương, chủ đầu tư, sở, ngành liên quan để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, báo cáo tiến độ và đề xuất biện pháp chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh theo tháng, quý hoặc đột xuất. Chủ động tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh làm việc, kiểm điểm tiến độ với các CCN trên địa bàn tỉnh hoặc theo từng địa phương, nhóm các CCN, đặc biệt CCN đang có những khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ.
Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, chủ đầu tư trong quá trình thiết lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư bám sát tiến độ giải quyết của các cơ quan Trung ương về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo tiến độ đề ra. Hướng dẫn và kịp thời giải quyết những khó khăn đối với công tác bồi thường GPMB, hoàn thiện hồ sơ thuê đất, giao đất theo tiến độ đề ra và những thủ tục thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo quy định.
Sở Xây dựng tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư thực hiện nghiêm các quy định hiện hành thuộc lĩnh vực xây dựng và kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng trong quá trình triển khai thực hiện các CCN trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền; đôn đốc UBND huyện, thành phố rà soát quy hoạch đối với 10 CCN mới thành lập, kịp thời báo cáo, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động giải quyết các nội dung công việc theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng các CCN, triển khai dự án và tổ chức thu hút đầu tư vào các CCN theo tiến độ đề ra; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những đơn thư, kiến nghị của người dân, chủ đầu tư và doanh nghiệp.
Chủ đầu tư các CCN đảm bảo kinh phí GPMB, chủ động phối hợp với địa phương, các sở, ngành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình bồi thường GPMB, cho thuê đất. Chủ động tiếp cận mặt bằng, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đối với diện tích đã được giao./.