Nghị quyết đánh giá: Sau khi Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 15/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về lãnh đạo thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bản tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành, các cấp ủy Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai đồng bộ, kịp thời chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát sâu rộng trong các cơ quan, tổ chức, nhân dân; chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền, vận động, giám sát thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức, nhân dân về vai trò, ý nghĩa, mục tiêu của công tác hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Từ khi thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, trên địa bàn tỉnh huy động được 47.051 triệu đồng, hàng nghìn ngày công lao động, nhiều loại vật liệu xây dựng hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 1.138/6.602 hộ (theo mức hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 56/2021/NQ-HĐND ngày 29/7/2021 của HĐND tỉnh). Qua triển khai thực hiện, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương, nâng cao uy tín của cấp ủy, chính quyền các cấp, gia tăng niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; hỗ trợ, động viên kịp thời các gia đình là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách thực sự khó khăn về nhà ở. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực, vật lực để hỗ trợ các gia đình khó khăn về nhà ở thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nạt, nhiều gia đình không đủ khả năng xây mới hoặc sửa chữa nhà ở do thiếu nguồn vốn đối ứng, quãng đường vận chuyển nguyên vật liệu khó khăn. Có 214 hộ/6.602 hộ không còn nhu cầu được hỗ trợ do chuyển nơi sinh sống, hộ đơn thân đã chết... Như vậy, còn 5.250 hộ gia đình chính sách và hộ nghèo, cận nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát, cần được hỗ trợ xây mới và sửa chữa để sớm ổn định cuộc sống.
Cuối năm 2021, đầu năm 2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025 và Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, mức hỗ trợ nhà ở được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 56/2021/NQ-HĐND ngày 29/7/2021 của HĐND tỉnh chưa có sự thống nhất nên khó khăn trong triển khai thực hiện. Để đảm bảo đồng bộ, nhất quán về mức hỗ trợ và tận dụng tối đa nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia trong việc thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 64/2022/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 ban hành chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (thay thế Nghị quyết số 56/2014/NQ-HĐND). Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bản tỉnh đến nay đã có sự thay đổi về chính sách hỗ trợ, số lượng, nguồn vốn, hình thức; để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tận dụng tối đa nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, việc xây dựng Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 04-NQTU về lãnh đạo thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bản tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết.
Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 19/1/2023 được xây dựng trên quan điểm thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát là chương trình an sinh xã hội lớn, có tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của cấp ủy chính quyền và cả hệ thống chính trị đối với các gia đình chính sách và các hộ nghèo ở địa phương. Huy động sức mạnh tổng hợp, sự vào cuộc của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị tham gia hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Phát huy vai trò chủ thể của hộ gia đình được hỗ trợ, phát huy được sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị nhất là vai trò nòng cốt, xung kích đi đầu của lực lượng công an. Việc thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát phải bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, nhận được sự đồng lòng, thống nhất, đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân. Đa dạng hóa nguồn lực thực hiện, trong đó tận dụng tối đa nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương qua các chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục huy động sự ủng hộ của các tổ chức, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, sự góp sức của cộng đồng dân cư.
Mục tiêu chung là huy động và tập trung các nguồn lực để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần thoát nghèo bền vững, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Mục tiêu cụ thể: Hoàn thành việc xóa xong 5.250 nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh theo mức hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 64/2022/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 của HĐND tỉnh. Tiếp tục rà soát, hỗ trợ các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo ở nhà tạm, nhà dột nát mới phát sinh; kiểm tra, giám sát chất lượng các công trình nhà ở đã hỗ trợ.
Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Về nhiệm vụ: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, nhất là sự tham gia của lực lượng công an các cấp trong triển khai thực hiện. Phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, đổi mới của các cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là ở cấp xã, vận động sự tham gia của cộng đồng, thôn bản và các hộ gia đình được hỗ trợ, thường xuyên phối hợp trong công tác thi công công trình và kiểm tra, giám sát sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo quy định.
Thường xuyên thực hiện công tác quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, nhất quán về nội dung của Nghị quyết, ý nghĩa, vai trò của công tác hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo đến các tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đa dạng hóa các phương thức, hình thức, nội dung tuyên truyền, bảo đảm tuyên truyền kịp thời, đúng định hướng, đúng đối tượng, hoàn thành tốt các mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chú trọng lồng ghép nguồn lực thực hiện từ các chương trình, đề án, dự án của Trung ương, của tỉnh và huy động các nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; vận động sự tham gia trực tiếp của lực lượng vũ trang, các đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hộ gia đình được hỗ trợ trong quá trình thực hiện chương trình. Quan tâm kết hợp triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát thông qua các cuộc vận động Quỹ "Vì người nghèo", "Hội phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo", "Mái ấm nơi biên cương", phong trào "Cao Bằng chung tay vì người nghèo, không bỏ ai để lại phía sau"... để vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp nguồn lực thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết. Chỉ đạo quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí theo quy định hiện hành.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Ban Tổ chức cấp huyện tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, nắm tình hình thực hiện theo từng tháng, quý, năm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Hằng năm, cấp ủy các cấp tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm thực hiện và đề ra nhiệm vụ thực hiện cho năm tiếp theo; đồng thời tổ chức biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt phong trào tại địa phương; đảm bảo sự tham gia giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, người dân trong triển khai thực hiện.
Về tổ chức thực hiện, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức quán triệt sâu sắc Nghị quyết này đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân; xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị quyết, đổi mới phương thức, hình thức tuyên truyền, đẩy mạnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, bản tin, phóng sự...; tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, các mô hình đã thực hiện thành công, những cách làm hay sáng tạo của các địa phương để xem xét nhân rộng.
Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết; tăng cường chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt; chỉ đạo thực hiện bảo đảm hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát công khai, minh bạch, đúng quy định; huy động các nguồn kinh phí, vận động sự tham gia trực tiếp của các lực lượng trên địa bàn trong quá trình thực hiện chương trình, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đề ra. Gắn trách nhiệm từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh với từng địa bàn được phân công phụ trách trong việc chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện chương trình đảm bảo đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra.
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các địa phương thực hiện chương trình đảm bảo dùng đối tượng, tiến độ, chất lượng; đồng thời bám sát, kiến nghị các bộ, ngành sớm hoàn thiện, ban hành các hướng dẫn thực hiện nội dung hỗ trợ nhà ở thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc kiểm tra, tham mưu sơ kết, tổng kết thực hiện Nghị quyết này; định kỷ 6 tháng và hằng năm báo cáo Tỉnh ủy, tổng kết Nghị quyết này vào quý IV năm 2025.