Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động ngành nước sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia.
Hội Cấp thoát nước Việt Nam ký kết hợp tác với Hội Nước của Anh - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Trong khuôn khổ Tuần lễ Nước Việt Nam 2022, hội thảo "Biến đổi khí hậu – An ninh nguồn nước – Cấp nước an toàn" đã chia sẻ các kết quả và kinh nghiệm trong triển khai thực hiện, cũng như giới thiệu một số tiến bộ kỹ thuật của ngành nước trong nước và quốc tế.
Hoàn thiện pháp lý, xây dựng cơ sở dữ liệu về cấp nước an toàn
Ông Tôn Tuấn Nghĩa, cán bộ Chương trình sức khỏe môi trường, Tổ chức WHO Việt Nam đánh giá, Việt Nam thuộc tốp đi đầu trong khu vực về kế hoạch cấp nước an toàn, tạo ra lợi thế trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 6 (SDG 6 - quản lý an toàn cấp nước).
Kế hoạch cấp nước an toàn đã trở thành xu thế chung trên toàn quốc, được các đơn vị cấp nước hưởng ứng, tự nguyện áp dụng ở cả đô thị và nông thôn.
Tuy nhiên, do chưa có luật cấp, thoát nước, cấp nước an toàn được chưa luật hóa, dẫn tới cơ chế tài chính và chế tài bắt buộc chưa được xây dựng. Ngoài ra, Việt Nam chưa có thông tư riêng về cấp nước an toàn cho khu vực nông thôn; chưa có hệ thống theo dõi, cơ sở dữ liệu, đánh giá tiến độ thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn trên toàn quốc...
Trong thời gian tới, ông Tôn Tuấn Nghĩa cho rằng, các cấp, các ngành cần tiếp hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng nước địa phương... để tạo dựng các cơ sở bảo đảm tính bền vững của kế hoạch cấp nước an toàn,
Đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, trong thời gian qua, hoạt động bảo đảm cấp nước an toàn khu vực đô thị đã đạt được một số kết quả tích cực. Tổng công suất thiết kế các nhà máy nước đô thị toàn quốc đạt khoảng đạt 11,6 triệu m3/ngày đêm. Tỉ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt khoảng 92%.
Tuy nhiên, việc kiểm soát cơ sở dữ liệu để vận hành hệ thống cấp nước tại các địa phương chưa đồng bộ hóa về ứng dụng công nghệ thông tin, vẫn vận hành hệ thống mạng lưới thủ công và bán thủ công. Do đó, cần định hướng kiểm soát tốt hiện trạng mạng lưới cấp nước và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý hệ thống cấp nước để từng bước hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống quản lý vận hành mạng lưới cấp nước hướng đến mục tiêu quản lý áp lực, lưu lượng, chất lượng nước toàn diện theo thời gian.
Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp và các đại biểu tham quan triển lãm - Ảnh: VGP/HG
Đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật đề xuất cần xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ đơn vị cấp nước lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn; cơ sở dữ liệu cho cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương và cấp tỉnh nhằm kiểm soát, đánh giá kết quả việc thực hiện cấp nước an toàn.
Đồng thời đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ liên ngành từ Trung ương đến địa phương nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến cấp nước an toàn; hướng dẫn đánh giá hiệu quả việc thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn, bước đầu nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đánh giá làm cơ sở cho công tác xây dựng quy định về cấp chứng nhận cho hệ thống cấp nước bảo đảm cấp nước an toàn. Tập trung nghiên cứu việc xây dựng luật cấp, thoát nước, trong đó có quy định liên quan đến bảo đảm cấp nước an toàn.
TS. Lê Thái Hà, Viện Phó Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho rằng, để đạt mục tiêu phát triển bền vững về tiếp cận nước uống an toàn, cần xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước. Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng quy chuẩn này bị chậm tiến độ. Hiện trên cả nước mới chỉ có 37 quy chuẩn kỹ thuật địa phương do nhiều địa phương lúng túng trong quy trình xây dựng kế hoạch, thu thập số liệu, lựa chọn thông số, kinh phí thực hiện.
Bà Lê Thái Hà đề xuất các đơn vị cấp nước cần chủ động lập báo cáo đánh giá nguy cơ hệ thống cấp nước và đưa ra các thông số chất lượng nước sạch, nhằm đẩy mạnh việc hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật địa phương.
Với chủ đề "Chính sách ngành nước – Phát triển bền vững", Tuần lễ Nước Việt Nam là sự kiện lớn nhất ngành nước năm 2022 do Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) chủ trì tổ chức lần đầu từ ngày 9 đến 11/11, được sự bảo trợ của Bộ Xây dựng cùng Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Sự kiện thu hút hơn 700 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực cấp, thoát nước và vệ sinh môi trường tại Việt Nam, cùng một số tổ chức ngành nước ở nhiều quốc gia.
Trong khuôn khổ sự kiện, VWSA đã ký kết hợp tác với Hội Nước của Anh, đánh dấu mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai tổ chức. Qua đó, giúp ngành nước của hai quốc gia tiến tới sự phát triển bền vững và ổn định, thích nghi được với ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.