Phát triển trung tâm công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai, hình thành các mô hình liên kết sản xuất được xác định là hướng đi mới trong chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí ở Quảng Nam.
Quảng Nam đã hình thành các khu công nghiệp và ban hành nhiều cơ chế thông thoáng để kêu gọi DN ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực cơ khí
Hiện nay, Quảng Nam có hơn 2.000 cơ sở sản xuất cơ khí nhỏ lẻ hoạt động trong lĩnh vực gia công cơ khí, sản xuất, sửa chữa máy móc dụng cụ nông nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí phục vụ dân sinh, và có khoảng 63 dự án đầu tư ngành công nghiệp cơ khí, với tổng vốn đầu tư khoảng 29.000 tỷ đồng.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là trong tổng số 2.000 cơ sở sản xuất cơ khí nói trên đã có đến 97% là doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ.
Hầu hết DN cơ khí thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiết bị sản xuất chưa đồng bộ, nhỏ lẻ, nguyên phụ liệu cho sản xuất còn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu...
Những vấn đề này đã tạo nút thắt khiến ngành cơ khí phát triển không đồng đều, giá trị gia tăng thấp. Phần lớn máy móc, công nghệ của ngành cơ khí đã lạc hậu nên không tạo ra sản phẩm có giá trị cao, chưa hình thành được nhóm sản phẩm chủ lực đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Đặc biệt, sự liên kết hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp nội địa, liên kết giữa các doanh nghiệp địa phương còn hạn chế, do đó các doanh nghiệp địa phương chưa tham gia vào các khâu, phân khúc của chuỗi giá trị toàn cầu.
Những năm gần đây, Quảng Nam đã hình thành các khu công nghiệp và ban hành nhiều cơ chế thông thoáng để kêu gọi DN ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực cơ khí, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) để làm động lực cho các ngành công nghiệp khác phát triển.
Đến nay, toàn tỉnh có nhiều dự án về công nghiệp cơ khí từ các tập đoàn, DN trong và ngoài nước được triển khai tại các khu công nghiệp, tập trung cung ứng sản phẩm, phụ kiện phục vụ cho ngành may mặc, điện tử, linh kiện, ô tô…
Quảng Nam đẩy mạnh phát triển công nghiệp cơ khí thành ngành kinh tế chủ lực có thế mạnh của tỉnh và lan tỏa cho cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Các ngành công nghiệp cơ khí sản xuất, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, dệt may, da giày, hóa chất, nông nghiệp công nghệ cao… đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỉ trọng nội địa trong các sản phẩm công nghiệp. Trong những năm qua, Khu kinh tế mở Chu Lai đã từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thu hút được nhiều dự án đầu tư có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là đòn bẩy quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ trên Báo Quảng Nam cho biết, thực hiện kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, trong đó giao cho tỉnh xây dựng đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành CNHT và công nghiệp cơ khí tại Chu Lai, Quảng Nam đã tiếp nhận ý kiến góp ý của Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT, hoàn chỉnh đề cương đề án và thực hiện các bước tiếp theo.
"Để phát triển ngành công nghiệp cơ khí và CNHT của Quảng Nam, phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là trung tâm công nghiệp ô tô và CNHT ngành ô tô thì việc thành lập trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp phụ trợ tại Chu Lai là cần thiết" - ông Quang khẳng định.
Mới đây, UBND tỉnh có công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT đề nghị bổ sung quy hoạch quốc gia trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp phụ trợ tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Đây là nền tảng cho Quảng Nam đón đầu cơ hội và các DN chủ động đầu tư có chiều sâu với hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí và CNHT.