Việc các khu công nghiệp phát triển ngày càng nhiều xung quanh Hà Nội và tại các tỉnh giáp ranh được cho là sẽ thúc đẩy nhu cầu về căn hộ dịch vụ tại Hà Nội trong thời gian sắp tới.
Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê của Savills Việt Nam, nguồn cung căn hộ dịch vụ tại Hà Nội gia tăng đáng kể ở mức 20% theo năm, giá thuê vẫn tiếp đà giảm, công suất thuê toàn thị trường ổn định theo năm ở mức 69%, phần lớn chịu tác động từ việc hạn chế đi lại do dịch COVID-19, khiến lượng lao động nước ngoài-nguồn cầu chính của căn hộ dịch vụ vẫn chưa thể quay trở lại Việt Nam làm việc.
Tại Hà Nội, mặc dù không có nguồn cung căn hộ dịch vụ mới nhưng tương lai sẽ có rất nhiều dự án sắp ra mắt. Những dự án lớn phải kể đến như dự án Gateway Tower, tòa căn hộ dịch vụ đầu tiên tại Vinhomes Smart City (Nam Từ Liêm, Hà Nội) từng gây xôn xao giới đầu tư bất động sản cho thuê.
Ngoài ra, CapitaLand cũng vừa mua lại một dự án căn hộ dịch vụ gồm 364 căn ở phía Tây Hà Nội và sẽ được đặt tên là Somerset Metropolitan West Hanoi. Bên cạnh đó, còn có tòa căn hộ dịch vụ The Heaven nằm trong khu đô thị Starlake Hà Nội, sẽ cung cấp 317 căn hộ cao cấp trong vài năm tới.
Đại dịch làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản cho thuê, bao gồm cả căn hộ dịch vụ. Từ đầu năm đến nay ghi nhận ít khách thuê hơn và nhiều căn hộ dịch vụ thuộc phân khúc trung và cao cấp đang có tỷ lệ trống cao. Hiện khách chủ yếu là khách dài hạn, một số ít khách ngắn hạn do lệnh hạn chế đi lại.
Về giá thuê căn hộ dịch vụ, liên tục ghi nhận giá chào thuê giảm trong quý II. Giá chào thuê trung bình ở phân khúc hạng A giảm 6 - 8 USD/m2/tháng và 3 - 5 USD/m2/tháng đối với phân khúc hạng B. Tỷ lệ lấp đầy trung bình giảm từ 15 - 25% so với quý trước. Trước tình hình đó, các chủ nhà đã chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách thuê như cắt giảm tiền thuê nhà, hóa đơn điện, nước và các dịch vụ đi kèm để tăng công suất thuê qua đại dịch. Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Savills Việt Nam về thị trường Hà Nội đã chỉ ra những tín hiệu tích cực ở phân khúc này.
Cụ thể, nguồn cung căn hộ dịch vụ tại Hà Nội đạt 5.500 căn, tăng mạnh 20% theo năm. Trong đó, sự ra mắt của hai dự án hạng B tại quận Ba Đình và Đống Đa sau một thời gian chờ đợi đã cung cấp thêm 136 căn. Tỷ trọng các căn hạng A ổn định trong vòng 5 năm qua ở mức 53%, phần lớn được quản lý bởi Ascott và thương hiệu mới vào Oakwood.
Công suất toàn thị trường trong quý II ở mức 69%. Riêng quận ngoại thành Gia Lâm vẫn ghi nhận mức tăng đáng kể, 32 điểm % theo quý, nhờ khả năng đáp ứng nhu cầu cao của Vinhomes Ocean Park S2.17 cho các sinh viên trường quốc tế và chuyên gia Hàn Quốc làm việc tại các khu lân cận. Sau một năm ghi nhận, khách thuê Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản để chiếm đa số. Các chuyên gia nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp là nguồn cầu chính tại thị trường căn hộ dịch vụ.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội nhận định, công suất thị trường căn hộ dịch vụ được ghi nhận ổn định theo năm, một phần là vẫn còn số lượng chuyên gia nước ngoài cố định ở lại Việt Nam. Nhờ lượng chuyên gia nhất định, nên nhu cầu đối với căn hộ dịch vụ vẫn được ghi nhận.
Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu quay trở lại Việt Nam làm việc của lao động nước ngoài sẽ tăng và chủ yếu là nhóm lao động kỹ thuật cao, chuyên gia có kinh nghiệm quản lý và đã được cấp phép lao động hoặc đủ điều kiện để cấp giấy phép. Đặc biệt, khi Việt Nam đang thí điểm giảm thời gian cách ly xuống còn 7 ngày cho những người tiêm đủ liều vaccine từ tháng 7/2021. Tính đến tháng 6/2021, các nước có lượng đầu tư cao nhất tại miền Bắc đang gia tăng tỷ lệ tiêm mũi vaccine thứ hai, bao gồm Singapore (36% tổng số dân), Hong Kong (19%), Trung Quốc (16%), Nhật Bản (12%) và Hàn Quốc (10%).
Trong năm vừa qua, lượng khách quốc tế giảm mạnh và chủ yếu ghi nhận lượng khách đến từ các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản. Họ đa phần tập trung tại các quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy và Nam Từ Liêm. Tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ của các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là từ đợt dịch bùng phát tại các khu công nghiệp phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang.
Các chuyên gia Savills nhận định, mặc dù bị ảnh hưởng từ đại dịch, nhưng nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ vẫn duy trì được công suất bởi một số lượng lớn các chuyên gia đã công tác nhiều năm tại Việt Nam. Những người này do yêu cầu công việc nên thường có nhu cầu ở ổn định và lâu dài. Trong khi đó, nguồn cung tại Hà Nội sắp tới cũng sẽ được tăng thêm khoảng 2.400 căn đến từ 19 dự án, góp phần duy trì nguồn cung dồi dào trên toàn thị trường.
Việc các khu công nghiệp ngày một nhiều tại các tỉnh giáp ranh Hà Nội được cho là sẽ thúc đẩy nhu cầu về căn hộ dịch vụ tại Hà Nội trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, việc triển khai tiêm vaccine toàn dân nếu được thực hiện đúng lộ trình sẽ góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế dịch vụ, dẫn tới nhu cầu tăng nhanh trở lại.
Đặc biệt, nếu dịch sớm được kiểm soát thì nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ liên tục được rót vào Việt Nam, bởi chỉ trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã hút được 761 triệu USD vốn đăng ký đầu tư mới. Các tỉnh xung quanh cũng ghi nhận mức đầu tư FDI cao bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang...
Trong bối cảnh như vậy, việc phát triển thị trường căn hộ dịch vụ sẽ là xu thế tất yếu trong tương lai, đặc biệt là tại các khu vực vành đai, nơi có giao thông liên tỉnh thuận tiện cho việc đi lại giữa các địa phương.